Hang dơi Thái Lan thành điểm đến của giới khoa học
Các nhà khoa học đã đổ về quần thể hang dơi tại Thái Lan nhằm nghiên cứu mối quan hệ giữa dơi và dịch Covid-19.
Huyện Photharam thuộc tỉnh Ratchaburi (Thái Lan) vốn là một điểm du lịch nổi tiếng với hệ thống các hang động, chùa chiền và đặc biệt là loài dơi. Đời sống của người dân tại đây gắn liền với loài dơi khi chúng thu hút khách du lịch, các công ty phân bón và gần đây nhất là các nhà khoa học đến nghiên cứu.
Một nhóm các nhà nghiên cứu với sự giám sát của một trong những nhà virus học hàng đầu thế giới đã đến các hang dơi tại huyện này nhằm tìm ra mối liên kết giữa dơi và virus gây dịch Covid-19.
Ngôi nhà của dơi
Bên ngoài ngôi chùa được mệnh danh là "chùa triệu dơi", một trụ trì đã phát loa để thông báo với du khách rằng loài động vật hữu nhũ biết bay này vô hại.
"Đừng lo lắng, những con dơi này không mang bệnh vì chúng ăn côn trùng. Mọi người đều biết rằng khi dơi ăn trái cây, chúng sẽ ăn chung với nhiều loài động vật khác như chuột và khiến dịch bệnh lây lan", trụ trì này nói.
Trụ trì đã đúng rằng dơi ăn trái cây có liên quan đến các loại virus nghiêm trọng từng tấn công con người. Tuy nhiên, những loài dơi ăn côn trùng không là ngoại lệ.
Nhiều nhà virus học tin rằng loài dơi móng ngựa, một loài chuyên ăn côn trùng, có liên quan đến virus gây dịch Covid-19.
Các nhà khoa học đã nhanh chóng đến huyện Photharam sau khi một vườn quốc gia ở Thái Lan phát hiện một loài dơi móng ngựa tại đây.
Trái tim của huyện Photharam là đền Khao Chong Phran, nơi có những hang động đá vôi và hàng triệu con dơi trú ẩn mỗi ngày. Các nhà khoa học ước tính có hơi ba triệu con dơi thuộc 10 loài khác nhau đang cư ngụ tại nơi đây.
Giới khoa học vào cuộc
Dơi chiếm gần một phần tư các loài động vật có vú trên thế giới. Với khả năng bay lượn khi mang hàng triệu virus, dơi là loài trung gian truyền bệnh cực kỳ hiệu quả. Các bệnh truyền nhiễm do virus corona như SARS và MERS cùng các loại bệnh khác như Nipah, Hendra và Ebola đều từng xuất hiện tại loài này.
Hầu hết virus trên đều chuyển từ dơi sang một vật chủ trung gian trước khi xâm nhập vào cơ thể con người.
Các nhà khoa học hiện chưa thể chắc chắn về mối liên kết giữa dơi và virus corona gây dịch Covid-19. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã tìm ra một số manh mối giữa loài dơi móng ngựa và virus trên tại Vân Nam (Trung Quốc) và Campuchia. Loài dơi móng ngựa cũng là ổ chứa tự nhiên của virus gây dịch SARS - một chủng virus corona có liên hệ gần với virus gây dịch Covid-19.
Việc tìm ra mối liên kết giữa dơi móng ngựa và dịch Covid-19 đã thúc đẩy tiến sĩ Supaporn Watcharaprueksadee, một chuyên gia về virus truyền nhiễm từ dơi, điều tra xem liệu loài dơi ở Thái Lan có thể mang virus như ở Trung Quốc và Campuchia hay không.
Tiến sĩ Supaporn cho biết nhóm của cô đã phát hiện nhiều chủng virus corona, song không có chủng tương tự với loại virus gây dịch Covid-19. Nhóm của cô cũng không tìm thấy loài dơi móng ngựa tại đây.
Việc xét nghiệm các cư dân trong và xung quanh Khao Chong Phran, bao gồm cả những người thu gom phân có tiếp xúc gần với loài dơi trong hàng chục năm, cũng không cho thấy sự xuất hiện của kháng thể virus.
