Hàng chục ngàn lao động gặp khó vì giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2
Nhiều người lao động ngụ Đồng Nai, Bình Dương phải nghỉ làm ngày 5-7 do không có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2
Sáng 5-7, anh Trần Văn Thành, công nhân Công ry Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn- Khu Công nghiệp Cát Lái (Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) phải xin nghỉ việc vì chưa có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.
Gần một tuần nay, tỉnh Đồng Nai đã ban hành quy định phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính mới được vào địa phương. Theo quy định, giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 giá trị trong vòng 7 ngày, từ ngày có kết quả xét nghiệm thì đủ điều kiện vào Đồng Nai. Thành phố Dĩ An (Bình Dương) cũng áp dụng Chỉ thị 16 (nội bất xuất, ngoại bất nhập trừ việc khẩn cấp, thiết yếu).
Không chỉ anh Thành mà hàng ngàn lao động đang làm việc tại các Khu chế xuất- khu công nghiệp thành phố, các doanh nghiệp tại Thành phố Thủ Đức, các quận huyện khác đang lúng túng về việc này.
Trước tình hình này, mỗi nơi có một cách "ứng phó" khác nhau. Như Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Khu công nghiệp Cát Lái đề nghị các doanh nghiệp cố gắng thu xếp chỗ ở cho người lao động để đảm bảo cho việc duy trì sản xuất và an toàn cho người lao động. Ông Mai Đình Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, cho biết công ty có 100 lao động ở Đồng Nai và chưa đi xét nghiệm SARS-CoV-2 được nên tạm thời các lao động này nghỉ làm ngày hôm nay. "Nếu mỗi lần xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 giá 350.000 đồng/người thì công ty phải tốn phí xét nghiệm 35 triệu đồng/lần. Mỗi tháng phải tốn 140 triệu đồng tiền xét nghiệm SARS-CoV-2 quá tốn kém. Công ty đang suy nghĩ đến việc bố trí cho 100 lao động này ăn ở lại công ty".
Thế nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện bố trí cho người lao động ở lại công ty. Đại diện một doanh nghiệp khác tại Khu công nghiệp Cát Lái cho biết doanh nghiệp không còn phòng trống, không đủ nhà vệ sinh và không có bếp ăn tập thể nên việc bố trí ăn ở cho hàng trăm lao động là bất khả thi.
Đang rất lúng túng về vấn đề này, bà Trần Thị Phước Lộc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Freetrend A- Khu chế xuất Linh Trung II (Thành phố Thủ Đức) cho biết công ty có 30-40% công nhân (trong tổng số 14.000 công nhân) đang cư ngụ hoặc ở trọ tại Thành phố Dĩ An, Đồng Nai. "Trước mắt, công ty mời bác sĩ các bệnh viện test cho công nhân và công ty trả phí. Nhưng tình hình này không thể kéo dài vì chi phí quá cao"- bà Lộc cho hay.
Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao Động Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất lãnh đạo 3 tỉnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai nên sớm tháo gỡ vấn đề này để thuận tiện cho người lao động cũng như bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.