Hàng giả, hàng cấm bán tràn lan trên mạng xã hội
Đại dịch COVID-19 như chất xúc tác khiến ngành thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam phát triển bùng nổ. Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng môi trường Internet để bán hàng giả, hàng lậu, hàng cấm, quảng bá bán tràn lan trên thị trường nội địa với quy mô ngày một lớn. Tình trạng công khai, lợi dụng TMĐT để buôn bán hàng giả, hàng cấm như hiện nay đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh và niềm tin của người tiêu dùng.
Hàng chục tỷ đồng hàng hóa vi phạm
Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra 2.403 vụ việc, xử lý 2.213 vụ việc vi phạm. Số tiền xử phạt hơn 16 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 40 tỷ đồng gồm những hành vi vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả.
Đơn cử mới đây, mở đầu cho vụ triệt phá tổng kho buôn bán hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội bắt đầu từ vụ việc ngày ngày 7/7, Tổng cục QLTT phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát động mũi tấn công vào một kho hàng lậu, hàng giả tại TP Lào Cai.
Kho hàng này có quy mô trên 10.000m² được dùng để chứa trữ hàng hóa và làm địa điểm tổ chức kinh doanh trên Internet, do đối tượng Trần Thành Phú (28 tuổi) cầm đầu. Nhiều mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng của những nước phát triển như Mỹ, châu Âu. Toàn bộ số hàng này đã được niêm phong trong 34 container, với tổng số 158.014 đơn vị sản phẩm nằm trong 237 chủng loại hàng hóa.
Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng QLTT cho biết, kho hàng lậu rộng hơn 10.000m2 tại TP Lào Cai là vụ việc bán hàng giả, lậu liên quan tới TMĐT có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. QLTT ước tính tổng chi phí hoạt động của kho hàng này khoảng 2 tỷ đồng một tháng. Từ tháng 10-2018 đến lúc phát hiện, tổng lũy kế giao dịch qua tài khoản của Trần Thành Phú là hơn 649 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, việc hàng giả, hàng cấm, hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các website TMĐT, được chào bán tràn lan trên mạng xã hội, các sàn giao dịch TMĐT ngày một tăng tiềm ẩn nhiều phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến môi trường kinh doanh chung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng.
Các trang mạng, website TMĐT thường sử dụng các hình ảnh hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hiệu nhưng với giá rẻ như đồng hồ, kính mắt, quần áo, giày dép... Bên cạnh đó, có trang mạng xã hội chào bán hàng cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện như xì gà nhập lậu, vũ khí, công cụ hỗ trợ...
Sau đó, khi người tiêu dùng đồng ý mua thì đối tượng tiếp tục sử dụng các công cụ thanh toán trung gian không dùng tiền mặt (chuyển khoản qua một bên thứ ba, thẻ cào viễn thông, sử dụng thanh toán bằng mã QR) hoặc dùng dịch vụ giao nhận, vận chuyển và phát hàng hóa kèm thu tiền để giao hàng cho khách hàng nhưng thực tế hàng hóa nhận được là hàng giả, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Thủ đoạn của các đối tượng này thường sử dụng một địa chỉ không liên quan, địa chỉ không có thật hoặc giả mạo địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch, vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa, gây khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm. Trong khi đó, các chủ thể tham gia bán, chào bán hàng hóa là hàng giả, hàng nhập lậu, hàng cấm chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ hoặc cá nhân, thậm chí là học sinh, sinh viên....
Trên thực tế, việc kiểm soát, định danh tài khoản người bán, đăng tải chào bán, chào mua chưa thật sự chặt chẽ, chưa thường xuyên, liên tục của các sàn giao dịch TMĐT cũng là một kẽ hở để các đối tượng lợi dụng đưa hàng hóa vi phạm lên bày bán công khai trên các sàn này. Có những đối tượng duy trì thường trực hàng trăm tài khoản trên các sàn giao dịch TMĐT để ngay lập tức có thể thay đổi khi bị phát hiện.
“Những đối tượng lợi dụng TMĐT để buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin hoặc có đội ngũ kỹ thuật chuyên trách việc này. Các đối tượng tận dụng mọi thành tựu tiên tiến nhất của công nghệ Internet để kinh doanh các mặt hàng vi phạm như sử dụng công nghệ bán hàng đa kênh, ngồi một nơi nhưng có thể quản lý bán hàng ở nhiều điểm khác nhau; sử dụng thành thạo các công cụ marketing trực tuyến; đầu tư mạnh vào các tiện ích của mạng xã hội để thu hút người mua hàng,” ông Nguyễn Kỳ Minh nhấn mạnh.
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng cần có sự tham gia tích cực của các bộ, ngành. Trong đó, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc thực hiện, triển khai, phối hợp có hiệu quả công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet.
Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu các website TMĐT trong việc bảo vệ người tiêu dùng; cam kết bán hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị này sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ 368 - Tổng cục QLTT để tham mưu, xử lý các vi phạm TMĐT tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, trong đó mặt hàng trang sức, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, rượu, quần áo, giày dép sẽ là những mặt hàng nằm trong chiến dịch kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/hang-gia-hang-cam-ban-tran-lan-tren-mang-xa-hoi-612394/