Hàn Quốc và Nhật Bản đàm phán về thương mại và tranh cãi
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo nước này và Nhật Bản đã tổ chức đàm phán cấp chuyên viên ở San Francisco vào ngày 13/1 về tranh cãi đang diễn ra liên quan tới lịch sử thời chiến và thương mại.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo nước này và Nhật Bản đã tổ chức đàm phán cấp chuyên viên ở San Francisco vào ngày 13/1 (theo giờ Mỹ) về tranh cãi đang diễn ra liên quan tới lịch sử thời chiến và thương mại, trong bối cảnh các nhà ngoại giao hàng đầu của hai nước tập trung tại đây để tham dự cuộc đàm phán ba bên với Mỹ.
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Vụ trưởng Vụ châu Á-Thái Bình Nhưỡng thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Kim Jung-han đã thảo luận với người đồng cấp Nhật Bản Shigeki Takizaki về các vấn đề cùng quan tâm. Hai quan chức này tháp tùng các Ngoại trưởng Kang Kyung-wha của Hàn Quốc và Toshimitsu Motegi của Nhật Bản trong chuyến thăm Mỹ.
Tại cuộc gặp, ông Kim Jung-han tiếp tục kêu gọi Nhật Bản dỡ bỏ những hạn chế xuất khẩu áp đặt đối với Hàn Quốc hồi tháng 8/2019 nhằm phản đối phán quyết của tòa án tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân là lao động cưỡng bức thời chiến. Hai bên cũng thảo luận việc sắp xếp một cuộc gặp cấp Ngoại trưởng của hai nước.
Hàn Quốc và Nhật Bản từ lâu đã mâu thuẫn về vấn đề lao động cưỡng bức trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Hàn Quốc từ năm 1910 tới cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Căng thẳng bị đẩy lên cao sau khi Tokyo hạn chế xuất khẩu sang Seoul 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình - các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc, và loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách Trắng" gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại.
Đáp lại, Hàn Quốc thông báo quyết định không gia hạn Hiệp định bảo đảm thông tin quân sự chung (GSOMIA) với Nhật Bản. Mới đây, hãng tin Kyodo cho biết Nhật Bản và Hàn Quốc đã bắt đầu tìm kiếm cách thức giải quyết những tranh cãi kéo dài nhiều tháng qua và một trong các lựa chọn là việc thành lập một quỹ cung cấp tài chính cho hoạt động hợp tác kinh tế. Theo ý tưởng này, chính phủ và các doanh nghiệp tại Hàn Quốc thành lập một quỹ và các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đóng góp về tài chính để quỹ này có thể được sử dụng dưới danh nghĩa hợp tác kinh tế, chứ không phải là khoản bồi thường cho người lao động thời kỳ chiến tranh./.