Các cơn mưa lớn bất thường kéo dài đã khiến cho hàng chục héc-ta rau màu của bà con nông dân thôn Ấp Trung, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội bị úng nước gây nên hiện tượng vàng lá, nghẹt rễ và chết, hoa quả thối rữa, không thể thu hoạch.
Theo ghi nhận của PV, gần 20 héc-ta rau màu tại thôn Ấp Trung, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi thời tiết thay đổi thất thường. Đỉnh điểm, sau mỗi trận mưa lớn vừa qua, các loại rau màu tại đây chìm trong hơn 40cm nước. Vì thế, đất ngậm nước trong thời gian dài đã tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn tấn công bộ rễ, rễ dần chuyển sang màu nâu đen và không thể cung cấp chất dinh dưỡng cho thân. Đến nay, tuy nước đã rút gần hết nhưng nhiều hộ gia đình vẫn chưa thể xuống giống, bỏ ruộng vì sợ càng làm... càng thiệt hại thêm.
Với 5 sào đất (75 thước), gia đình bác Nguyễn Văn Thật (sinh năm 1966, trú tại thôn Ấp Trung, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) chủ yếu trồng dưa leo, dưa bở và cải chíp. Mọi năm, nếu không bị hư hại, mỗi sào trồng rau màu của gia đình bác Thật đem về lợi nhuận khoảng 20 triệu/sào/vụ. "Năm nay, gia đình tôi mất trắng do bị ngập úng kéo dài từ đợt mưa này đến đợt mưa khác. Hiện tại, tôi đang phân lại luống đất và bổ sung đất nền cho cao hơn để chuyển sang loại rau đề kháng tốt hơn", bác Thật chia sẻ.
Dưa lê đang vào mùa thu hoạch lại bị héo rữa và chết với nguyên nhân chủ yếu là bị úng nước.
Bác Thật cho biết thêm, gia đình đã đầu tư tiền giống, phân bón cho vụ này lên đến gần 70 triệu đồng nhưng khi đang vào mùa thu hoạch lại bị mất trắng vì ngập úng.
Nhiều ruộng ớt chuông trên cánh đồng rau màu của người dân thôn Ấp Trung cũng bị héo và thối. Được biết, ớt chuông là một trong những loại rau quả đem lại giá trị dinh dưỡng cao và tiêu thụ tốt trên thị trường. Năm nay, nhiều cánh đồng rau màu ở huyện Mê Linh, huyện Đông Anh, Hà Nội bị ngập úng, hạn chế nguồn cung nên đã trở thành một trong những nguyên nhân khiến giá rau tăng mạnh.
Cận cảnh những quả ớt chuông bị héo và thối rữa.
Hơn 6 sào trồng mướp đắng của gia đình anh Lê Quang Mạnh (sinh năm 1985) cũng bị thiệt hại do nước dâng cao quá đầu gối mỗi khi mưa lớn. Cứ mỗi buổi chiều, anh lại tranh thủ ra thông lối thoát nước cho ruộng, làm cỏ... nhưng chưa có ý định gieo vụ mới.
Nước ứ đọng ở các rãnh nhiều ngày khiến rễ cây bị thối, chết.
Xã Tiền Phong, huyện Mê Linh được biết đến là một vùng chuyên canh rau có tiếng, vựa rau củ quả lớn nhất nhì của Hà Nội với đa dạng các loại như: dưa leo, dưa lê, cà chua, mướp đắng, ớt chuông, rau cải.... Tháng 6 năm nay, người dân tại đây bần thần vì hoa màu hư hại, không thể thu hoạch, công chăm sóc bằng không.
Nhiều hộ gia đình có ruộng thấp không thể xuống giống trồng vụ mới luôn sau một vụ mùa thiệt hại nặng nề do mưa lớn.
Hàng chục héc-ta rau màu đã bị ảnh hưởng từ những đợt mưa lớn từ giữa tháng 5.
Người nông dân ngậm ngùi phá giàn cà chua đã bị hư hại. Với khí hậu mùa đông lạnh, mùa hè nắng nóng, miền Bắc mưa kéo dài khó kiểm soát, thời tiết cực đoan xảy ra thất thường nên người dân sẽ gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi canh tác, xử lý ngập úng do chưa có chuyên môn cao. Trong tương lai, để duy trì sự phát triển ổn định của rau màu, một trong những giải pháp lâu dài đó là xây dựng những hệ thống nhà màng, nhà lưới để kiểm soát các điều kiện thời tiết, đưa nông nghiệp tự phát thành nông nghiệp chủ động và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một số gia đình bắt đầu cải tạo lại đất, chờ gieo vụ mới.
Thay đổi giống cây trồng, chọn cây có đề kháng tốt cũng là một giải pháp của các hộ nông dân tại đây để giảm thiểu tối đa thiệt hại trước biến động thất thường của thời tiết.