UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 10 về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, UBND thành phố yêu cầu phải dừng tất cả loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát. Riêng các chợ truyền thống, giao Sở Công Thương hướng dẫn các quận, huyện áp dụng các biện pháp giãn cách để đảm bảo an toàn.
Sáng 23/6, ghi nhận của phóng viên VTC News, tại chợ An Nhơn (phường 17) và chợ Hanh Thông Tây (phường 11) quận Gò Vấp, phần lớn các khu vực buôn bán tự phát xung quanh đã bị dẹp bỏ. Các lối phụ vào chợ đều được giăng dây, dựng biển cấm.
Nếu muốn vào chợ mua sắm, người dân phải gửi xe vào bãi, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và khai báo y tế.
Nhiều tiểu thương bán mặt hàng rau cho hay, từ khi dẹp chợ tạm, khách vào bên trong chợ mua hàng nhiều hơn. Giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng tăng lên, dẫn chứng như bầu, bí, dưa leo lên mức 30.000-35.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng; bí đỏ hồ lô tăng 10.000 đồng, lên 30.000 đồng/kg; đậu que lên mức 50.000 đồng/kg, tăng 10.000-15.000 đồng.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho hay, từ đầu tháng 6/2021 đến nay - thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội, nguồn cung hàng hóa thiết yếu luôn được đảm bảo đầy đủ và kịp thời cho người dân trên địa bàn thành phố.
Đến nay, hạ tầng thương mại, phân phối, bán lẻ đã có hệ thống điểm bán đa dạng với khoảng 237 chợ, 236 siêu thị, 45 trung tâm thương mại và trên 2.700 cửa hàng bán lẻ.
“Hiện nay thị trường không có chuyện giá cả đồng loạt tăng ở các chợ. Đặc biệt là tại các siêu thị, cửa hàng bình ổn thị trường đảm bảo giá luôn ổn định. Người dân mua sắm ở chợ trong thời điểm nào đó nếu cảm thấy giá tăng không hợp lý có thể phản ánh với ban quản lý để có điều chỉnh, hoặc đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi… để đảm bảo mua sắm với giá cả ổn định”, ông Phương nhấn mạnh.
Tại họp báo chiều 19/6, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu trên địa bàn và thiết lập đường dây nóng, yêu cầu các đơn vị cung ứng sẵn sàng liên lạc, trao đổi và đối phó khi có biến động.
Đại diện các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đánh giá sức mua tăng mạnh sau khi có chủ trương dẹp chợ tự phát. Đại diện VinCommerce cho hay, hiện các loại hàng hóa đảm bảo luôn đầy ắp 100% dung lượng quầy, kệ. Đặc biệt, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng thiết yếu luôn dự phòng sản lượng dư hàng để không xảy ra tình trạng khan hàng, đứt hàng.
Tương tự, đại diện Saigon Co.op cho hay, ngay từ đầu đơn vị đã chuẩn bị các kịch bản để ứng phó với dịch, từ các phương án đảm bảo an toàn môi trường siêu thị, hàng hóa, nhân sự đến giao hàng tận nơi. Hiện Saigon Co.op đang vận hành hơn 800 cửa hàng, siêu thị trên cả nước để cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân.
Hoàng Thọ