Hàng hóa, dịch vụ, chi phí sản xuất tăng theo giá xăng dầu
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu tăng 4 lần liên tiếp. Đợt gần nhất là lúc 15 giờ ngày 21-2 với mức tăng 960 đồng/lít xăng. Giá xăng, dầu liên tục tăng đã tác động lớn đến sản xuất, thị trường hàng hóa, tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Nông dân lo lắng vì chi phí sản xuất tăng
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có hơn 98.000 ha cà phê, tập trung chủ yếu tại các huyện: Đak Đoa, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh, Đức Cơ, Mang Yang và Kbang. Hiện nay, người trồng cà phê đang tập trung tưới nước đợt 1 và đợt 2 để cây nở hoa đúng thời điểm.
Tuy nhiên, người trồng cà phê đang lo lắng chi phí đầu tư sản xuất tăng trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao kỷ lục. Hiện giá dầu diesel vừa được điều chỉnh tăng giá lên hơn 21 ngàn đồng/lít đã khiến chi phí mỗi đợt tưới nước tăng thêm 500-700 ngàn đồng/ha. Anh Hoàng Quang Bình (thôn 3, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) cho hay: Gia đình tôi có hơn 1,4 ha cà phê kinh doanh. Do rẫy ở xa, điện lưới không thể kéo tới suối để bơm nước được nên mỗi lần tưới cà phê tôi phải dùng máy nổ để bơm nước tưới. Năm trước khi giá dầu 18-19 ngàn đồng/lít, cùng diện tích này gia đình chỉ tốn khoảng 2 triệu đồng tiền dầu cho mỗi lần bơm tưới. Nhưng năm nay, giá dầu tăng cao, gia đình ước tính phải bỏ ra hơn 2,6 triệu đồng/lượt tưới.
Tương tự, ông Đào Mạnh Thường (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) cũng đang tưới nước đợt 2 cho 1 ha cà phê của gia đình bằng máy nổ. Theo ông Thường, ông làm cà phê từ năm 1996, nhưng năm nay giá dầu diesel là cao nhất. Sở dĩ người dân ở đây phải sử dụng máy nổ để tưới vì rẫy ở quá xa, nếu kéo điện 3 pha thì chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Mỗi năm, vào mùa khô cây cà phê cần tưới nước 3-4 đợt. Năm nào thời tiết hạn nặng thì phải tưới tới 5-6 đợt. Với giá dầu diesel cao như hiện nay, bình quân một đợt tưới gia đình ông Thường chi phí hết khoảng 100 lít dầu, tương đương hơn 2,1 triệu đồng. “Giá xăng dầu tăng thì gánh nặng của người nông dân cũng phải tăng theo như: chi phí tưới nước, tiền vận chuyển sản phẩm. Ngoài ra, giá phân bón cũng tăng gần gấp đôi so với vụ trước khiến chi phí sản xuất đội lên rất nhiều”-ông Thường chia sẻ.
Cùng chung quan điểm, anh Hrưn ở làng R’Khương Tleo (xã Kdang, huyện Đak Đoa) cũng cho rằng, với giá xăng dầu như hiện nay thì 1,5 ha cà phê của gia đình tiền dầu tưới mỗi đợt cũng sẽ tăng thêm gần 1 triệu đồng so với vụ trước. “Giá xăng dầu tăng cao, thời tiết biến đổi thất thường, giá cả nông sản bấp bênh khiến người nông dân lại càng khó khăn hơn”-anh Hrưn nói.
Sẽ tăng giá cước vận tải
Theo tính toán, chi phí nhiên liệu chiếm đến 40% giá thành dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, do giá xăng dầu liên tục tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp vận tải bị đội lên cao, đồng nghĩa lợi nhuận kéo giảm xuống. Ông Nguyễn Hồng Hải-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Gia Lai-cho biết: “Chúng tôi đã tính đến tăng giá vé để đảm bảo giữ được chất lượng dịch vụ vận tải hành khách và hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức giá tăng dự tính chỉ khoảng 16% bởi thực tế khách hàng đi đường bộ phần lớn thuộc nhóm điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn”.
Theo ông Hải, trong bối cảnh nhu cầu đi lại của người dân còn chưa cao do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, doanh nghiệp vận tải buộc phải tính toán phương án khai thác cho hợp lý, đảm bảo hiệu quả cao nhất trên mỗi chuyến xe. “Thực tế, các đơn vị mới chỉ khai thác khoảng 70% công suất, tỷ lệ lấp đầy số ghế trên mỗi chuyến xe chỉ đạt khoảng 50% nhưng không thể không chạy bởi phải duy trì tuyến liên tục để giữ khách”-ông Hải nêu thực tế.
