Hàng giả bất khả chiến bại?
Thay vì bỏ ra số tiền lớn để sắm đồ hiệu, nhiều người chi một khoản rẻ hơn để 'tậu' những sản phẩm nhái. Việc này khiến các ông lớn trong ngành thời trang, xa xỉ phẩm đau đầu.
Theo tổng hợp của The Guardian vào tháng 5/2022, mỗi năm, tổng trị giá lượng hàng giả bán ra thị trường khoảng 600 tỷ USD. Cứ mỗi 100 sản phẩm hàng hiệu được bày bán sẽ có 10 món hàng giả được trà trộn bán cùng (10%).
Ước tính khoảng 80% người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái. Thế nhưng, đó là trường hợp “lỡ” mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng.
Thực tế, nhiều người chủ động tìm đến hàng nhái và cung theo cầu, các dịch vụ nhận sản xuất đồ giả cho khách hàng cũng không ít. Với thời trang, hàng giả là mối nguy hại mà bất kỳ thương hiệu nào cũng khiếp sợ vì chúng làm giảm giá trị nhãn hàng và kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Ai cũng có thể nhầm
Tác giả Alice Sherwood của The Guardian đã đến thăm Museé de la Contrefaçon (Bảo tàng Hàng nhái) tại Pháp - nơi trưng bày vô số hàng giả mà hải quan Pháp thu giữ hằng năm, nhằm giúp người dân nhận biết hàng thật - giả, trở thành những nhà tiêu dùng thông thái.
Cô đã rất khó khăn để phân biệt được hàng giả và hàng thật tại đây dù trước đó, cô đã đọc và xem nhiều mẹo chỉ cách phân định.
Tại Bảo tàng Hàng nhái, Alice Sherwood đã nhìn thấy chiếc túi xách chần bông nổi tiếng của Chanel được làm giả với phần chỉ may khá đều, thoạt nhìn không thấy rõ sự khác biệt nhưng khi sờ, cảm giác hoàn toàn khác.
Cạnh chiếc túi Chanel, một sản phẩm nhái thương hiệu Louis Vuitton trông từ xa khá tinh tế nhưng đi vào chi tiết từ đường may, logo đến phần da sẽ cảm nhận được sự khác biệt.
Để phân định được hàng giả và hàng thật không dễ dàng. Theo Alice, do cô đang ở Bảo tàng Hàng nhái nên mọi thứ không quá thách đố. Song, nếu không ở đó, khi cầm trên tay túi xách nhái, bạn sẽ gặp khó khăn và bởi khó phân biệt nên người tiêu dùng dễ mua nhầm.
Bjorn Grootswagers, Giám đốc khu vực của Tổ chức chống hàng giả React, với kinh nghiệm 30 năm làm việc trong lĩnh vực này, cho biết số lượng hàng giả trên thị trường đã tăng lên nhanh chóng.
Ông nói: “Cách đây 25 năm, khi mới thành lập, chúng tôi dừng ở việc phát hiện, giải quyết 5.000 vụ giả mạo mỗi tháng. Vậy nhưng mọi thứ đã thay đổi. Hiện tại, chúng tôi đang ngăn chặn 25 triệu vụ làm giả hàng hóa mỗi năm”.
Theo Bjorn Grootswagers, các thương hiệu thời trang như adidas, Converse, Nike, Puma, Levi's… đang là những khách hàng thân thiết của đơn vị. Họ luôn cần tìm ra những nơi sản xuất sản phẩm nhái để thực hiện các bước xử lý tiếp theo.
Ông cho biết thêm về mẹo đã giúp React phát hiện hàng giả dễ dàng hơn: đọc tên hàng hóa viết trên các thùng hàng. Nếu chỉ ghi “giày” mà không ghi thêm bất kỳ thông tin gì thì lô hàng đó đáng nghi ngờ.
“Nếu là giày của Nike thì phải ghi là Nike, nếu là adidas ghi là adidas. Hầu hết hàng giả có xuất xứ từ châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và tất nhiên chúng tôi có một danh sách đen các nhà máy. Chúng tôi thường xem xét kỹ các đơn vị vận chuyển hơn là truy nhà máy sản xuất” - ông Bjorn Grootswagers nói.
Hàng giả vẫn “sống” nhờ được người tiêu dùng chọn
Dạo một vòng trên mạng với các từ khóa nằm trong nhóm nội dung “fake luxury brands” (hàng nhái các thương hiệu đắt tiền), người tìm kiếm có thể thấy ngay những thứ mình cần. Nếu gõ thêm từ mua/đặt hàng, bạn sẽ đi thẳng đến các trang web bán hàng giả.
Đó là kết quả khi bạn chủ động tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, ngay cả khi không có nhu cầu, chỉ cần dùng mạng xã hội, chủ tài khoản trên Facebook, Instagram vẫn có thể thấy nhiều mặt hàng nhái được bày bán nhan nhản.
Một số đơn vị trong lĩnh vực kiểm soát hàng giả quốc tế đang gọi các ứng dụng mạng xã hội là “thị trường chính”, “điểm nóng giả mạo hàng xa xỉ”.
