Hàn Quốc xây dựng hầm chứa hạt giống lớn nhất thế giới
Các nhà nghiên cứu cảnh báo sự tuyệt chủng ở thực vật đang diễn ra với tốc độ đáng báo động. Hạt giống của gần 5.000 loài thực vật đang được lưu giữ ở Hàn Quốc để đề phòng biến đổi khí hậu, thiên tai và chiến tranh.
Nguyên nhân của nạn tuyệt chủng đến từ việc gia tăng dân số, ô nhiễm và tàn phá rừng. Bởi vậy, trong thời gian qua, các “hầm tận thế” lưu giữ hạt giống của thế giới bắt đầu được xây dựng.
Tại Hàn Quốc, Trung tâm Bảo tồn Hạt giống Vườn ươm Quốc gia Baekdudaegan hiện bảo quản gần 100.000 hạt giống từ 4.751 loài thực vật để đảm bảo chúng không bị ảnh hưởng bởi “các sự kiện tận thế”. Ông Lee Sang-yong, người đứng đầu trung tâm cho biết đây là một trong hai nơi lưu giữ hạt giống trên thế giới hiện nay.
Không giống như các ngân hàng hạt giống thông thường, nơi mẫu vật thường xuyên lấy ra cho các mục đích khác nhau, hạt giống trong hầm sẽ nằm tại đây vĩnh viễn, chỉ được sử dụng vì mục đích ngăn chặn sự tuyệt chủng.
Hầm lưu giữ hạt giống được Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc thiết kế như một cơ sở an ninh được bảo vệ nghiêm ngặt, bao quanh bởi hàng rào dây thép và hàng chục camera. Cảnh sát thường xuyên tuần tra trong khu vực và việc quay phim, chụp ảnh bị hạn chế.
Bên trong, một thang máy sẽ dẫn xuống lòng đất với độ sâu khoảng 8 tầng, để đến đường hầm bê tông trong hang động, nơi có các cánh cửa thép nặng bảo vệ phòng lưu trữ. Phòng lưu trữ sẽ được giữ ở nhiệt độ -20 độ C với độ ẩm 40% để bảo quản hạt giống. Hầm chứa được xây dựng ở “nơi an toàn nhất” ở Hàn Quốc, được thiết kế để chống lại trận động đất 6,9 độ, thậm chí là một vụ tấn công nguyên tử.
Các mẫu hạt giống trong hầm phần lớn là thực vật đến từ bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, với sức chứa 2 triệu hạt, nhiều quốc gia như Kazakhstan và Tajikistan cũng nhận đề nghị, gửi các chủng loại hạt giống tới kho bảo tồn này.
Các quốc gia gửi hạt ở đây sẽ có quyền sở hữu với những hạt giống đó và có thể nhận lại khi cần thiết. Tuy nhiên, ông Lee nhận định: “Mục đích của hầm lưu trữ hạt giống là ngăn chặn sự tuyệt chủng của chúng. Vì vậy, kịch bản tốt nhất là hạt giống không bao giờ phải mang ra ngoài”.
Các nhà nghiên cứu cho biết việc bảo tồn hạt giống của các loài thực vật hoang dã - nguồn gốc ban đầu của các loại cây trồng chúng ta ăn ngày nay - không nên bị bỏ qua. Tuy nhiên, theo báo cáo gần đây của Liên Hợp quốc, nhiều loại cây giúp con người đảm bảo an ninh lương thực đang “thiếu biện pháp bảo vệ hiệu quả”.
Báo cáo cảnh báo các loại cây trồng kém khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, sâu bệnh và mầm bệnh, đồng thời nhấn mạnh: “Đa dạng hệ sinh thái, nơi mà nhân loại sinh sống, đang suy giảm nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử loài người”.
Trong báo cáo năm 2020, vườn thực vật Hoàng gia Kew, Anh cho biết nhiều loài thực vật trong tự nhiên hứa hẹn sẽ trở thành thuốc chữa bệnh, nhiên liệu và thực phẩm trong tương lai. Tuy nhiên, khoảng 2/5 trong số chúng đang bị đe dọa tuyệt chủng, phần lớn là do môi trường sống bị phá hủy và biến đổi khí hậu.
Đó là một “cuộc chạy đua với thời gian” để xác định hạt giống nào đang có nguy cơ tuyệt chủng trước khi chúng hoàn toàn biến mất trên thế giới, báo cáo cho biết thêm.
Bên cạnh hầm chứa ở Hàn Quốc, một kho hạt giống khác cũng được xây dựng trong lòng ngọn núi gần thành phố Longyearbyen trên đảo Spitsbergen thuộc quần đảo Svalbard của Na Uy, cách Bắc Cực khoảng 1.300km.
Được mệnh danh là “Con tàu của Noah” của cây lương thực, Global Seed Vault là hầm chứa lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới. Cơ sở này tập trung bảo quản các loại cây nông nghiệp và cây trồng liên quan, lưu trữ hơn một triệu mẫu hạt giống từ gần như mọi quốc gia trên hành tinh.