Hàn Quốc tăng đóng góp trong ngân sách duy trì lực lượng Mỹ đồn trú
Sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng, cuối cùng Mỹ và Hàn Quốc đã thu hẹp được bất đồng để đạt được thỏa thuận về chia sẻ chi phí duy trì sự hiện diện của các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK). Theo đó, Seoul chấp nhận tăng chi phí đóng góp.
Theo Reuters, ngày 7-3, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, nước này sẽ tăng cường đóng góp vào ngân sách duy trì sự hiện diện của USFK theo Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA) mới đạt được với Washington. Thỏa thuận mới cần phải được Quốc hội Hàn Quốc thông qua. “Cả hai bên sẽ công bố rộng rãi và tổ chức lễ ký kết sau khi hoàn tất các thủ tục báo cáo nội bộ. Chính phủ Hàn Quốc sẽ quyết tâm ký một thỏa thuận nhanh chóng để giải quyết khoảng trống đã kéo dài hơn một năm”, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết.
Về phía Mỹ, Bộ Ngoại giao nước này cũng khẳng định đã đạt được một thỏa thuận về chia sẻ chi phí quốc phòng, trong đó có sự gia tăng đóng góp của Hàn Quốc. “Thỏa thuận phản ánh cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc hồi sinh và hiện đại hóa các liên minh nhằm thúc đẩy an ninh và thịnh vượng chung”, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Hiện tại, Mỹ có khoảng 28.500 binh sĩ đang đóng quân tại Hàn Quốc. Theo Hiệp ước Quốc phòng Mỹ-Hàn Quốc năm 1953, Mỹ triển khai USFK để ngăn chặn các mối đe dọa từ Triều Tiên và bảo đảm an ninh tại Đông Bắc Á. Kể từ năm 1991, Seoul bắt đầu chia sẻ chi phí duy trì sự hiện diện của USFK tại Hàn Quốc theo SMA, trong đó bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự và một số hoạt động hỗ trợ khác. Trước đây, Hàn Quốc và Mỹ quy định thời hạn hiệu lực của SMA là 5 năm. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền với chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, cựu Tổng thống Donald Trump đã xóa bỏ tiền lệ này và rút ngắn thời hạn hiệu lực SMA xuống còn một năm.
SMA mà Mỹ và Hàn Quốc vừa mới đạt được sẽ kéo dài trong 6 năm. Đây là thỏa thuận thay thế cho SMA lần thứ 10 vốn đã hết hạn vào cuối năm 2019. Trước đó, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Hàn Quốc về chia sẻ chi phí duy trì USFK từng lâm vào bế tắc do hai bên không tìm được tiếng nói chung. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump kiên quyết yêu cầu Hàn Quốc tăng mạnh mức đóng góp với lý do Seoul đã chia sẻ khoản kinh phí "không tương xứng" so với những gì xứ cờ hoa bỏ ra. Thậm chí, ông Donald Trump đã từ chối đề nghị của Hàn Quốc tăng đóng góp của Seoul thêm ít nhất 13%, lên tổng cộng khoảng 1 tỷ USD/năm, đồng thời đề nghị quốc gia đồng minh châu Á này phải tăng mức đóng góp lên đến 5 tỷ USD/năm.
Kể từ khi trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, ông Biden thường xuyên nhấn mạnh lập trường tăng cường mối quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh, đặc biệt với Nhật Bản và Hàn Quốc-hai đồng minh chủ chốt của nước này tại Đông Bắc Á. Washington luôn khẳng định rằng, quan hệ đồng minh với Seoul có vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Bắc Á, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và toàn thế giới. Về phía Hàn Quốc, trong cuộc điện đàm hồi đầu tháng 2 với người đồng cấp Biden, Tổng thống Moon Jae-in đã cam kết sẽ nâng cấp quan hệ đồng minh với Mỹ.
Hiện nay, Seoul trả cho Washington khoảng 920 triệu USD mỗi năm để duy trì sự hiện diện của USFK. Dù hai bên chưa công bố con số cụ thể về mức tăng chi phí đóng góp của Hàn Quốc nhưng việc Washington và Seoul thu hẹp bất đồng về chia sẻ chi phí quốc phòng để đi đến một thỏa thuận được coi là tín hiệu tích cực trong quan hệ đồng minh.