Công ty phân tích truyền thông - xã hội Ghost Data chia sẻ độc quyền với Reuters, rằng có hơn 26.000 tài khoản Facebook (số liệu điều tra từ tháng 6 - 10/2021) buôn bán hàng giả từ các thương hiệu xa xỉ bao gồm Gucci, Louis Vuitton, Fendi, Prada, Chanel. Còn với Instagram, có khoảng hơn 20.000 tài khoản đang rao bán hàng giả.
Giám đốc tài chính của Chanel, Philippe Blondiaux, từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng Chanel không tin Facebook hoặc Instagram là “môi trường thích hợp để bán các mặt hàng xa xỉ”. Các “ông lớn” khác trong ngành thời trang như Gucci hay Prada cho hay cuộc chiến chống hàng giả của họ vẫn đang diễn ra trên các nền tảng mạng xã hội. Riêng chủ sở hữu LVMH của thương hiệu Louis Vuitton và Fendi, nói họ đã chi 33 triệu USD để chống hàng giả vào năm 2020.
Hàng nhái không làm ta sang hơn
Tại Bảo tàng Hàng nhái, tác giả Alice Sherwood đau đớn khi biết chiếc túi Longchamp cô đang sử dụng là hàng giả. Nhờ nhân viên hướng dẫn, cô biết chi tiết con ngựa trên túi của mình là bản mô phỏng hàng thật; da túi xốp, không chắc và dẻo như hàng thật.
Khi biết mình mua lầm, Alice Sherwood lấy một chiếc giỏ nhựa trong suốt thay cho chiếc túi giả trên người. Theo cô, ngay cả khi hàng giả làm giống hệt hàng thật và không nhiều người có thể nhận ra bản nhái thì chúng ta cũng không nên mua chúng.
“Khách hàng không chỉ mua chất lượng hữu hình của sản phẩm mà còn mua cả chất lượng vô hình. Ở đây, chúng tôi mua danh tiếng của thương hiệu và sự an tâm mang lại cho khách hàng. Chúng tôi mua hình ảnh mà các thương hiệu tạo ra xung quanh chiến lược quảng cáo. Chúng tôi bị thu hút bởi những đại sứ thương hiệu về cách họ sử dụng sản phẩm. Sức mạnh từ các thuộc tính vô hình của thương hiệu không chỉ thay đổi cách khách hàng trải nghiệm về sản phẩm mà còn thay đổi cách họ cảm nhận về chính mình” - Alice Sherwood nói. Cô cho biết khi diện đồ có xuất xứ rõ ràng, không phải hàng nhái thì bản thân tự tin hơn.
Với những người mê đồ hiệu, việc sở hữu sản phẩm mới từ các thương hiệu lớn mang lại cho họ niềm vui, hạnh phúc. Đồ hiệu nếu biết cách kết hợp sẽ giúp nâng tầm người mặc, hoàn thiện vẻ ngoài phù hợp với đẳng cấp. Tuy nhiên, nếu không đủ sức mua, bạn cũng đừng nghĩ đến việc lấp liếm bằng chuyện tậu hàng nhái bởi sản phẩm giả không làm người mặc sang hơn, thậm chí còn khiến bạn trông tệ đi.
Trong hạn mức kinh phí cho phép, nếu muốn thể hiện cá tính, gu ăn mặc và sự văn minh thể hiện qua việc tôn trọng sáng tạo của nhà thiết kế, bạn có thể hướng sự quan tâm đến các thương hiệu tầm trung, thương hiệu địa phương hoặc sản phẩm làm theo đơn đặt hàng riêng với mức giá hợp lý. Có khá nhiều thương hiệu nhỏ có gu thẩm mỹ, phong cách độc đáo. Nếu muốn định hình cá tính thông qua thời trang, chỉ cần dành thời gian tìm kiếm, bạn có thể đạt được mục đích mà không cần phải cậy nhờ hàng nhái.
Theo Corsearch, đơn vị cung cấp các nền tảng, giải pháp giúp bảo vệ khách hàng khỏi hàng giả, hàng kém chất lượng, có một số lưu ý người tiêu dùng cần quan tâm. Đó là khi mua hàng, ví dụ như túi xách, cần quan tâm đến chất liệu, tay cầm, dây đeo, đường khâu, dây kéo… Với đồng hồ, cần lắng nghe âm thanh vì những chiếc đồng hồ xịn khi kim chạy không phát ra tiếng tích tắc.
Ngoài ra, cần xem chất liệu, mức độ tinh xảo trên bề mặt và trọng lượng bởi có nghiên cứu cho rằng đồng hồ cao cấp được làm từ những chất liệu thật, khá nặng chứ không nhẹ bẫng như đồng hồ nhái. Với quần áo, sự quan sát cũng tương tự về chất liệu, đường may, màu sắc vải… Đặc biệt, với quần áo hoặc các sản phẩm đắt tiền, đừng bỏ qua bước kiểm tra mã sản phẩm.
Theo Khánh An/Phụ nữ online
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-gia-bat-kha-chien-bai-post1326033.html