Hàn Quốc với hoài bão dẫn đầu thế giới về AI

Thực tế, trí tuệ nhân tạo (AI) đang nổi lên như động lực đổi mới và công nghệ then chốt, có khả năng thay đổi căn bản các ngành công nghiệp và cuộc sống. Hàn Quốc luôn tự hào về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của mình lẫn năng lực công nghiệp mạnh mẽ, cùng khả năng áp dụng và thương mại hóa công nghệ 5G nhanh chóng. Vì vậy, không khó hiểu khi đất nước kim chi đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về AI.

Phấn đấu trở thành hệ sinh thái số mạnh mẽ

Để đưa AI trở thành động lực chính của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Hàn Quốc đã phát triển Chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo vào tháng 12.2019, đặt mục tiêu nâng hiệu quả kinh tế từ lĩnh vực AI lên 455.000 tỷ won (386,5 tỷ USD) tới năm 2030, nâng cao chất lượng cuộc sống từ vị trí thứ 30 lên thứ 10 trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Chiến lược này biến AI lấy con người làm trọng tâm thành yếu tố chính trong sáng kiến Thỏa thuận kỹ thuật mới của Hàn Quốc năm 2020 để giúp đất nước vượt qua suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số… Cũng trong năm 2020, Chính phủ còn công bố Hướng dẫn quốc gia về đạo đức AI để thúc đẩy việc áp dụng AI đáng tin cậy. Hướng dẫn trên gồm 3 nguyên tắc cơ bản và 10 yêu cầu chính cần được tuân thủ trong toàn bộ quá trình phát triển và sử dụng AI.

Hàn Quốc phấn đấu trở thành quốc gia dẫn đầu AI trên thế giới. Nguồn: VectorStock

Hàn Quốc phấn đấu trở thành quốc gia dẫn đầu AI trên thế giới. Nguồn: VectorStock

Hàn Quốc cam kết củng cố hệ sinh thái kỹ thuật số của mình lần đầu tiên thông qua dữ liệu và sản phẩm. Nỗ lực này nhằm thúc đẩy tất cả các giai đoạn của vòng đời dữ liệu và giải quyết tình trạng thiếu dữ liệu trong khu vực công, từ tích lũy dữ liệu đến sử dụng dữ liệu. Một phần quan trọng trong giải pháp của Hàn Quốc đối với thách thức này là xây dựng dự án Data dam (đập trữ dữ liệu). Nếu như đập trữ nước thu thập, trữ nước và phân phối nước cho vùng đất xung quanh để phục vụ các hoạt động, chẳng hạn như trồng trọt, thì đập dữ liệu thu thập thông tin chất lượng cao từ khu vực công và tư nhân để tạo dữ liệu hữu ích giúp đào tạo AI và công bố dữ liệu trên tất cả các ngành. Mục tiêu là cho phép mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội, cũng như các doanh nghiệp, dễ dàng truy cập và tận dụng tối đa dữ liệu hữu ích đáp ứng nhu cầu của họ.

Hàn Quốc cũng tạo điều kiện sử dụng dữ liệu thu được bằng cách thiết lập một trung tâm AI để cung cấp cho các công ty và nhà nghiên cứu dữ liệu đào tạo AI từ Data dam và điện toán hiệu suất cao dựa trên đám mây. Hệ sinh thái sẽ bao gồm các nền tảng dữ liệu lớn để sản xuất và quản lý dữ liệu, đặc biệt là đối với các lĩnh vực như tài chính và chăm sóc sức khỏe. Hàn Quốc còn cung cấp phiếu AI (AI-voucher) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty khởi nghiệp cần các sản phẩm hoặc dịch vụ do AI cung cấp. Sử dụng các phiếu này, các công ty thụ hưởng có thể mua các giải pháp AI cần thiết từ các nhà cung cấp giải pháp AI…

Chuẩn bị nguồn nhân lực cho AI

Để biến mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu về AI, Hàn Quốc không thể bỏ qua việc xây dựng lực lượng lao động chất lượng cho ngành quan trọng này. Thực tế, đất nước kim chi đang thực hiện nhiều chương trình giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho người lao động, cũng như chuẩn bị cho những chuyển đổi của thị trường lao động. Các nhân tài trong lĩnh vực AI được nuôi dưỡng thông qua các biện pháp như tăng số lượng trường sau đại học về AI và vận hành các chương trình giáo dục chuyên sâu ngắn hạn như Học viện Đổi mới. Ngoài ra, Hàn Quốc đang cung cấp cho mọi công dân các chương trình giáo dục cơ bản để nâng cao kỹ năng AI bằng cách vận hành các trường học về phần mềm, trường học theo định hướng AI và cung cấp nội dung giáo dục trực tuyến. Điều này sẽ giúp người dân tăng cường khả năng thích ứng với các công nghệ mới nổi để đáp ứng với sự chuyển đổi của thị trường lao động.

