Hàng chục tấn nội tạng đông lạnh, yến sào, bò khô... không xuất xứ bán tràn lan ở TPHCM

Lực lượng chức năng TPHCM đã phát hiện và thu giữ gần 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh, 7 tấn đường tinh luyện; yến sào tinh chế cùng hàng trăm gói bột thực phẩm, bia, bò khô… không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang lưu hành trên thị trường.

Ngày 15/5, tại buổi cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, tình hình thực phẩm không đảm bảo an toàn, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn TPHCM đang diễn biến rất phức tạp.

Theo ông Huy, các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng nguyên liệu đã hết hạn sử dụng, không đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định để chế biến thực phẩm; không đảm bảo điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm…

Thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, như: xử phạt 25 triệu đồng đối với vụ kinh doanh 200 gói kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ; xử phạt 315 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc trị giá 4,5 tỷ đồng tại TP Thủ Đức; phát hiện gần 7 tấn đường tinh luyện nhập lậu tại huyện Củ Chi; phát hiện 18.200 chai bia nhập lậu tại Quận 12…

Bên cạnh đó, qua theo dõi mạng xã hội, đơn vị cũng đã phát hiện hơn 1 tấn khô bò không rõ nguồn gốc đang được kinh doanh trái phép. UBND TPHCM đã ban hành quyết định xử phạt 100 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Chiều 14/5, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cũng đã kiểm tra và phát hiện 01 điểm kinh doanh tại Chợ Bình Tây đang kinh doanh yến sào tinh chế không rõ nguồn gốc loại 100g/hộp với trị giá gần 60 triệu đồng và 01 điểm kinh doanh tại Quận 8 đang kinh doanh hơn 100 gói bột thực phẩm các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ được giới thiệu, bày bán trên website thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM.

Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM.

"Hiện nay, công tác quản lý chất lượng hàng hóa trên môi trường mạng còn gặp nhiều thách thức do tính ẩn danh, tính xuyên biên giới và sự phát triển nhanh của công nghệ. Việc kinh doanh thực phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ không chỉ tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe người dân mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh", ông Huy cho hay.

Từ 2024 đến tháng 5/2025, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra, xử lý 393 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động thương mại điện tử với các hành vi vi phạm chủ yếu như: kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ… tiến hành tạm giữ 128.999 đơn vị sản phẩm vàng trang sức, quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm,… với trị giá hơn 8,8 tỷ đồng và đã xử phạt với số tiền hơn 8 tỷ đồng.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM, để đảm bảo chất lượng hàng hóa trên không gian mạng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế phối hợp liên ngành là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động TMĐT.

Để kiểm soát tình trạng thực phẩm, Sở Công Thương TPHCM cũng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó tập trung vào công tác kiểm tra, giám sát và phối hợp liên ngành; tăng cường kiểm tra đột xuất tại các khu vực nổi cộm như chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thành phố…

Bên cạnh đó, Sở Công Thương TPHCM cũng đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường thành phố đẩy mạnh phối hợp liên ngành với các lực lượng chức năng khác như: công an, y tế, an toàn thực phẩm... để tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh, đẩy lùi tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Phó Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM cho rằng, TPHCM là thị trường tiêu thụ thực phẩm lớn, với nguồn cung đáng kể từ các tỉnh thành nên việc kiểm soát chất lượng thực phẩm ngay từ nguồn và trong quá trình vận chuyển, lưu thông là hết sức quan trọng.

Để công tác quản lý an toàn thực phẩm ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao hơn, ông Huy cho rằng cần có những điều chỉnh, bổ sung về chính sách và quy định pháp luật như: hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về ATTP; tăng cường phân cấp, làm rõ hơn nữa trách nhiệm quản lý; xây dựng và triển khai các chính sách khuyến khích sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý ATTP…

Nam Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hang-chuc-tan-noi-tang-dong-lanh-yen-sao-bo-kho-khong-xuat-xu-ban-tran-lan-o-tphcm-16925051517231374.htm