Hàn Quốc tài trợ 6,4 triệu USD giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng
Một dự án trị giá 6,4 triệu USD do Hàn Quốc tài trợ đang đề xuất nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực như sản xuất giấy, thép, sợi, điện..., có thể giúp tiết giảm hàng tỷ đồng chi phí mỗi năm.
Ngày 12/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã tổ chức tọa đàm để đánh giá giữa kỳ về hiệu quả của dự án "Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam" (Dự án).
Nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ dự án
Đại diện đơn vị tài trợ dự án, ông Lee Byung Hwa, Giám đốc quốc gia Văn phòng KOICA tại Việt Nam thông tin, cách đây khoảng 10 năm, KOICA đã bắt đầu dự án hỗ trợ xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia của Việt Nam. Và kể từ năm 2017, KOICA đã thực hiện các dự án hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm năng lượng công nghiệp.
Tháng 2/2021, KOICA và Bộ Công Thương đã tiến hành ký kết biên bản thảo luận về triển khai, và chính thức khởi động dự án thúc đẩy tiết kiệm năng lượng nêu trên vào tháng 4/2022.
Sau một năm 8 tháng đi vào hoạt động, mặc dù việc trao đổi giữa chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam từng gặp hạn chế do đại dịch Covid-19, nhưng dự án đã xây dựng được báo cáo kỹ thuật về kế hoạch tăng trưởng xanh của 10 địa phương và hoàn thành kiểm toán hiệu quả năng lực tại 10 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều hợp phần như phát triển chương trình đào tạo dành cho quản lý năng lượng và kiểm toán năng lượng, phát triển hệ số chuẩn về sử dụng năng lượng theo từng ngành cũng đang được tiến hành.
Theo ông Lee Byung Hwa, ngay cả trong lúc dự án đang được tiến hành một cách thuận lợi, mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu vẫn ngày càng gia tăng. Sau khi tuyên bố mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 tại COP 26 năm 2021, tại Hội nghị COP 28 đang diễn ra tại Dubai, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa kêu gọi các quốc gia trên thế giới thực hiện cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Lee Byung Hwa, Giám đốc quốc gia Văn phòng KOICA tại Việt Nam
Đánh giá về kết quả hoạt động của dự án trong thời gian qua, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, năm 2023, dự án đã lựa chọn 10 doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng để thực hiện kiểm toán năng lượng dưới sự giám sát của các chuyên gia Hàn Quốc.
Với hàng chục giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các lĩnh vực sản xuất giấy, thép, sợi, điện... được đề xuất cho mỗi doanh nghiệp, theo tính toán, doanh nghiệp có thể tiết giảm chi phí lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm nếu áp dụng các giải pháp này, ông Vũ nhận định.
Một số doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ dự án này có thể kể đến như: Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, CTCP Thép Việt - Ý, CTCP Giấy Việt Trì, Công ty TNHH Sợi Dệt Hương Sen, Công ty Tôn Đông Á…
Cụ thể, tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải là đơn vị thuộc Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1), thiết bị tiêu thụ nhiên liệu tại đơn vị này là lò hơi, mỗi tổ máy có 2 quạt hút khói lò hơi, mỗi quạt công suất 5.400 kW. Nhờ áp dụng biến tần điều chỉnh lưu lượng gió hút phù hợp với yêu cầu hoạt động của lò hơi, Nhiệt điện Duyên Hải đã có thể tiết kiệm hơn 24 triệu kWh/năm, tương đương hơn 39 tỷ đồng.
Ông Trịnh Quốc Vũ cũng thông tin, theo đánh giá của KOICA, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải là rất lớn. Với các giải pháp được đề xuất như lắp biến tần, cung cấp nhiệt bổ sung, khớp nối từ tính cho các quạt gió, lò hơi… sẽ giúp công ty có thể tiết kiệm hơn 75,7 triệu kWh/năm, tương đương hơn 130 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác cũng được hưởng lợi từ dự án là CTCP Thép Việt Ý. Đơn vị này đã thực hiện giải pháp lắp biến tần cho bơm nước hồi thay cho van tay, giảm tốc độ cho bơm, từ đó tiết kiệm hơn 525.000 kWh/năm, tương đương gần 870 triệu đồng.
Ngành thép là ngành có mức tiêu thụ năng lượng lớn. Theo kết quả kiểm toán năng lượng Hàn Quốc, với các giải pháp đề xuất tổng hợp như hiệu chỉnh quá trình cháy lò nung phôi, lắp đèn năng lượng mặt trời, lắp máy biến tần, thu hồi nước ngưng từ hơi xả lò khí hóa than…, Thép Việt Ý có thể tiết kiệm tới gần 19 tỷ đồng/năm.
Nguồn lực cho kinh tế xanh vẫn còn hạn chế
Cũng trong buổi tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, trong tiến trình đạt được nền kinh tế xanh, việc thu hút nguồn lực là vô cùng quan trọng, quyết định khả năng, phương thức, cách thức trong quá trình thực hiện.
Theo ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, việc huy động nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Nguồn lực từ các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong đầu tư xanh, nhất là trong lĩnh vực năng lượng và môi trường.
Tuy nhiên, tiến trình phát triển nền kinh tế xanh của Việt Nam vẫn đang trong thời kì sơ khai và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi và biến động khó lường.
Ông Lê Việt Anh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Chia sẻ kinh nghiệm từ phía Hàn Quốc, ông Lee Yeon Sang, Đơn vị ứng phó với biến đổi khí hậu do công nghiệp của Hàn Quốc cho biết, để thực hiện các giải pháp và chuyển đổi sang các thiết bị tiêu tốn ít năng lượng sẽ cần nguồn vốn lớn. Hiện nay ở Hàn Quốc, để hỗ trợ doanh nghiệp, chính phủ nước này sẽ tập trung vào những doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, có lộ trình giải pháp cho tiết kiệm điện.
"Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ tài chính, cơ sở hạ tầng, có thể như cho vay vốn với lãi suất thấp 2% để lắp đặt các thiết bị tiết kiệm năng lượng, mở rộng trợ cấp nghiên cứu và phát triển cho các dự án liên quan đến hiệu suất năng lượng; giảm gánh nặng về thuế cho các thiết bị tiết kiệm năng lượng mới được lắp đặt; cung cấp dịch vụ kiểm toán năng lượng miễn phí cho các thiết bị của nhà máy", ông Lee Yeon Sang thông tin.
Dự án "Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam" được triển khai từ năm 2021 đến năm 2025 với tổng kinh phí 6,4 triệu USD, do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) nhằm đóng góp vào mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam; đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế và xã hội; giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dự án bao gồm 5 hợp phần: Hợp phần 1: Lập dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng;
Hợp phần 2: Hỗ trợ thực thi quy định định mức tiêu hao năng lượng và hướng dẫn kỹ thuật về tăng trưởng xanh;
Hợp phần 3: Nâng cao năng lực liên quan tới đầu tư TKNL trong lĩnh vực công nghiệp và thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh;
Hợp phần 4: Khảo sát, nghiên cứu và xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh;
Hợp phần 5: Phổ biến tuyên truyền về các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của các tỉnh.