Hàng chục lò bún ngại vào khu sản xuất tập trung

Đầu năm 2023, sau thời gian triển khai thi công, khu sản xuất tập trung tại Cụm làng nghề xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã được UBND huyện Cam Lộ bàn giao cho xã này quản lý.

Khu vực trên có diện tích 3,3 ha, kinh phí đầu tư khoảng 10 tỉ đồng, gồm các hạng mục như san lấp mặt bằng, hạ tầng giao thông, hệ thống điện, nước và khu vực xử lý nước thải tập trung.

Mục đích xây dựng khu sản xuất tập trung này là để di dời các hộ làm bún ở làng Cẩm Thạch (thôn An Thạch, xã Thanh An - cách đó khoảng 5 km) đến đây, nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tồn tại lâu nay. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới có một hộ tự nguyện di dời.

Ông Nguyễn Đình Anh - 53 tuổi, một trong những hộ dân làm bún lâu đời ở thôn An Thạch - cho biết lý do chưa di dời đến khu tập trung để sản xuất là vì vị trí khu sản xuất tập trung khá xa, nếu di dời thì gia đình phải chịu "một cảnh hai quê". "Hơn nữa, bây giờ muốn di dời thì phải vay mượn, bỏ ra số tiền lớn để đầu tư xưởng sản xuất. Trong khi tôi đã lớn tuổi, con không theo nghề truyền thống này nên thú thật, nếu đầu tư thì không biết bao giờ mới lấy lại vốn" - ông Anh trải lòng.

Khu sản xuất tập trung xã Thanh An mới chỉ có một hộ dân di dời đến sinh sống, sản xuất bún

Khu sản xuất tập trung xã Thanh An mới chỉ có một hộ dân di dời đến sinh sống, sản xuất bún

Qua tiếp xúc, nhiều hộ làm bún ở thôn An Thạch cho biết đây là nghề truyền thống, được duy trì hàng trăm năm nay. Hiện trên địa bàn có hàng chục hộ sản xuất và liên kết sản xuất bún. Những năm qua, nhiều hộ dân thôn An Thạch đã đầu tư, trang bị thêm máy móc để giảm sức lao động, nâng cao năng suất sản xuất bún. Nhiều người thừa nhận quá trình sản xuất bún có gây ô nhiễm môi trường dù đã đầu tư hệ thống gom nước thải.

Theo lãnh đạo UBND xã Thanh An, xã đã bàn giao 12/20 lô đất cho các hộ dân xây dựng cơ sở sản xuất bún tại khu vực sản xuất tập trung nhưng mới chỉ có một hộ di dời, tổ chức sản xuất; 4 hộ đã xây nhà nhưng chưa di dời đến để sản xuất; 5 hộ chỉ mới đặt móng và số còn lại không thực hiện việc di dời. "Chúng tôi đang tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân làm bún khẩn trương di dời lên khu tập trung để sản xuất. Dự kiến trong năm 2024, địa phương sẽ hoàn thành việc di dời" - vị này nói.

Theo lãnh đạo UBND huyện Cam Lộ, huyện kiên quyết di dời các hộ dân làm bún đến khu vực sản xuất tập trung, không thể chấp nhận việc gây ô nhiễm khu dân cư như vậy. Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân đến nơi sản xuất mới, ngoài cấp đất, UBND huyện Cam Lộ cam kết phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn ưu đãi từ 100 - 200 triệu đồng/hộ. Đối với những hộ không hợp tác, theo phương án đã được phê duyệt, cơ quan chuyên môn sẽ tổ chức lấy mẫu quan trắc, xử lý theo Luật Môi trường năm 2020.

Bài và ảnh: Đức Nghĩa

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hang-chuc-lo-bun-ngai-vao-khu-san-xuat-tap-trung-196231226212835455.htm