Hàn Quốc, Trung Quốc tìm cách đảo ngược tỷ lệ sinh thấp
Lo ngại trước tình trạng dân số đất nước ngày càng giảm, Trung Quốc và Hàn Quốc đang tìm mọi cách để tăng tỷ lệ sinh.
Hàn Quốc cần có “tư duy khẩn cấp” đảo ngược tỷ lệ sinh thấp
Hồi cuối tháng 3 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhận định, nước này cần phải có "tư duy khẩn cấp" để đảo ngược tình trạng tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, đồng thời kêu gọi các sáng kiến mới để cải thiện các chính sách về dân số.
“Vấn đề tỷ lệ sinh thấp là một chương trình nghị sự quốc gia quan trọng”, ông Yoon nói trong cuộc họp đầu tiên của một nhóm mới được lập nhằm khuyến nghị chính sách nhằm tăng tỷ lệ sinh. Dân số giảm gây ra những rủi ro kinh tế dài hạn do lực lượng lao động vốn là nền tảng cho tăng trưởng của một quốc gia.
Ông Yoon đề xuất một số sáng kiến như mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ em, cải thiện điều kiện làm việc cho cha mẹ, cung cấp cho các cặp vợ chồng mới cưới chính sách nhà ở giá cả phải chăng và hỗ trợ tài chính, đồng thời giảm viện phí cho trẻ em dưới 2 tuổi.
Ông Yoon nói, Hàn Quốc đã chi hơn 200 tỷ USD trong 16 năm qua cho các chương trình thúc đẩy tăng dân số, nhưng không thu được nhiều kết quả. Tỷ lệ trẻ sơ sinh trung bình trên một phụ nữ đã giảm xuống mốc 0,78 vào năm ngoái. Theo Guardian, đây là tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Hàn Quốc đối mặt với nguy cơ dân số 51 triệu người giảm hơn một nửa vào cuối thế kỷ này.
“Dựa trên bằng chứng khoa học, chúng ta cần đánh giá lại chính sách trước đó nhằm khắc phục tỷ lệ sinh thấp và xác định đúng nguyên nhân dẫn việc chúng chưa thành công. Vấn đề tỷ lệ sinh thấp đan xen với các vấn đề xã hội khác nhau như phúc lợi, giáo dục, việc làm, nhà ở và thuế, cũng như các yếu tố như hoạt động kinh tế của phụ nữ”, ông Yoon nói.
Để khuyến khích phụ nữ sinh con, Hàn Quốc công bố kế hoạch hỗ trợ cho mỗi gia đình 1 triệu won/tháng trong một năm với mỗi đứa trẻ được sinh ra. Kế hoạch này bắt đầu từ năm 2023 ở mức 700.000 won/tháng và tăng dần lên mức tối đa trong năm 2024. Trước đây, dưới thời chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in, mỗi đứa trẻ mới sinh sẽ được chu cấp 300.000 won/tháng trong năm đầu tiên.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nói rằng, việc chỉ cấp tiền cho các gia đình có con nhỏ là không đủ để giải quyết mọi vấn đề. Họ kêu gọi những sự thay đổi toàn diện bao gồm giảm gánh nặng nuôi con cho phụ nữ và giúp phụ nữ dễ dàng tham gia lực lượng lao động hơn sau khi sinh.
Trung Quốc ra nhiều giải pháp để tháo gỡ
Còn đối với Trung Quốc, mới đây tại cuộc họp thường niên của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC) diễn ra trong tháng này, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ vấn đề trên, bao gồm cả trợ cấp cho các gia đình nuôi con đầu lòng, mở rộng giáo dục công miễn phí và cải thiện việc tiếp cận các liệu pháp điều trị sinh sản.
Đại biểu CPPCC Jiang Shengnan đề xuất thanh niên chỉ làm việc 8 tiếng/ngày để có thời gian “yêu, kết hôn và sinh con” cũng như đảm bảo phụ nữ không phải làm việc quá sức.
