Hãng bán dẫn hàng đầu Trung Quốc vẫn 'sống khỏe' trước căng thẳng địa chính trị
SMIC, hãng bán dẫn hàng đầu Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng cả doanh thu và công suất sản xuất trong ba tháng quý 2/2024.
Theo kết quả tài chính được công bố, doanh thu quý 2 của nhà máy đúc có trụ sở tại Thượng Hải đã tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,9 tỷ USD. Lợi nhuận đạt 165 triệu USD, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước nhưng tăng 129% so với quý 1.
Zhao Haijun, đồng giám đốc điều hành của SMIC cho biết, một số khách hàng đã nắm bắt cơ hội để thâm nhập vào thị trường công nghiệp bán dẫn, dẫn đến “nhu cầu gia tăng” đối với công ty.
SMIC, đơn vị chế tạo chip 7 nanomet cho Huawei Technologies vào năm ngoái, cũng công bố công suất hàng tháng là 837.000 tấm wafer cỡ 8 inch trong quý 2, tương đương mức tăng 85% so với 81% của quý 1 và là mức cao nhất kể từ quý 3 năm 2022.
Khách hàng Trung Quốc chiếm khoảng 80% doanh thu của công ty trong năm quý vừa qua. Song đáng chú ý, tại 3 tháng đầu năm 2024, thị phần doanh thu từ châu Mỹ, Âu và Á tăng lên lần lượt là 16% và 3,7%.
"Một số khách hàng ở nước ngoài cần tích trữ hàng tồn kho để ổn định thị phần và phòng ngừa rủi ro do các cân nhắc về địa chính trị, đồng thời đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc", Zhao cho biết.
Giám đốc Zhao nói rằng, các hạn chế xuất khẩu của Mỹ đã thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chip đại lục.
Theo Bloomberg, chính quyền Biden đã thông báo tới Hà Lan và Nhật Bản rằng, họ sẽ áp dụng các hạn chế thương mại khắc nghiệt nhất hiện có, nếu các công ty như ASML tiếp tục cung cấp công nghệ sản xuất chip tiên tiến cho Trung Quốc.
Trong nửa đầu năm, chi phí vốn và chi phí xây dựng nhà máy của SMIC lên tới 4,5 tỷ USD, so với 3,8 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Công ty cho biết, họ sẽ bổ sung thêm khoảng 60.000 đơn vị wafer 12 inch vào công suất mới từ giờ đến cuối năm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng - tốc độ mở rộng nhanh hơn so với kế hoạch ban đầu là 30.000 đến 50.000 đơn vị wafer 12 inch mỗi năm.
(Theo SCMP)