Tuy nhiên, cảnh tượng các nhà khoa học mang thiết bị bảo hộ cá nhân từ đầu đến chân đã khiến cho cả cộng đồng vốn dựa vào thu nhập từ loài dơi kinh ngạc.
"Không có dịch Covid-19 ở đây. Tại sao chúng ta lại đổ lỗi cho loài dơi?", Auenjit Kaewtako, một tình nguyện viên y tế tại Khao Chong Phran trong hơn 40 năm, băn khoăn.
"Họ đều ổn, chúng tôi vẫn ổn"
Thái Lan là quốc gia thứ hai xác nhận có ca mắc Covid-19, chỉ sau Trung Quốc. Quốc gia này đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng dịch như bắt buộc đeo khẩu trang hay đóng cửa biên giới.
Tuy nhiên, trong nhiều tuần qua, dịch Covid-19 đã bùng phát mạnh tại nước này sau khi ca bệnh đầu tiên được xác nhận tại một cộng đồng gồm những người di cư dọc biên giới với Myanmar. Từ việc không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng trong nhiều tháng, Thái Lan đã ghi nhận hàng trăm ca mắc mới mỗi ngày trong giai đoạn đầu tháng 12/2020 và tháng 1 năm nay.
Điều này khiến cho chủ nghĩa bài ngoại tăng đột biến, cùng với nỗi sợ đối với loài dơi.
Những người thu mua phân ở Khao Chong Phran, nơi cách biên giới Myanmar không xa, cho rằng nỗi sợ dơi đã bị thổi phồng quá mức. Theo họ, khu vực này có 17 loài dơi, và chỉ 2 trong số đó là dơi ăn trái cây có thể lây lan dịch bệnh.
Jaew Yemcem, 65 tuổi, một người thu gom phân dơi, cho biết: "Chúng tôi đã nhặt phân dơi từ trước đời ông tôi. Họ đều ổn, chúng tôi vẫn ổn".
Mỗi sáng thứ bảy, đền Khao Chong Phran mở cửa cho những người nhặt phân vào. Họ trang bị áo tự chế để bảo vệ mình trước phân rơi xuống, song đi chân đất để bám tốt hơn trên nền đất trơn trượt.
Họ nhặt phân dơi và bán lại cho những nông dân hay những người thu mua phân bón. Mỗi thùng phân dơi có giá chưa đến 20 nghìn đồng, và mỗi công nhân, nếu may mắn, có thể gom được hơn chục thùng mỗi ngày.
Ở Thái Lan nói riêng và một số nước Đông Nam Á nói chung, dơi được xem là một món ngon. Tiến sĩ Supaporn, một người nghiên cứu dơi trong nhiều năm, cho biết người dân ở đây từng ăn dơi, song đã từ bỏ việc này vì chúng được xem là một loài động vật cần được bảo vệ.
Cư dân trong khu vực không còn săn bắt dơi. Tuy nhiên, đối với những con dơi bay vào cột điện và lao thẳng xuống đất, người dân sẽ khó từ chối một bữa ăn miễn phí.
"Ngay cả bây giờ người ta vẫn ăn dơi, và không ai nhiễm Covid-19", Prangthip Yencem, một phụ bếp tại một trường học địa phương, cho biết.
Số dơi ở huyện Photharam đã giảm trong những thập niên gần đây do sự thu hẹp lãnh thổ sống và suy giảm nguồn thức ăn do thuốc trừ sâu. Sự suy giảm số dơi đã làm gián đoạn việc thụ phấn và gây tổn hại đến hệ sinh thái tương tự như việc suy giảm số lượng ong mật.
Điều đáng lo ngại là việc các nhà khoa học tin rằng sự phát triển của con người khiến loài dơi bị căng thẳng quá mức khi chúng khó định hướng được bằng tiếng vang. Chính sự căng thẳng này khiến dơi dễ mắc bệnh hơn, từ đó tăng nguy cơ lây truyền dịch bệnh sang con người.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-doi-thai-lan-thanh-diem-den-cua-gioi-khoa-hoc-post1174841.html