Cụ thể, vào năm 2020, Hàn Quốc đã lên kế hoạch xây dựng 6 trường đại học AI mới với mục tiêu đào tạo hơn 5.000 kỹ sư AI vào năm 2024. Ngoài ra, Chính phủ nước này sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp tương lai dựa trên AI trong tất cả các lĩnh vực sản xuất. Chiến lược phát triển AI của Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ tạo ra hơn 2.000 nhà máy ứng dụng công nghệ tiên tiến này vào năm 2030. Đây sẽ là những phiên bản nhà máy tiên tiến hơn cả các nhà máy thông minh.

Ngoài giáo dục và đào trạo, Hàn Quốc còn đầu tư để phát triển chất bán dẫn AI cho Bộ nhớ xử lý lõi (PIM) và Bộ xử lý thần kinh (NPU - vốn là bộ vi xử lý thần kinh chuyên dụng đảm nhiệm xử lý các tác vụ có liên quan đến AI) hợp tác với khu vực tư nhân và các trường đại học. Ngoài ra, nước này cũng đang làm việc để bảo đảm an toàn cho các công nghệ AI thế hệ tiếp theo…

Xây dựng môi trường chính sách cho AI

Trong khi tạo ra cơ sở hạ tầng kỹ thuật mạnh mẽ, Hàn Quốc cũng không quên thúc đẩy môi trường chính sách thuận lợi cho AI, coi đây là yếu tố đặc biệt quan trọng. Chỉ trong năm 2020, Hàn Quốc đã sửa đổi ba luật chính về quyền riêng tư để thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu. Nước này cũng ban hành một luật khung về thông tin hóa thông minh để thúc đẩy môi trường thuận lợi cho việc sử dụng AI. Tất cả động thái trên đều nằm trong lộ trình sửa đổi luật, hệ thống, quy định và các hướng dẫn tiếp cận AI của Hàn Quốc.

Trong năm 2023 này, hệ thống pháp luật liên quan đến AI liên tiếp được phát triển và cập nhật. Ngày 14.2, Ủy ban Khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông, phát thanh và truyền hình của Quốc hội Hàn Quốc đã nhất trí dự thảo Luật Thúc đẩy ngành công nghiệp AI và khuôn khổ thiết lập AI đáng tin cậy” (gọi tắt là dự luật AI). Hiện dự luật vẫn đang cần được Quốc hội bật đèn xanh và nếu được thông qua, nó sẽ là luật đầu tiên trở thành nền tảng pháp lý chi phối và điều chỉnh toàn diện ngành công nghiệp AI tại Hàn Quốc. Theo giới quan sát, khả năng nó sẽ được ban hành và có hiệu lực ngay trong năm nay.

Thực tế, dự luật AI không phải là văn bản pháp lý đầu tiên liên quan đến AI, nhưng đóng vai trò là kế hoạch tổng thể kết hợp 7 đạo luật rời rạc trước đây về AI ở Hàn Quốc. Nó được thiết kế không chỉ để hỗ trợ ngành AI và công nghệ liên quan mà còn để bảo vệ người dùng các dịch vụ dựa trên AI bằng cách bảo đảm độ tin cậy của các hệ thống AI thông qua nhiều yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với các dịch vụ AI có tính rủi ro cao hay hệ thống chứng nhận về độ tin cậy của AI.

Đến tháng 4, Hiệp hội Công nghiệp phần mềm Hàn Quốc (KOSA) và các công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) của nước này quyết định thành lập một hội đồng tư vấn cho sự phát triển của ngành công nghiệp và công nghệ AI quy mô lớn trong tương lai. Thông tin từ KOSA cho biết, Hội đồng xúc tiến tư vấn AI có sự tham gia của 18 tổ chức và doanh nghiệp, trong đó có 2 viện nghiên cứu và 3 công ty viễn thông hàng đầu của Hàn Quốc. Hội đồng đóng vai trò trung tâm tạo ra các dịch vụ ứng dụng khác nhau bằng cách sử dụng hệ thống AI siêu khổng lồ thông qua hợp tác giữa các công ty. Cơ quan này cũng sẽ hỗ trợ cùng đề xuất cải thiện các chính sách và hệ thống để đối phó nhiều thách thức khác nhau mà AI quy mô lớn phải đối mặt, phối hợp đưa ra định hướng lẫn giải pháp để kích hoạt hệ thống AI này.

Gần đây nhất, vào tháng 5, Hàn Quốc còn đặt ra các tiêu chuẩn và hướng dẫn mới về bản quyền đối với nội dung do AI tạo ra, chậm nhất vào tháng 9.2023 để giảm thiểu tranh chấp và nhầm lẫn về quyền sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn, các hướng dẫn sẽ giải quyết các vấn đề phát sinh từ những tiến bộ công nghệ như chatbot dựa trên AI trong các lĩnh vực xã hội, văn hóa và kinh tế. Chúng bao gồm vi phạm dữ liệu cá nhân của AI, công nhận quyền sở hữu trí tuệ đối với nội dung do AI tạo ra, độ tin cậy của khả năng đánh giá của AI, hành vi y tế của robot AI, đánh thuế đối với các hoạt động kinh tế trong không gian ảo và chống lại các hành vi phạm tội…

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/han-quoc-voi-hoai-bao-dan-dau-the-gioi-ve-ai-i333616/