Còn chị Kiều Bảo An (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) thường xuyên di chuyển tuyến Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh thì chia sẻ: “Đợt này, tôi liên hệ đặt vé đi TP. Hồ Chí Minh thấy nhà xe báo giá vé tăng nhẹ so với trước. Điều này cũng dễ hiểu vì giá xăng dầu tăng sẽ kéo giá vé xe tăng, trước nay vẫn thế. Lợi nhuận bảo đảm thì họ mới có đủ điều kiện để giữ chất lượng phục vụ tốt nhất cho khách hàng, chỉ hành khách là phải chi phí nhiều tiền hơn cho mỗi chuyến đi”.
Tương tự, các hoạt động vận tải thô sơ như: xe ôm, xe ôm công nghệ, shipper… cũng ít nhiều chịu tác động từ việc nhiên liệu tăng giá. Anh Sẩm Dịch Minh cho hay: “Đặc thù công việc shipper phải di chuyển liên tục trên các tuyến đường nên việc xăng tăng giá ảnh hưởng đáng kể đến chi phí, thu nhập hàng ngày của tôi. Bình thường tôi đổ 50 ngàn đồng là đi được 2 ngày nhưng giờ giá xăng tăng thì phải đổ hơn 70 ngàn đồng. Chi phí đi lại tăng lên nhưng tiền ship đơn hàng vẫn như cũ, mỗi đơn shipper chỉ nhận được 4.500 đồng nên tôi phải cố gắng đi nhiều đơn hơn mỗi ngày để bù đắp chi phí bỏ ra”.
Thị trường hàng hóa thi nhau tăng giá
Giá xăng dầu tăng cao kéo giá cả nhiều loại hàng hóa thực phẩm thường ngày tăng theo. Bà Nguyễn Thị Thu-tiểu thương chợ Phù Đổng (TP. Pleiku) cho biết: Từ sau Tết đến nay, giá các mặt hàng tươi sống như rau, củ, quả và thịt tương đối ổn định. Riêng giá các loại cá biển đang tăng 5-10 ngàn đồng/kg. Đối với nhóm hàng lương thực-thực phẩm, trong khi giá gạo vẫn giữ mức bình ổn thì một số sản phẩm mì tôm tăng giá rất mạnh, đơn cử như mì tôm Miliket loại thùng 30 gói tăng từ 75 ngàn đồng lên 105 ngàn đồng/thùng, dầu ăn Simply từ 215 ngàn đồng/can 5 lít lên 265 ngàn đồng... “Tình hình buôn bán tại chợ sau Tết sức mua thường chậm, giá cả một số hàng hóa lại tăng theo giá xăng dầu nên rất khó bán”-bà Thu cho biết.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Nương-chủ tiệm tạp hóa Nương (400 Hùng Vương, TP. Pleiku) chia : Thực tế từ khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát mạnh, một số mặt hàng nhập vào đã tăng giá. Cộng thêm tình hình xăng dầu liên tục tăng giá khiến chi phí vận chuyển tăng, kéo theo giá các mặt hàng như cà phê bột, cà phê hòa tan, nước ngọt, dầu ăn, sữa, hóa mỹ phẩm… đều tăng lên vài giá. “Tâm lý chung ai cũng mong giá cả ổn định mình buôn bán cũng thoải mái hơn, giá tăng nhưng sức mua giảm nên tôi cũng chỉ cân đối nhập hàng cầm chừng để bán”-bà Nương nói.
Là “tay hòm chìa khóa” trong mỗi gia đình, hơn ai hết, chị em là người cảm nhận rõ tác động của việc tăng giá cả các loại mặt hàng trên thị trường đối với việc cân đối chi tiêu của gia đình. “Ngày trước, mỗi ngày đi chợ chỉ cần tầm 150-200 ngàn đồng là có thể lo đủ thức ăn, rau củ, hoa trái cho gia đình thì nay mọi thứ phải tăng thêm khoảng 30% nữa. Trong bối cảnh thu nhập không tăng, thậm chí còn giảm thì để cân đối việc chi tiêu chị em phải tính toán nhiều”-chị Nguyễn Thu Hà (tổ 5, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) bày tỏ.