Hàn Quốc nghi nhà máy đóng tàu Triều Tiên gia tăng hoạt động

Đài KBS (Hàn Quốc) đưa tin, một trung tâm nghiên cứu về bán đảo Triều Tiên đã phát hiện nhà máy đóng tàu của nước này gia tăng hoạt động. Mặt khác, Seoul cũng cáo buộc Triều Tiên xây tường, đào đất và xây dựng đường trong khu phi quân sự.

Nhà máy đóng tàu gia tăng hoạt động

Theo thông tin từ KBS, trang web chuyên về các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên "Beyond Parallel" (Vượt qua sự chia cắt) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở thủ đô Washington D.C (Mỹ) cho biết trong vòng 5 tuần gần đây, tại nhà máy đóng tàu Sinpo ở tỉnh Nam Hamgyong của Triều Tiên có một số hoạt động gia tăng bất thường.

Các hoạt động này liên quan tới tàu ngầm Anh hùng Kim Kun Ok, tàu ngầm Yongung 24/8 (Anh hùng 24/8) và sà lan dùng để phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.

Tàu ngầm Anh hùng Kim Kun Ok từng được Triều Tiên tuyên bố là tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật, còn tàu Yongung 24/8 là tàu ngầm dùng để phóng thử tên lửa đạn đạo.

Ảnh chụp vệ tinh Nhà máy đóng tàu Sinpo ngày 11/6 (Nguồn: Yonhap).

Ảnh chụp vệ tinh Nhà máy đóng tàu Sinpo ngày 11/6 (Nguồn: Yonhap).

Trang web trên cho rằng cả ba phương tiện này là tâm điểm của chương trình phát triển tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), cùng tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm (SLCM) của Triều Tiên.

Các hoạt động trên cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị thử nghiệm trên biển đối với tàu ngầm Anh hùng Kim Kun Ok, chuẩn bị phóng thêm SLBM và SLCM, hoặc có thể thử nghiệm tất cả các vũ khí trên trong mùa Hè này.

Theo quan sát, tàu ngầm Anh hùng Kim Kun Ok sau khi được Triều Tiên công bố vào tháng 9 năm ngoái vốn neo đậu ở nhà máy đóng tàu Sinpo, nhưng từ giữa tháng trước đã được chuyển sang khu ụ khô nổi của nhà máy này.

CSIS cho biết trong ảnh vệ tinh chụp từ ngày 23/5 tới 11/6, chưa thể xác định được chính xác Triều Tiên đang làm gì trên tàu nhưng căn cứ vào chi tiết cần trục tháp của ụ khô nổi được dựng thẳng đứng, có thể phỏng đoán nước này đang tiến hành lắp bệ phóng để thực hiện vụ thử trên biển.

Trong khi đó, tàu Yongung 24/8 cũng được chuyển đến ụ khô nổi của nhà máy đóng tàu trong khoảng thời gian từ ngày 8-17/5, hiện được đặt trở lại dưới mái che bảo vệ, thế chỗ tàu Anh hùng Kim Kun Ok.

Trong thời gian từ ngày 28/5-4/6, một cần cẩu ống lồng được lắp trên mái che tàu Yongung 24/8 và cần cẩu này không còn xuất hiện trong ảnh vệ tinh chụp hôm 6/6.

Còn sà lan vốn dùng để phóng thử tên lửa từ tàu ngầm được neo cạnh lối đi ở nhà máy đóng tàu Sinpo nay được di chuyển đến khu vực an ninh phía sau tàu Yongung 24/8.

Nghi Bình Nhưỡng xây tường, làm đường trong khu vực phi quân sự

Trong một diễn biến khác, ngày 15/6, Thông tấn xã Yonhap (Hàn Quốc) dẫn các nguồn tin quân sự cho biết quân đội Triều Tiên đang tiến hành các hoạt động xây dựng không rõ mục đích trong khu vực phi quân sự (DMZ) như xây tường, đào đất và làm đường tại các khu vực quanh đường ranh giới quân sự phân chia hai miền của bán đảo.

Tuy nhiên, hiện chưa thể xác định các hoạt động bất thường của Triều Tiên là nhằm xây tường dài dọc phía bắc đường ranh giới hay đơn giản tăng cường phòng thủ tại một số địa điểm cụ thể.

Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên triển khai nhiều hoạt động xây dựng trong khu vực phi quân sự phân chia hai miền bán đảo Triều Tiên. (Ảnh: Yonhap)

Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên triển khai nhiều hoạt động xây dựng trong khu vực phi quân sự phân chia hai miền bán đảo Triều Tiên. (Ảnh: Yonhap)

Động thái trên diễn ra sau vụ việc khoảng 20 binh sĩ Triều Tiên vượt qua đường ranh giới quân sự giữa hai bên nhưng sau đó đã nhanh chóng quay trở lại phía Triều Tiên khi Hàn Quốc bắn đạn cảnh cáo vào ngày 11/6.

Theo tờ Yonhap, các chuyên gia quân sự suy đoán vụ việc trên có thể liên quan đến hoạt động xây tường của Triều Tiên do tại thời điểm vượt biên giới, binh lính Triều Tiên mang theo các công cụ lao động như cuốc chim và xẻng.

Những vụ việc trên xảy ra ngay lúc căng thẳng hai miền bán đảo Triều Tiên leo thang. Trong khi Triều Tiên thả một loạt khinh khí cầu chứa rác thải sang Hàn Quốc thì ngược lại Hàn Quốc phát loa phát thanh tuyên truyền sang phía Triều Tiên.

Cuối tháng 5 vừa qua, Triều Tiên cũng cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc tăng cường các hoạt động do thám bằng cả không quân và hải quân, cảnh báo nước này sẽ hành động nếu chủ quyền và an ninh quốc gia bị xâm phạm.

Theo Yonhap, đường ranh giới quân sự hiện chia đôi khu vực phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên theo chiều ngang. Khu phi quân sự này là vùng đệm giữa Hàn Quốc và Triều Tiên kể từ khi cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên (1950-1953) kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chứ không phải một hiệp ước hòa bình.

Lưu Gia Huy

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/han-quoc-nghi-nha-may-dong-tau-trieu-tien-gia-tang-hoat-dong-192240615160455567.htm