Hàng giá rẻ Trung Quốc không còn rẻ, đồ second-hand lên ngôi

Trong bối cảnh Mỹ siết thuế hàng giá rẻ từ Trung Quốc, các nền tảng bán đồ cũ như ThredUp đã sẵn sàng tận dụng thời cơ để thúc đẩy thời trang bền vững thay thế thời trang nhanh.

 Ngành hàng đồ second-hand tại Mỹ có thể hưởng lợi từ chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ngành hàng đồ second-hand tại Mỹ có thể hưởng lợi từ chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ngành bán lẻ Mỹ đang "dậy sóng" trước làn sóng thuế quan mới từ chính quyền Tổng thống Donald Trump. Nếu mức thuế đối ứng được áp dụng sau thời gian hoãn 90 ngày, mức thuế này sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Bangladesh hay Pakistan.

Hiệp hội Ngành Công nghiệp Thời trang Mỹ - đại diện cho các nhà nhập khẩu và chuỗi bán lẻ lớn như Urban Outfitters, Walmart - cảnh báo: “Ngành này phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu hơn bất kỳ lĩnh vực sản xuất nào khác”.

Trong bối cảnh đó, thời trang nhanh (Fast fashion) - lĩnh vực thời trang phát triển vũ bão trong thập kỷ qua - đang trở thành tâm điểm. Các nền tảng như Shein và Temu, chiếm 17% thị phần hàng giảm giá tại Mỹ, từng hưởng lợi từ quy định “de minimis” (miễn thuế cho đơn hàng dưới 800 USD) nay gặp phải thách thức lớn.

Từ ngày 2/5, quy định "de minimis" sẽ bị xóa bỏ với hàng Trung Quốc, đẩy mức thuế lên 120%, tương đương 100 USD mỗi kiện, và tăng lên 200 USD từ ngày 1/6. Điều này khiến lợi thế giá rẻ của thời trang nhanh lung lay.

Hàng second-hand vươn lên

Khi thời trang nhanh gặp khó, ThredUp - nền tảng bán đồ cũ trực tuyến - lại đón nhận cơ hội. Trong tuyên bố gần đây, công ty hoan nghênh việc xóa bỏ quy định “de minimis” với Trung Quốc, cho rằng điều này sẽ kết thúc lợi thế cạnh tranh không công bằng của fast fashion.

“Khi fast fashion trở nên đắt đỏ, người tiêu dùng sẽ cân nhắc lựa chọn bền vững hơn như đồ second-hand”, đại diện công ty chia sẻ.

Với doanh thu 322 triệu USD và 1,8 triệu người mua thường xuyên trong năm 2023, ThredUp đang đi đầu trong xu hướng “thời trang chậm” - bền vững, tiết kiệm và thân thiện môi trường.

 Nền tảng bán đồ cũ ThredUp có thể tận dụng khoảng trống mà lĩnh vực thời trang nhanh để lại nếu thuế tăng. Ảnh: ThredUp Newsroom.

Nền tảng bán đồ cũ ThredUp có thể tận dụng khoảng trống mà lĩnh vực thời trang nhanh để lại nếu thuế tăng. Ảnh: ThredUp Newsroom.

Theo báo cáo quốc hội Mỹ, các nền tảng như Shein, Temu và Aliexpress đã dựa vào quy định "de minimis" để đưa hơn 1 tỷ kiện hàng giá rẻ vào Mỹ trong năm 2023. Ước tính, 80% tổng lượng hàng thương mại điện tử Mỹ năm 2022 là hàng nhập dạng miễn thuế, chủ yếu từ Trung Quốc.

Fast fashion nổi lên nhờ tốc độ sản xuất và giao hàng nhanh, giá rẻ và bắt trend cực tốt. Nhưng phía sau là lượng rác thải khổng lồ và những nghi ngại về đạo đức lao động.

Ngược lại, ThredUp tự hào về “chuỗi cung ứng” đến từ chính tủ đồ người tiêu dùng Mỹ.

“Chúng tôi đã vận động quốc hội loại bỏ de minimis nhiều năm nay”, ông Alon Rotem - Giám đốc Chiến lược 0 chia sẻ, và tin rằng thời điểm để thời trang second-hand cạnh tranh sòng phẳng đã đến.

Khảo sát ThredUp và GlobalData với hơn 3.000 người tiêu dùng cho thấy gần 60% sẵn sàng mua đồ cũ nếu quần áo mới trở nên đắt đỏ vì thuế. Thực tế, trước cả khi có chính sách thuế, gần 40% người trẻ thuộc thế hệ Millennial và Gen Z đã mua hàng secondhand trực tuyến trong năm qua.

Dù vậy, chính thế hệ trẻ cũng là nhóm thúc đẩy fast fashion mạnh mẽ nhất, do nhu cầu “giá rẻ - hợp mốt”.

“Yếu tố giá trị là điểm giao nhau rõ nhất giữa đồ cũ và hàng thời trang nhanh”, ông Rotem nhận định.

Cuộc chơi sắp thay đổi

Theo chuyên gia Bloomberg Poonam Goyal, nhiều hãng fast fashion lớn như H&M đã chuyển sản xuất sang các nước như Việt Nam, Bangladesh để giảm phụ thuộc Trung Quốc. Hiện mức thuế áp lên những nước này vẫn đang tạm hoãn 90 ngày. Ngoài ra, nếu thuế toàn cầu giữ ở mức 10%, các hãng lớn có thể tự hấp thụ chi phí tăng.

“Xóa bỏ miễn thuế khiến các hãng fast fashion sản xuất trong nước Mỹ như H&M có cơ hội cạnh tranh công bằng hơn, thay vì bị bóp giá bởi Shein hay Temu”, Goyal phân tích.

 Việc xóa bỏ "de minimis" giúp các hãng thời trang nhanh sản xuất tại Mỹ như H&M có nhiều cơ hội cạnh tranh công bằng hơn. Ảnh: Reuters.

Việc xóa bỏ "de minimis" giúp các hãng thời trang nhanh sản xuất tại Mỹ như H&M có nhiều cơ hội cạnh tranh công bằng hơn. Ảnh: Reuters.

Uniqlo - thương hiệu Nhật - cho biết chưa bị ảnh hưởng ngay vì phần lớn hàng hóa đã được đưa vào Mỹ từ trước. Hiện hãng này sản xuất tại Việt Nam, Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc.

Với ThredUp, đối thủ cạnh tranh không phải là Shein hay Temu, mà là các cửa hàng bán hàng nguyên giá.

“Người tiêu dùng không cần phiên bản rẻ hơn Shein - họ tìm giá giảm sâu cho đồ cao cấp như Lululemon”, Goyal nói thêm.

Quy định miễn thuế "de minimis" tồn tại từ thập niên 1930 và được nâng ngưỡng qua các năm để hỗ trợ thương mại và người tiêu dùng. Tuy nhiên, tháng 9/2024, chính quyền ông Biden tuyên bố sẽ siết chặt do bị lạm dụng quá mức.

Để né tránh, các công ty Trung Quốc đã mở nhà máy tại Mexico hoặc chuyển sang hình thức nhập kho tập trung từ năm ngoái. Nhưng theo chuyên gia Chris Tang từ UCLA, người tiêu dùng sắp phải đối mặt với giá cao hơn hoặc chờ đợi lâu hơn.

“Người tiêu dùng sẽ phải trả giá cao nhất”, ông nói. “Áo thun giá 3 hay 4 USD sẽ sớm chỉ còn là chuyện của quá khứ”.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/hang-gia-re-trung-quoc-khong-con-re-do-second-hand-len-ngoi-post1546100.html