Hàng ghế đầu thời trang mất giá trị vì TikToker tai tiếng
Góp mặt trên hàng ghế đầu (Front-row) của sự kiện thời trang, nhiều TikToker gây tranh cãi vì không có chuyên môn, uy tín hoặc cố ý hành động lố bịch.
Làn sóng TikToker đang len lỏi vào các lĩnh vực khác nhau của giới giải trí, gây nên những vấn đề đáng lo ngại. Trong ngành thời trang cũng vậy.
Một số TikToker được nhắc tên nhiều khi ngồi hàng ghế đầu trong show thời trang - vị trí vốn dĩ dành cho tổng biên tập, biên tập viên của tạp chí danh tiếng, nhiếp ảnh gia, khách hàng, ngôi sao, những người có ảnh hưởng lớn đến xu hướng ăn diện của công chúng.
Hòa nhịp cùng dòng chảy thời trang thế giới, Việt Nam cởi mở đón nhận TikToker cho vị trí này. Thế nhưng, hàng ghế đầu dần mất đi giá trị bởi chiêu trò lố của những nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội.
Vị trí khẳng định quyền lực
Theo Elle, bước vào thế kỷ 21, khi ngành công nghiệp thời trang phát triển cùng với sự lên ngôi của Internet và mạng xã hội, Front-row (hàng ghế đầu trong show thời trang) dần được lắp đầy bởi các blogger, fashionista và influencers.
Dù làng mốt quốc tế có nhiều sự thay đổi, Front-row vẫn tồn tại như quy tắc bất thành văn trong việc ngầm khẳng định thứ bậc, quyền lực của nhân vật ngồi vào chiếc ghế đó. Chỉ cần có tên trên hàng ghế đầu, khách mời chắc chắn tạo ra sức ảnh hưởng.
Stylecaster tin rằng sự gắn kết giữa nhà thiết kế và ngôi sao ngồi hàng đầu giống như mối quan hệ tương hỗ, góp phần không nhỏ đến mục đích nâng tầm đẳng cấp cho đôi bên.
Kai Margrander - Giám đốc thời trang của Harper's Bazaar phiên bản Đức - đồng tình quan điểm này, và giải thích thêm: "Ngôi sao hot mang hình ảnh tới truyền thông và truyền hình, nhờ đó công chúng sẽ nhớ tên thương hiệu".
Trên thực tế, nhiều nhà mốt còn chấp nhận rót tiền mời những ngôi sao mà họ cho là dễ lan tỏa sức ảnh hưởng, đến xem show. Họ tin như vậy sẽ giúp đẩy mạnh giá trị thương hiệu.
Theo Telegraph, từ 10 năm trước, Rihanna chỉ cần mặc đẹp, ngồi xem người mẫu sải bước trên sàn catwalk, cũng kiếm hơn 100.000 USD. Beyoncé bỏ túi con số tương tự, trong khi Blake Lively nhận 50.000 USD mỗi lần ngồi hàng ghế đầu.
Những lời mời kiểu này trong thời điểm hiện tại có khi lên đến hàng triệu USD.
Erin Hawker, cựu chuyên viên PR và người phụ trách chỗ ngồi tại các chương trình thời trang đẳng cấp, tiết lộ rằng luôn có cuộc chiến ngầm xoay quanh vị trí Front-row.
"Mọi người phải xem trong một show được sắp xếp bao nhiêu ghế đầu, từ đó xác định số khách mời là người của giới truyền thông, khách hàng và bạn bè của nhà thiết kế, tham dự. Luôn tồn tại những vụ đấu đá nội bộ để xem ai xứng đáng ngồi hàng đầu. Loạt sao kém danh thường tranh vị trí Front-row với mục đích được cánh phóng viên chú ý, chụp ảnh và lên báo", cô phân tích.
Đơn cử tại Tuần lễ Thời trang New York Xuân Hè 2013, Jennifer Eymere, biên tập viên của Jalouse Paris, đã phát cáu lên và thẳng tay tát đại diện truyền thông của nhà thiết kế Zac Posen vì cô không được ngồi hàng đầu cạnh siêu mẫu Karolína Kurková và Naomi Campbell.
Front-row mất chất vì TikToker
Đầu năm 2021, Vogue đăng bài viết nhận định làn sóng TikToker đang tràn vào ngành thời trang với tốc độ đáng kinh ngạc.
Tại Việt Nam, TikToker đã và đang xâm chiếm thế giới sàn diễn. Họ hạn chế chiều cao và thiếu kỹ năng catwalk, nhưng vẫn được chọn làm người mẫu, thi hoa hậu. Một số TikToker nghiễm nhiên ngồi vào vị trí được mặc định danh giá dù tư duy thời trang kém và phong cách ăn mặc "thảm họa".
Trong câu chuyện này, TikToker Phạm Thoại là cái tên đáng bàn luận.
Xuất hiện trên hàng ghế đầu của Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam hồi tháng 5, Phạm Thoại gây khó cảm với cách chọn trang phục chưa hợp nhãn số đông. Đáng nói, TikToker có hơn 2,7 triệu người theo dõi đã liếc xéo Hoa hậu Khánh Vân trong lúc cô catwalk cho bộ sưu tập Giấc mơ hoa của thương hiệu Tracy Studio.
Không biết vô tình hay cố ý, Phạm Thoại đã trở thành gương mặt được nhắc tới nhiều nhất đêm. Rất nhanh chóng, hashtag và từ khóa "Phạm Thoại liếc ngang liếc dọc Hoa hậu Khánh Vân" bắt đầu thịnh hành.
Giải thích cho sự xuất hiện tai tiếng của mình, Phạm Thoại đổ lỗi chương trình tồn tại "điểm khuyết". Anh nói ban tổ chức tuyển người mẫu chưa đủ chuẩn, một số thiết kế "giống đầm hot girl ngoài đường". Do đó vị thế, vị trí Front-row dành cho những TikToker như anh là phù hợp với Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam Xuân Hè 2022.
Độ viral của Phạm Thoại giúp sự kiện được bàn tán nhưng lại nằm ngoài câu chuyện của vải vóc và thời trang. Điều này cho thấy thực tế đáng buồn là một bộ phận khán giả không mảy may quan tâm đến những thiết kế - vốn là cái hồn của bộ sưu tập, nhân vật chính của show diễn.
Dù không tai tiếng như Phạm Thoại nhưng một số TikToker khác cũng gây tranh cãi khi ngồi vị trí Front-row là Đạt Villa và bạn gái cũ Vidhia. Cả hai ngồi hàng đầu trong show giới thiệu bộ sưu tập mới của nhà thiết kế Nguyễn Tiến Truyển hồi tháng 5 dù không hoạt động trong showbiz hay giới thời trang.
Không chỉ ở vị trí hàng ghế đầu, nhiều TikToker khác phát triển kênh theo hướng review ẩm thực, nhảy nhót, chia sẻ đời sống thường ngày... cũng gây ra cảnh tượng nhốn nháo trên thảm đỏ các show diễn thời trang.
Nhiều ý kiến cho rằng TikToker đang làm đảo lộn, phá vỡ quy tắc thời trang truyền thống. Điển hình là vị trí Front-row đã không còn được phát huy tính quyền lực vốn có, mà dần bị xem thường, trở thành công cụ câu kéo truyền thông cho ban tổ chức.
Nhưng đôi khi chính "công cụ" này khiến sự kiện thời trang thành "phi thời trang".