Hàng chục cây cổ thụ bị 'xẻ thịt' giữa rừng phòng hộ: Mở rộng điều tra, làm rõ trách nhiệm chủ rừng
Liên quan đến vụ loạt cây rừng cổ thụ, cây rừng tự nhiên bị 'xẻ thịt' giữa rừng phòng hộ giáp ranh huyện Vân Canh, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) mà Báo SGGP đã phản ánh, hiện lực lượng kiểm lâm đã vào cuộc, phối hợp với các bên để mở rộng điều tra, xử lý vụ việc.
Sáng 21-3, PV Báo SGGP đã có buổi làm việc với ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, liên quan đến vụ hàng chục cây rừng tự nhiên, cây cổ thụ bị “xẻ thịt” giữa rừng phòng hộ huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định) mà PV Báo SGGP vừa có cuộc điều tra, phản ánh.
Tại buổi làm việc, ông Lê Đức Sáu cho biết, sau khi Báo SGGP thông tin, ngay trong chiều tối 20-3, đơn vị đã thành lập đoàn kiểm tra trực tiếp vào hiện trường. Qua đó, đoàn kiểm tra đã phát hiện có 15 cây rừng đang giữ chức năng phòng hộ bị lâm tặc tàn phá.
Theo báo cáo cụ thể, cây rừng bị tàn phá có đường kính từ 15 – 50cm, chủng loại gồm: ké, xổ… thuộc nhóm 5 – 7. Vị trí cây rừng bị khai thác nằm ở các lô 8, 5, 12 thuộc tiểu khu 316 thuộc sơn phận xã Canh Liên, do Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Vân Canh làm chủ rừng. Trong đó, cây rừng chủ yếu bị tàn phá trong khoảng tháng 3-2023.
Theo ông Lê Đức Sáu, qua kiểm tra ban đầu, đơn vị chức năng xác định nhóm đối tượng phá rừng có thể là người dân ở huyện Tây Sơn, khai thác gỗ rừng để phục vụ nhiều mục đích.
“Hiện chúng tôi đang chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc qua Hạt kiểm huyện Vân Canh thụ lý, phối hợp cùng Trung tâm Quy hoạch rừng tỉnh để đo đạc xác định lại quy mô, mức độ vụ việc để xử lý. Theo quy định nếu số lượng gỗ trên 7m3 gỗ tròn thì sẽ khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra”, ông Lê Đức Sáu cho hay.
Về trách nhiệm cụ thể, theo Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, để lâm tặc mang máy móc, công cụ vào khu vực rừng phòng hộ để khai thác gỗ trái phép thuộc trách nhiệm của chủ rừng là BQLRPH huyện Vân Canh, thuộc UBND huyện Vân Canh. Trách nhiệm này quy định theo Chỉ thị 13-CT/TW, ngày 12-1-2017 của Trung ương và theo Luật Lâm nghiệp.
Ngoài ra, từ thông tin PV Báo SGGP cung cấp, Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhận thấy ngay từ đầu chủ rừng dù phát hiện khai thác gỗ nhưng không kịp thời ngăn chặn, xử lý, chậm báo cáo cho cấp trên dẫn đến nhiều cây rừng tiếp tục bị khai thác.
“Tới đây, chúng tôi sẽ tham mưu với Sở NN-PTNT tỉnh để kiểm điểm trách nhiệm chủ rừng về chậm báo cáo”, ông Lê Đức Sáu cho hay.
Ông Lê Đức Sáu chia sẻ thêm, một số khó khăn trong công tác giữ rừng tại địa bàn tỉnh này, đặc biệt khu vực rừng giáp ranh khi lực lượng kiểm lâm chỉ có 171 người nhưng phải giữ đến 215.000ha rừng tự nhiên.
PV Báo SGGP đặt câu hỏi, không phải mới đây, mà nhiều năm trước ở khu vực rừng phòng hộ giáp ranh giữa huyện Tây Sơn và huyện Vân Canh xảy ra tình trạng khai thác gỗ rừng tự nhiên âm ỉ liên tục. Số lượng cây rừng cổ thụ, cây rừng gỗ quý bị “chảy máu” rất lớn. Đặc biệt, từ tháng 9-2020, báo chí từng phản ánh về thực trạng khai thác rừng trái phép ở đây nhưng đến nay lực lượng chức năng vẫn chưa thể ngăn chặn dứt điểm. Ngoài ra, tại khu vực “yết hầu” thường xuyên tuồn gỗ lậu ra ngoài thuộc làng Cam có đến 2 trạm quản lý, bảo vệ rừng với gần 10 cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng nhưng không ngăn chặn được.
Về nội dung trên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cho biết, trước đây xảy ra phá rừng nhiều nhưng nay đã giảm bớt rất nhiều do đơn vị chức năng tăng cường lực lượng mạnh hơn. Tuy nhiên, các đối tượng là người dân địa phương, họ vẫn lén lút bằng nhiều cách thức để xâm nhập vào rừng, khai thác gỗ rừng.
Theo ông Sáu, tới đây, đơn vị sẽ tiếp tục thắt chặt vùng rừng này, tập trung tuyên truyền người dân địa phương không xâm phạm vào rừng; theo dõi để ngăn chặn các đối tượng nguy cơ.