Hay tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc đang trao khoản trợ cấp 2.900 đô (68 triệu VND) cho các bậc cha mẹ sinh được người con thứ ba trong năm nay. Một số thành phố khác đang cho nghỉ kết hôn gần 30 ngày để tăng tỷ lệ sinh.
Các sáng kiến khác như chế độ nghỉ thai sản do Chính phủ chi trả thay vì người sử dụng lao động được tin sẽ giúp giảm bớt sự phân biệt đối xử với phụ nữ, trong khi việc tăng thời gian nghỉ thai sản nhiều khả năng sẽ loại bỏ rào cản đối với các ông bố trong việc đảm nhận nhiều trách nhiệm nuôi dạy con cái hơn.
Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hy vọng dịch vụ bảo mẫu sẽ góp phần giúp tăng dân số. Theo đó, ngoài tạo điều kiện cho ngành đào tạo trong nước, Viện Dân số Trung Quốc đưa ra ý tưởng nhập khẩu 3 triệu “vú em” từ nước ngoài. Điều đó cho phép phụ nữ đại lục an tâm làm việc, sinh con.
Tại Thượng Hải, học viên từ khắp Trung Quốc đổ đến Trung tâm Đào tạo Yipeitong để học kỹ năng chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh. Theo giáo viên Jiang Lei của trung tâm, ngày nay những người làm công việc chăm sóc phải hội đủ các tiêu chuẩn chuyên nghiệp. “Ngay cả trong xu hướng sinh ít con, các cặp vợ chồng ở những thành phố lớn luôn sẵn sàng bỏ chi phí để có 1 người chăm sóc tốt nhất ngay ngày đầu lúc mẹ con từ bệnh viện về nhà. Các học viên của chúng tôi phải được trang bị đầy đủ về kiến thức dinh dưỡng, giáo dục mầm non, kỹ năng cho trẻ ăn khoa học, canh giấc ngủ…”, Jiang nói.
Theo tờ SCMP, Trung Quốc đang khuyến khích các gia đình nên có tối đa 3 con. Nhưng, theo các nhà nghiên cứu, do chi phí liên quan việc nuôi dạy con ở Trung Quốc, bao gồm chi phí giáo dục và nhà ở, ngày càng tăng và gây áp lực tài chính nặng nề cho các gia đình, nước này vẫn chưa đạt được mục tiêu cải thiện tỷ lệ sinh.
Theo Hiệp hội ngành dịch vụ gia đình Trung Quốc, khoảng 15% trong số 190 triệu hộ gia đình ở các thành phố và huyện cần dịch vụ giúp việc, trong đó nhu cầu đặc biệt lớn tại các thành phố hạng nhất và hạng hai. Còn theo một báo cáo được công bố hôm 23/2 vừa qua, việc Trung Quốc nới lỏng các quy định cho phép bảo mẫu nước ngoài đến nước này làm việc có thể giúp cải thiện tỷ lệ sinh vốn đang trên đà suy giảm.
Bên cạnh đó, tập tục thách cưới của Trung Quốc cũng là rào cản khiến nhiều người trẻ ngại kết hôn. Do đó, thời gian gần đây, nhiều địa phương ở Trung Quốc đã bắt đầu tích cực thúc đẩy việc ngăn chặn những gì mà họ cho là hành vi không lành mạnh.
Cụ thể, tại tỉnh Hà Bắc, chính quyền đang cải cách phong tục hôn nhân, bao gồm cả việc kiểm soát "phong tục hôn nhân không lành mạnh" - chẳng hạn như sính lễ đắt tiền và trò chơi phản cảm trong lễ cưới. Hồi tháng 1, một thị trấn ở phía Đông Nam tỉnh Giang Tây đã yêu cầu 30 phụ nữ độc thân ký cam kết từ chối những món sính lễ đắt tiền…