Hàng cây bị 'bức tử' trên đường vào sân bay Tân Sơn Nhất được giải cứu
Sau phản ánh của Báo Người Lao Động, cơ quan quản lý đã tiến hành rà soát, phá bỏ các tấm bê-tông phủ kín các gốc cây xanh được trồng trên đường vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM).
Đến trưa 7-8, các nhân viên của Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM vẫn tiếp tục rà soát hàng cây xanh trên đường Trường Sơn (phường 2, quận Tân Bình - đoạn gần vào sân bay Tân Sơn Nhất). Với những cây xanh nào bị các tấm bê-tông phủ kín quanh gốc, các nhân viên này tiến hành phá bỏ lớp bê-tông.
Ghi nhận của phóng viên trong sáng cùng ngày, khoảng 30 gốc cây xanh đã được phá bỏ lớp bê-tông phủ kín gốc. Thay vào đó là các bồn cây có dạng hình vuông, xung quanh gốc cây là lớp đất thông thường.
Việc phá bỏ các lớp bê-tông cũng làm lộ ra những gốc cây đã bị biến dạng. Một số gốc cây phình to tại vị trí tiếp xúc với lớp bê-tông phủ kín trước đó.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lưu Văn Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP HCM, cho biết các cây xanh được trồng tại vỉa hè đường Trường Sơn (phường 2, quận Tân Bình) là cây giáng huơng.
Các cây này được trồng vào năm 2015, thuộc dự án xây dựng cầu vượt nút giao đường Trường Sơn - Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (quận Tân Bình). Dự án do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư.
Theo ông Tấn, khi trồng cây, bồn các gốc cây giáng hương đã được phủ vật liệu bê-tông có tính thấm nước. Việc này nhằm bảo vệ gốc cây và tạo mỹ quan cho khu vực. Vật liệu phủ lên các gốc cây không ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ nước của cây.
"Quá trình tăng trưởng kích thước cây, một số cây có đường kính gốc phát triển, bắt đầu lớn rồi chạm vào tấm vật liệu bê-tông. Đơn vị đang tiến hành rà soát, thực hiện mở rộng dần không gian xung quanh gốc cây" - ông Tấn nói.
Cũng theo ông Tấn, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP HCM sẽ tiếp tục duy trì tấm phủ gốc cây này.
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP HCM Lưu Văn Tấn cũng gửi lời cảm ơn đến Báo Người Lao Động. Theo ông, những thông tin mà Báo Người Lao Động phản ánh đã góp phần cho công tác quản lý cây xanh tại TP HCM được tốt hơn.
Trước đó, Báo Người Lao Động có đăng tải bài viết phản ánh tình trạng khoảng 30 cây xanh được trồng trên vỉa hè đường Trường Sơn không có bồn cây. Thay vào đó, các gốc cây bị đè bởi những tấm bê-tông.
Các cây bị "gông" trong những tấm bê-tông dày. Gốc cây còn có vòng kim loại ôm sát. Có những cây đã phát triển đến mức phần gốc đã tràn ra khỏi vòng kim loại. Theo quan sát, các cây xanh này cũng có phần vỏ bị xù xì, bong tróc.
Theo các chuyên gia về cây xanh, phần gốc cây thông thoáng thì rễ cây mới có thể hô hấp và phát triển tốt. Ngược lại, khi gốc cây bị bịt kín thì lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây, cũng như còn làm giảm đi tính thẩm mỹ.
Các chuyên gia cũng đề xuất thay vì bịt kín lại thì phần gốc cây nên được thông thoáng giữa mặt đất và không gian bên trên bởi bồn cây thông thoáng mang lại nhiều lợi ích, như tạo điều kiện sinh trưởng tốt cho cây; hỗ trợ thoát nước; làm giảm dòng chảy;...