Hàn Quốc tham vọng sở hữu tàu sân bay, cạnh tranh với Trung Quốc
Một nhà lập pháp Hàn Quốc đã đề xuất nước này nên mua tàu sân bay có tải trọng 40.000 hoặc 70.000 tấn nhằm cạnh tranh với Trung Quốc và Nhật Bản.
Choi Jae Sung, nghị sĩ hàng đầu thuộc đảng Dân chủ cầm quyền ở Hàn Quốc, đã đề xuất mua tàu sân bay trong sách trắng quốc phòng mà Ủy ban Quốc phòng về hải quân và không quân phát hành vào ngày 10/10, tờ Money Today của Hàn Quốc cho biết.
Đề xuất của ông Choi gồm 2 lựa chọn. Đầu tiên là mua sắm tàu sân bay có lượng choán nước khoảng 70.000 tấn, thủy thủ đoàn 1.400 người và có thể mang theo 32 máy bay chiến đấu, 8 trực thăng. Một tàu sân bay như vậy sẽ tương đương hàng không mẫu hạm lớp Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh, tạp chí National Interest cho biết.
Lựa chọn thứ 2 là tàu sân bay có lượng choán nước 40.000 tấn, thủy thủ đoàn 700 người và chỉ mang theo khoảng 12 máy bay chiến đấu và trực thăng. Giải pháp này sẽ tương đương với tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp của Mỹ.
Cạnh tranh với Trung Quốc và Nhật Bản
Người ta vẫn chưa thể xác định các quan chức Hàn Quốc có thực sự nghiêm túc xem xét đề xuất của ông Choi hay không. Nhưng Seoul đã hạ thủy một tàu sân bay trực thăng thuộc lớp Dokdo cải tiến. Con tàu mang tên Marado, dù nhỏ hơn so với đề xuất của ông Choi, nhưng có thể giúp Hàn Quốc cạnh tranh với các đối thủ chính là Nhật Bản và Trung Quốc.
Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, ngày 12/7 đã quyết định mua sắm tàu đổ bộ tấn công (LPH-II) có khả năng vận hành máy bay cánh cố định. Tàu mới nhiều khả năng sẽ triển khai hoạt động tiêm kích tàng hình F-35B.
Việc đóng mới tàu LPH-II đã được đưa vào kế hoạch xây dựng lực lượng dài hạn, một phát ngôn viên của Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc nói với Defense News hồi tháng 7. Người phát ngôn này cho biết thêm khi nghiên cứu sơ bộ được hoàn thành, kế hoạch đóng tàu sẽ được đưa vào danh sách mua sắm giữa kỳ.
LPH mới sẽ có lượng choán nước khoảng 30.000 tấn, gấp đôi so với tàu sân bay trực thăng lớp Dokdo chỉ có thể triển khai hoạt động trực thăng. Một tàu LPH tải trọng 30.000 tấn có thể mang theo hàng chục tiêm kích tàng hình F-35B.
Trong nhiều năm, Seoul đã cân nhắc việc mua tiêm kích tàng hình F-35B, phiên bản cất, hạ cánh thẳng đứng, để bổ sung cho F-35A hoạt động trên đất liền. Đầu tháng 10, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố mua thêm 20 tiêm kích tàng hình F-35A, để bổ sung cho 40 chiếc F-35A đã mua trước đó vào năm 2014. Tuy nhiên, kế hoạch mua F-35B có thể trang bị cho tàu sân bay tương lai vẫn chưa được thực hiện.
“Sở hữu một tàu sân bay sẽ tạo ra bước ngoặt mang tính biểu tượng và ý nghĩa để nâng cao năng lực hải quân đất nước, trước các mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc và Nhật Bản”, Kim Kime Young, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu chiến lược Hàn Quốc nói với Defense News.
Tàu sân bay của Hàn Quốc nếu được phê duyệt sẽ hoạt động ở vùng biển đông đúc với nhiều tàu sân bay. Nội các Nhật Bản đã phê duyệt kế hoạch sửa đổi 2 tàu sân bay trực thăng lớp Izumo để triển khai hoạt động tiêm kích tàng hình F-35B.
Hải quân Trung Quốc đang sở hữu 2 tàu sân bay và một tàu khác đang được đóng mới. Bắc Kinh có thể sở hữu 6 tàu sân bay vào năm 2030. Hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc sẽ pha trộn giữa các tàu thông thường và chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Tàu sân bay nhỏ nhất của Trung Quốc là Liêu Ninh có lượng choán nước 60.000 tấn, gấp đôi tàu LPH-II của Hàn Quốc. Nhưng nếu Seoul đóng mới tàu sân bay như đề xuất phương án một mà nghị sĩ Choi đề xuất, Hàn Quốc sẽ có tàu sân bay tương đương với Trung Quốc.
Tăng cường đội tàu hộ tống
Tàu sân bay mới mà nghị sĩ Choi đề xuất cùng với tàu LHP-II là một phần trong kế hoạch xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh hơn của Hàn Quốc. Ngày 30/4, chính phủ Hàn Quốc đã phê duyệt kế hoạch mua thêm tàu khu trục và tàu ngầm cho lực lượng hải quân đang phát triển nhanh chóng của đất nước.
Kế hoạch mua sắm trị giá 6 tỷ USD, gồm 3 tàu khu trục Aegis lớp Sejong the Great được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, 3 tàu ngầm được trang bị hệ thống phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất.
Các tàu chiến mới có thể giúp Seoul mở rộng phạm vi hoạt động ngoài nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ bờ biển. Triều Tiên được xem là mối đe dọa chính đối với Hàn Quốc, cụ thể là lực lượng pháo binh khổng lồ của Triều Tiên, có thể nhanh chóng phá hủy Seoul và gây nguy hiểm cho hàng triệu người.
Tuy nhiên, Seoul đang nhìn xa hơn ngoài mối đe dọa trực tiếp từ Triều Tiên. Hàn Quốc rõ ràng có tham vọng xây dựng lực lượng hải quân nước xanh, tàu sân bay và tàu đổ bộ tấn công sẽ hỗ trợ cho tham vọng đó.
Tính đến tháng 10/2019, hải quân Hàn Quốc đang vận hành 68 tàu chiến lớn, bao gồm 16 tàu ngầm, 12 tàu khu trục, 13 tàu hộ vệ tên lửa, 13 tàu hộ tống và 14 tàu đổ bộ. Hạm đội còn nhiều tàu tuần tra, tàu quét mìn và tàu hậu cần.
Ba tàu khu trục lớp Sejong the Great và 3 tàu ngầm Dosan An Chang-Ho mới sẽ giúp mở rộng hạm đội chứ không phải để thay thế cho các tàu cũ. Các tàu khu trục Sejong the Great mới được trang bị hệ thống phóng tên lửa nâng cấp cho phép đánh chặn tên lửa đạn đạo, Yonhap từng đưa tin. Nó đại diện cho sự nâng cấp rõ rệt trong năng lực phát hiện và theo dõi mục tiêu của quân đội Hàn Quốc.