Hàn Quốc, Mỹ không thảo luận về triển khai quân tới Trung Đông
Seoul và Washington không thảo luận về khả năng triển khai các binh sĩ Hàn Quốc tới Trung Đông trong vòng đàm phán mới nhất giữa hai nước về chia sẻ chi phí quốc phòng. Trưởng phái đoàn đàm phán của Hàn Quốc, ông Jeong Eun-bo ngày 16/1 đã đưa ra tuyên bố trên khi rời Washington (Mỹ) trở về nước sau khi vòng đàm phán song phương thứ 6 (ngày 14-15/1) tại đây kết thúc mà hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận về chia sẻ chi phí quốc phòng, được gọi là Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA), vốn đã hết hạn cuối năm ngoái.
Phát biểu với báo giới tại sân bay quốc tế Dulles ở Washington, ông Eun-bo nêu rõ: "Chúng tôi không thảo luận về việc triển khai quân tới Eo biển Hormuz hoặc bất kỳ điều gì khác không nằm trong khuôn khổ SMA".
Ông Jeong Eun-bo đưa ra tuyên bố trên sau khi có đồn đoán cho rằng hai bên đã thỏa luận về việc triển khai quân đội Hàn Quốc tới Eo biển Hormuz để hỗ trợ cho các hoạt động an ninh của Mỹ tại đó nhằm đáp ứng phần nào yêu cầu của Washington muốn Seoul đóng góp chi phí lớn hơn cho hoạt động đồn trú của 28.500 binh sỹ Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.
Đề cập đến vòng đàm phán lần này kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, ông Jeong Eun-bo nêu rõ: "Chúng tôi đang hướng tới một giải pháp cùng thắng theo cách sáng tạo hơn. Chúng tôi đang từng bước tiến tới thỏa thuận, song cả hai bên cần nhượng bộ thì mới đạt được thỏa thuận. Tôi tin rằng chúng tôi vẫn cần giải quyết những bất đồng".
Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ chi phí tài chính duy trì sự hiện diện của lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) theo SMA, bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự và hỗ trợ hậu cần. Theo thỏa thuận này, năm 2019, Hàn Quốc đóng góp 870 triệu USD, tăng 8,2% so với năm trước. Từ tháng 9 năm ngoái đến nay, Seoul và Washington đã tiến hành tổng cộng 5 vòng đàm phán. Theo truyền thông Hàn Quốc, qua nhiều vòng đàm phán, Washington vẫn yêu cầu Seoul tăng mức đóng góp lên gần 5 tỷ USD vào năm tới, song Seoul cho rằng con số này không hợp lý. Tuy nhiên, hồi tháng trước, trưởng phái đoàn đàm phán Mỹ, ông James DeHart khẳng định những con số này "không phản ánh đúng nội dung" mà hai bên đang đàm phán và con số thực tế mà hai bên thảo luận sẽ rất khác so với mức đề xuất ban đầu của Mỹ.