Gần 30.000 tỷ vốn đầu tư công chưa được giải ngân, Thủ tướng muốn tìm ngay 'điểm nghẽn'

Số vốn đầu tư công còn lại chưa phân bổ chi tiết là gần 30.000 tỷ đồng (chiếm 4,4% kế hoạch Thủ tướng giao). Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu thảo luận, đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân, những vướng mắc, 'điểm nghẽn', bảo đảm kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Sáng 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024.

Nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của đầu tư, trong đó có đầu tư công, Thủ tướng cho rằng việc ưu tiên cho tăng trưởng với động lực đầu tư có ý nghĩa quan trọng. Đầu tư tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới và kích hoạt các hoạt động kinh tế - xã hội khác.

Mục tiêu đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc.

Hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh: VGP

Hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh: VGP

Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thời gian qua Chính phủ triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. 5 tổ công tác của Thủ tướng và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng bên cạnh những việc đã làm tốt, những địa phương, cơ quan, lĩnh vực đạt kết quả tích cực, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 so với yêu cầu đặt ra và số vốn được giao vẫn thấp.

Đến ngày 10/7/2024, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là gần 30.000 tỷ đồng (chiếm 4,4% kế hoạch Thủ tướng giao).

Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 là 196.669 tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Giải ngân nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 4.781,7 tỷ đồng, đạt 78,23% kế hoạch, Chương trình mục tiêu quốc gia là 9.644,6 tỷ đồng, đạt 35,43% kế hoạch.

Trong đó bên cạnh tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương có sự cải thiện (đạt 30,51% so với cùng kỳ 28,34%), thì tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách địa phương (đạt 28,77%) lại thấp hơn cùng kỳ (32,76%).

Đáng chú ý, có 60/107 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước, gồm 32/44 bộ, cơ quan Trung ương và 28/63 địa phương; tỷ lệ giải ngân vốn ODA cũng còn chậm và không được khắc phục.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận, đánh giá tình hình, những mặt tích cực, kết quả đạt được, những mặt chưa được, tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, những vướng mắc, "điểm nghẽn", làm rõ tại sao cùng một cơ chế, chính sách, có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt,

Đặt câu hỏi "Tại sao đến nay còn hơn 29.000 tỷ đồng chưa phân bổ được", Thủ tướng cho rằng cần đúc kết những kinh nghiệm quý, bài học hay, xác định các giải pháp, nhiệm vụ để thúc đẩy đầu tư công năm 2024, phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Ông đặt vấn đề nên xem xét với cơ quan, đơn vị không giải ngân tốt, có thể thu hồi lại để phân bổ vào những công trình trọng điểm có điều kiện giải ngân tốt để góp phần giải quyết khó khăn cho các ngành.

"Năm 2024, phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn Thủ tướng giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng", Thủ tướng yêu cầu.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/gan-30-000-ty-von-dau-tu-cong-chua-duoc-giai-ngan-thu-tuong-muon-tim-ngay-diem-nghen-1101072.html