Hàng hóa chịu ảnh hưởng rõ nhất bởi cuộc chiến thương mại tiềm tàng

Thị trường đậu nành vẫn bi quan do lo ngại rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể gia tăng khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức sau hai tuần nữa.

Đậu nành là một trong những hàng hóa bị ảnh hưởng rõ nhất bởi cuộc chiến thương mại trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Các yếu tố cơ bản của thị trường bị ảnh hưởng nhà sản xuất đậu nành chính của thế giới là Mỹ và nước nhập khẩu đậu nành lớn nhất là Trung Quốc. Giá cả đang chịu áp lực bởi kỳ vọng rằng căng thẳng thương mại sẽ gia tăng dưới thời chính quyền Trump 2.0.

Năm 2018, chính quyền ông Trump đã tăng thuế đối với nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ. Đáp lại, Trung Quốc cũng tăng thuế đối với một số hàng hóa từ Mỹ, bao gồm đậu nành, ngô và các sản phẩm nông nghiệp khác. Điều này dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc và đẩy giá xuống thấp hơn.

Những căng thẳng tương tự có thể lại xảy ra, đặc biệt là khi ông Trump tuyên bố sẽ áp thêm thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Trung Quốc chiếm hơn 60% khối lượng nhập khẩu trong niên vụ đậu nành kết thúc vào năm 2025.

Có những điều không chắc chắn liên quan đến các chính sách của ông Trump. Carlos Mera, Giám đốc nghiên cứu thị trường hàng hóa nông nghiệp tại Rabobank cho rằng, chính quyền có thể sẽ đền bù cho nông dân theo một cách nào đó, chẳng hạn như thông qua trợ cấp để lưu trữ hàng hóa đã thu hoạch. Ông cho biết, các chính sách như vậy "có thể ngăn chặn tác động lớn đến thị trường đậu nành, chắc chắn là trong ngắn hạn".

Tuy nhiên, ông Carlos Mera dự đoán giá đậu nành tương lai năm nay sẽ giao dịch ở mức 9,65 USD/giạ trong quý I, hoặc ở mức trung bình dưới 10 USD/giạ.

Theo nhà phân tích kinh doanh nông nghiệp của BMI Matthew Biggin, những lo ngại về chiến tranh thương mại đang có ít tác động đến thị trường vì chúng đi kèm với "nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ sụt giảm".

Ông cho rằng, nhu cầu của Trung Quốc sẽ chậm lại vào năm 2025 do lượng dự trữ lớn của nước này. Từ tháng 1 đến tháng 11/2024, Trung Quốc đã nhập khẩu nhiều hơn 9,4% lượng đậu nành so với cùng kỳ năm 2023. Hoạt động nhập khẩu đặc biệt sôi động trong những tháng trước cuộc bầu cử của Mỹ.

Các yếu tố cấu trúc cũng báo hiệu nhu cầu của Trung Quốc tăng chậm lại. Ông Carlos Mera cho biết, chính phủ nước này đã thực hiện các biện pháp để tăng cường an ninh lương thực, chẳng hạn như chỉ đạo sử dụng nhiều ngô hơn để làm thức ăn chăn nuôi thay vì đậu nành. Mặc dù Trung Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu đậu nành, nhưng họ có thể đáp ứng 90% nhu cầu ngô trong nước.

Trong khi đó, nền kinh tế suy yếu của Trung Quốc không được xem là yếu tố chính ảnh hưởng đến nhu cầu đậu nành của nước này. "Ngay cả trong thời kỳ kinh tế suy thoái, nhu cầu cơ bản về thực phẩm vẫn tương đối ổn định", nhà phân tích Matthew Biggin cho biết.

Vì đậu nành được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi nên nhu cầu về đậu nành có thể giảm nếu người tiêu dùng bắt đầu ăn ít thịt hơn trong thời kỳ suy thoái kinh tế, nhưng phản ứng kiểu này chỉ xảy ra sau một thời kỳ suy thoái kéo dài.

Eriko Miyamori, thành viên cấp cao tại Viện Marubeni lưu ý rằng vấn đề nhân khẩu học cũng tác động đến nhu cầu. "Vì tổng dân số đã đạt đỉnh nên khó có thể kỳ vọng nhu cầu lương thực sẽ tăng mạnh như trước", bà cho biết.

Về phía cung, có rất ít lý do khiến giá đậu nành tăng trong năm nay. USDA ước tính sản lượng của Mỹ sẽ đạt mức gần kỷ lục là 121,42 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 9/2024 đến tháng 8/2025. Brazil - quốc gia sản xuất đậu nành lớn nhất - dự kiến sẽ thu hoạch kỷ lục 169 triệu tấn từ tháng 10/2024 đến tháng 9/2025.

Một mối lo ngại đối với sản xuất ở Nam Mỹ là hiện tượng thời tiết La Nina. Trong thời gian xảy ra La Nina, nhiệt độ bề mặt trên khắp vùng xích đạo phía đông-trung tâm Thái Bình Dương sẽ lạnh đi, ảnh hưởng đến các kiểu mưa và làm gián đoạn sản xuất cây trồng. Nhưng lần này, hiện tượng này "dự kiến sẽ tương đối yếu và không kéo dài", Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết trong bản cập nhật tháng 12.

Diễn biến giá đậu nành

Diễn biến giá đậu nành

Giá đậu nành nhìn chung được dự kiến sẽ vẫn cao hơn mức trước đại dịch. Năm 2019, giá trung bình dưới 9 USD/giạ. Điều chỉnh theo lạm phát, giá hiện tại là 9,65 USD sẽ thấp hơn giá 9 USD của 5 năm trước.

"Nếu có sự khác biệt so với trước đại dịch, thì đó sẽ là nhu cầu về nhiên liệu sinh học cho hàng không", bà Eriko Miyamori cho biết. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), từ năm 2021 đến năm 2023, dầu đậu nành được sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học đã tăng hơn 40% tại Mỹ.

Tuy nhiên, triển vọng nhu cầu về nhiên liệu sinh học và đậu nành được sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học vẫn chưa chắc chắn, vì ông Trump dự kiến sẽ thay đổi các chính sách năng lượng của chính quyền Biden.

Trong đó, nếu ông Trump hạ thấp yêu cầu pha trộn nhiên liệu sinh học đối với nhiên liệu từ dầu mỏ, nhu cầu về nhiên liệu sinh học có thể giảm. Nhưng sự thay đổi chính sách của ông Trump có thể thúc đẩy nhu cầu nếu ông khuyến khích sử dụng nhiên liệu sản xuất trong nước, chẳng hạn như nhiên liệu sinh học từ đậu nành.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/hang-hoa-chiu-anh-huong-ro-nhat-boi-cuoc-chien-thuong-mai-tiem-tang-post361351.html