Hàng chục triệu người Mỹ nhẹ bớt 'núi nợ' thời sinh viên
Quyết định xóa bớt nợ sinh viên và gia hạn thanh toán đến cuối năm của chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể giúp người đi vay có một khởi đầu mới.
Ngày 24/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch xóa bớt các khoản vay nợ sinh viên đối với hàng chục triệu người Mỹ.
Theo đó, chính quyền Tổng thống Biden đã cho phép xóa số nợ 32 tỷ USD, phần lớn dành cho những người bị trường đại học vì lợi nhuận lừa đảo cũng như người đang có thương tật vĩnh viễn. Ông sẽ hủy khoản nợ 10.000 USD cho những ai độc thân có thu nhập dưới 125.000 USD/năm. Người đã kết hôn và kê khai thuế chung hoặc là chủ hộ nhưng có thu nhập các năm trước 2022 dưới 250.000 USD/năm cũng đủ điều kiện để xóa nợ.
Ngoài ra, người thuộc các gia đình có thu nhập thấp được nhận trợ cấp Pell cũng được xóa nợ 20.000 USD.
Bên cạnh đó, ông Biden tạm thời mở rộng chương trình miễn nợ cho các khoản vay dịch vụ công, đồng thời thay đổi kế hoạch trả nợ dựa trên thu nhập.
Theo đó, người đi vay nào có thu nhập dưới 225% mức nghèo hoặc có mức lương tối thiểu 15 USD/năm sẽ không phải trả nợ. Ngoài ra, số tiền vay sẽ không tăng lên nên người vay thực hiện các khoản thanh toán. Họ cũng không cần phải trả bất kỳ khoản nào nếu thu nhập quá thấp.
Quyết định này ít nhiều đã an ủi những người đã chăm chỉ trả tiền hàng tháng nhưng số nợ vẫn bị đội lên vì lãi suất, giúp họ đến gần hơn với sự miễn nợ.
"Cuộc sống của tôi đang thay đổi"
"Tôi đã reo hò trong phòng ký túc xá khi nghe được tin này", Marlene Ramirez cho biết. Cô sinh viên 25 tuổi phải sống dựa vào trợ cấp Pell và các khoản trợ cấp khác để trang trải cho việc học đại học của mình.
Là người đầu tiên trong gia đình đi học đại học, Ramirez đã sử dụng số tiền trợ cấp để trang trải hai năm học tại một trường cao đẳng cộng đồng, rồi chuyển đến Đại học California, Los Angeles. Sau khi tốt nghiệp vào năm 2020 với bằng cử nhân Nhân chủng học, cô vẫn còn một khoản vay liên bang 25.000 USD cho chi phí nhà ở và sinh hoạt trong thời gian học đại học. Hiện tại, Ramirez đang hoàn thành bằng thạc sĩ tại Trường Kinh tế London.
"Kế hoạch của Tổng thống Biden gần như sẽ quét sạch các khoản nợ. Cuộc sống tôi đang thay đổi", Ramirez nói.
Giải thoát khỏi món nợ 32 năm
Từ số tiền khoảng 3.000 USD vào năm 1990, khoản vay của bà Tomasa Rivera (63 tuổi) đã tăng vọt, kèm theo lãi suất và phí phạt, lên gần 9.000 USD.
"Khoản vay ban đầu không quá lớn, nhưng tới bây giờ thì không thể trả", bà nói.
Bà Rivera làm nhân viên lễ tân khi đăng ký học trở thành trợ lý y tá tại Trường Mandl, một trường vì lợi nhuận tại Manhattan. Tuy nhiên, việc học của Rivera đã nhiều lần bị gián đoạn do bà phải nằm viện vì sức khỏe yếu.
Cuối cùng, bà nhận bằng tốt nghiệp ngành Lễ tân. Nhà trường đã cho rằng bà không đáp ứng được tiêu chuẩn tốt nghiệp ngành y tá của trường và tự chuyển đổi chương trình của bà mà không có bất kỳ một thông báo nào.
Không trả được tiền học phí, bà Rivera cố hủy bỏ khoản nợ sinh viên của mình thông qua một chương trình cứu trợ cho những người bị khuyết tật vĩnh viễn nhưng đã bị từ chối.
Vì vậy, khi việc tạm dừng thanh toán các khoản vay cho sinh viên kết thúc, chính phủ sẽ lại tìm cách thu hồi 90 USD trong số 840 USD trợ cấp khuyết tật hàng tháng của bà Rivera. Nếu chính phủ xóa nợ 10.000 USD cho tất cả những người vay, bà sẽ được giải thoát khỏi món nợ đã đeo bám suốt 32 năm.
Vẫn còn thất vọng
Bên cạnh nhận được nhiều sự ủng hộ, quyết định của Tổng thống Joe Biden cũng khiến không ít người thất vọng. Nhiều người cho rằng tổng thống lẽ ra nên xóa nợ nhiều hơn nữa.
Theo New York Times, 45 triệu người Mỹ đã vay 1.600 tỷ USD các khoản vay liên bang để học đại học. Số tiền này nhiều hơn số tiền họ nợ các khoản vay mua ôtô, thẻ tín dụng hoặc bất kỳ khoản nợ tiêu dùng nào khác ngoài các khoản thế chấp.
Cố vấn chính sách đối nội Nhà Trắng Susan Rice cho biết chính quyền vẫn chưa xác định chi phí giảm nợ cho sinh viên do cần phải phụ thuộc vào số lượng người đăng ký. Tuy nhiên, ước tính chi phí này có thể lên tới hơn 300 tỷ USD.
Chủ tịch Hiệp hội Quốc gia vì sự phát triển của người da màu (NAACP) Derick Johnson cho rằng khoản xóa nợ là không đủ và "không phải cách đối xử đúng với cử tri da đen".
Theo khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang, cứ 3 gia đình da đen thì có một gia đình mang nợ. Dữ liệu này cũng cho thấy sinh viên da đen có nhiều khả năng bị chậm thanh toán các khoản vay hơn.
Jason Furman, nhà kinh tế học tại Đại học Harvard và từng là nhà kinh tế hàng đầu của cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng kế hoạch của ông Biden “sẽ cung cấp hàng chục nghìn USD cho nhiều hộ gia đình có thu nhập cao một cách không cần thiết".
Nhưng xét cho cùng, Tổng thống Biden đang thực hiện một trong những lời hứa tranh cử của mình là ban hành những cải cách lớn đối với hệ thống cho vay sinh viên của Mỹ và cứu trợ cho hàng triệu người vay hiện tại và tương lai.