Hàng chục triệu người Bangladesh bị nhiễm độc arsen trong nước ngầm, tình trạng sẽ diễn biến tệ hơn
Vụ nhiễm độc arsen trong nước ngầm tại Bangladesh được đánh giá là vụ ngộ độc tập thể tồi tệ nhất của nhân loại.
Vào những năm 1980, bệnh viện ở Bangladesh liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân có các mảng cứng bất thường ở ngực, lưng, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Nặng hơn, một số bệnh nhân bị thâm đen các đầu ngón chân lại, một dạng bệnh lý mạch máu dẫn tới hoại tử. Một thời gian sau đó, các bác sĩ và các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu được nguyên nhân dẫn tới căn bệnh "chân đen" này. Đó là những dấu hiệu điển hình của ngộ độc arsen - một chất gây ung thư gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Trớ trêu thay, sự ngộ độc hàng loạt này lại bắt nguồn từ một chương trình ý tế cộng đồng vốn rất thành công trước đó.
Quay trở lại những năm 1970, trẻ em Bangladesh tử vong nhiều vì bệnh như kiết ly, dịch tả do uống nước từ sông, hồ. Để ngăn chặn, chính phủ Bangladesh đã kết hợp với UNICEF triển khai dự án khai thác nguồn nước sạch dưới lòng đất cho người dân nước này.
Arsen - kẻ sát nhân thầm lặng
Trong 2 thập kỷ liên tiếp, hàng triệu vòi nước giếng khoan đã được lắp đặt xuyên suốt Bangladesh. Cũng kể từ đó, quốc gia Nam Á này đã thay đổi được thói quen uống nước của toàn bộ người dân. Vào thời điểm này, số trẻ em tử vong giảm đáng kể. Dấu hiệu đáng mừng chưa được bao lâu, đến những năm 1990, các nhà khoa học lại phát hiện ra hàm lượng arsen cao ngất ngưởng trong nước ngầm.
Nếu như lượng arsen được Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến nghị là 10 microgram/ lít, thì tại Bangladesh, con số này lên tới 50 microgram/ lít. Theo ước tính của Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh Quốc, 27% vòi nước giếng khoan ở Bangladesh có hàm lượng arsen vượt quá mức cho phép theo chuẩn quốc gia, khiến cho 35 triệu người dân Bangladesh đã bị nhiễm độc arsen từ nguồn nước. Có những ngôi làng không có ai sống sót quá 30 tuổi.
Arsen được biết đến với tên gọi khác là thạch tín. Nó là chất tự nhiên có nhiều trong đá và đất. Khi ở dạng vô cơ, nó rất độc hại. Arsen được tìm thấy nhiều trong nước ngầm ở các quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, Việt Nam, Argentina, Chile, Mexico và một số khu vực ở châu Âu, nước Úc và Mỹ. Vì tính chất không màu, không mùi, không vị nên rất khó phát hiện được arsen nếu không thử nghiệm. Hơn thế, tác hại của nó lại âm thầm cho tới nhiều năm sau mới thấy rõ. Arsen ảnh hưởng tới mọi cơ quan trong cơ thể. Nó làm tăng nguy cơ ung thư da, gan, phổi và bàng quang, cũng như bệnh tim mạch và tiểu đường. Arsen cũng gây sảy thai, chậm phát triển ở trẻ và bệnh hô hấp.
Các chuyên gia nhận định vụ ngộ độc arsen ở Bangladesh còn vượt xa về quy mô hơn cả thảm họa hạt nhân Chernobyl. Nó được mệnh danh là "vụ ngộ độc tập thể tồi tệ nhất" trong lịch sử. Theo ước tính, mỗi năm có tới 43 nghìn người chết do các bệnh lý liên quan tới arsen ở Bangladesh. Chính phủ nước này cũng đã nỗ lực giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước nhưng tác hại của arsen vẫn đang lan rộng.
Sự nóng lên của Trái đất càng làm tăng mức độ nguy hiểm
Ngày nay, do sự nóng lên của Trái đất, tình trạng nước nhiễm độc arsen lại càng trở nên tồi tệ hơn. Cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra chính là tác nhân dẫn tới sự nóng lên của Trái đất, kéo theo lũ lụt và mực nước biển dâng. Chính những tác nhân này đã và đang làm thay đổi thành phần hóa học của nước trong lòng đất và đẩy nồng độ arsen lên cao hơn.
Càng khó khăn hơn khi Bangladesh lại là một trong những quốc gia luôn nằm trong tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu. Nằm ở vị trí thấp lại có đường bờ biển dài, quốc gia này thường xuyên phải đối mặt với lũ lụt và nước biển dâng. Lũ lụt làm ngăn oxy xâm nhập vào nước ngầm, khiến arsen không được giải phóng. Mặt khác, mực nước biển dâng lại khiến nồng độ arsen tăng lên.
Ngộ độc arsen - bài toán lâu dài của Bangladesh và nhân loại
Ngay khi phát hiện ra nước nhiễm độc arsen, chính phủ Bangladesh và UNICEF đã ngay lập tức hành động để khắc phục. Song song với việc kiểm tra, lắp đặt giếng đạt tiêu chuẩn an toàn arsen, UNICEF còn bổ sung các nhà máy xử lý và giáo dục nhận thức cho người dân.
Đến nay các kỹ sư và nhà khoa học vẫn đang cố gắng phát triển giải pháp loại bỏ arsen bằng kỹ thuật điện hóa. Đây là giải pháp công nghệ có giá thành cao nên vẫn chưa phù hợp với vùng nông thôn Bangladesh. Vì thế, giải pháp thay thế tạm thời đó chính là khoan giếng sâu hơn. Nồng độ arsen có hàm lượng ít hơn khi mạch nước ở sâu hơn.
Ngày nay khi nhận thức của người dân Bangladesh đã được thay đổi, nhưng do nhu cầu khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch quá lớn của con người, khí hậu vẫn tiếp tục nóng lên. Giải pháp hiệu quả nhất cho nguồn nước chứa arsen vẫn còn là một bài toán chưa giải được đối với nhân loại, chứ không riêng gì Bangladesh.