Hàn Quốc tăng tốc phát triển xe tăng thế hệ mới K3
Ngành quốc phòng Hàn Quốc đang đạt nhiều tiến bộ trong việc phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới K3.
Theo kế hoạch, nguyên mẫu đầu tiên của loại xe tăng này sẽ ra mắt vào năm 2030, hứa hẹn nâng cao đáng kể năng lực chiến đấu của lực lượng vũ trang Hàn Quốc.
Xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên do Hàn Quốc sản xuất, K1, được phát triển dựa trên mẫu M1A1 Abrams của Mỹ. Thay vì sử dụng động cơ tua-bin khí như Abrams – vốn ngốn nhiên liệu và đắt đỏ, K1 được trang bị động cơ diesel tiết kiệm hơn. Từ khi ra mắt vào năm 1987, K1 liên tục được hiện đại hóa, với hơn 1.500 chiếc được sản xuất tính đến năm 2025.
Điểm nhấn lớn của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc đến từ xe tăng K2, một thiết kế hoàn toàn mới, được đưa vào sử dụng từ năm 2014. K2 được đánh giá là một trong những mẫu xe tăng hàng đầu thế giới nhờ vào các ưu điểm như tốc độ bắn nhanh, dễ bảo trì, tầm bắn xa và hệ thống bảo vệ chủ động tiên tiến. Hàn Quốc đã đặt hàng 410 chiếc K2, trong khi Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến mua hơn 1.000 chiếc – minh chứng cho sức hấp dẫn trên thị trường xuất khẩu.
K3: Bước tiến mới của xe tăng Hàn Quốc
Xe tăng K3 sẽ kế thừa thiết kế của K2, nhưng được cải tiến mạnh mẽ về khả năng bảo vệ, tốc độ và độ cơ động. Đặc biệt, K3 sẽ tích hợp tháp pháo thông minh tự động hoàn toàn – một cải tiến giúp bảo vệ kíp lái tốt hơn và tăng độ chính xác trong tấn công mục tiêu.
Tháp pháo này sẽ được trang bị pháo chính 130mm, lớn hơn so với bất kỳ xe tăng nào đang hoạt động trên thế giới hiện nay. Pháo mới sẽ sử dụng các loại đạn xuyên giáp thế hệ mới và đạn nổ mạnh, bao gồm cả đạn loạt K279 do Hàn Quốc tự sản xuất.
Khả năng bảo vệ của K3 cũng sẽ được tăng cường nhờ vào các loại giáp phản ứng và giáp tổng hợp thế hệ mới, cùng hệ thống phòng vệ chủ động hiện đại. Thiết kế này chú trọng vào việc đối phó với các mối đe dọa từ máy bay không người lái và đạn tấn công từ trên cao, một điểm yếu đã được nhận diện ở cả xe tăng phương Tây và Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Cuộc đua xe tăng tại Đông Á
Mặc dù K2 đã mang lại cho quân đội Hàn Quốc lợi thế vượt trội so với lực lượng thiết giáp của Triều Tiên, nhưng sự tiến bộ nhanh chóng của Bình Nhưỡng đang khiến lợi thế này dần bị thu hẹp.
Tháng 10/2020, Triều Tiên ra mắt xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới mang tên Chonma 2. Đến năm 2024, loại xe tăng này đã chính thức được đưa vào biên chế. Các đoạn video công bố vào tháng 7/2023 cho thấy, Chonma 2 được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động tiên tiến – một tính năng thường thấy trên các xe tăng hiện đại nhất thế giới.
Triều Tiên cũng đã phát triển đạn xuyên giáp hiện đại với tỷ lệ chiều dài trên đường kính vượt trội, cho phép xuyên thủng lớp giáp dày của đối phương. Đáng chú ý, xe tăng này còn triển khai tên lửa chống tăng Bulsae-4 – loại tên lửa tương tự Javelin của Mỹ nhưng có tầm bắn xa gấp đôi và đã được thử nghiệm thực chiến tại Ukraine.
Tháng 11/2024, Triều Tiên tiếp tục gây chú ý khi công bố mẫu xe tăng Tianma 2, được cho là phiên bản nâng cấp của Chonma 2. Tianma 2 có tháp pháo dạng mô-đun với lớp giáp composite, mang lại khả năng chống chịu tốt trước cả đạn động năng lẫn đạn nổ.