Hàng hóa dồi dào, giá cả chưa biến động

Trong ngày đầu tiên (6/9) của đợt giãn cách xã hội thứ tư tại Hà Nội, theo ghi nhận tại một số chợ cho thấy, giá cả lương thực, thực phẩm chưa có biến động, hàng hóa dồi dào. Tuy nhiên, các tiểu thương, khách hàng và doanh nghiệp bán lẻ lo lắng về việc cấp giấy đi đường theo quy định mới, việc kiểm soát giấy đi đường.

Sức mua giảm, hàng hóa phong phú

Bà Nguyễn Thị Hồng (tiểu thương bán rau ở Phú Lương, Hà Đông) cho biết, khi nhận được thông tin về việc cấp lại giấy đi đường và kiểm tra chặt chẽ việc di chuyển giữa các phân vùng đã băn khoăn việc đi lấy hàng ở chợ đầu mối của các tiểu thương có bị ảnh hưởng gì không. Hiện, giá cả rau, củ, quả vẫn ổn định, khoai tây 15.000 đồng/1kg; khoai sọ 20.000 đồng/1kg; cải bắp 12-15.000 đồng/1kg; mướp 13-15.000 đồng/1kg; cà chua 23.000 đồng/1kg; rau muống, rau cải, rau ngót 5.000-7.000 đồng/1 mớ.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Tuyết (chủ sạp rau xanh lớn nhất chợ Trung Văn) cũng cho biết, hàng ở chợ đầu mối, phải đi qua nhiều phân vùng nhưng hiện chưa thấy hướng dẫn gì cả. Nếu việc đi lại giữa các phân vùng khó khăn hơn thì khi đó, nguồn cung rau xanh giảm sút, giá rau, củ sẽ tăng lên.

Hiện tại, nhiều loại rau, củ tại chợ Trung Văn vẫn giữ giá ổn định. Giá thực phẩm tươi sống cũng chưa có nhiều biến động trong những ngày gần đây. Thịt ba chỉ 160.000 đồng/kg; sườn thăn 160.000 đồng/kg; thịt thăn bò, sườn bò 280.000 đồng/kg; cá trắm cắt khúc 80.000 đồng/kg; cá trắm cả con 60.000 đồng/kg. Các loại thủy hải sản khan hiếm hơn so với trước đây. Tại chợ 337 (Cầu Giấy), thịt lợn vẫn giữ giá 160.000 đồng/kg; sườn cục 165.000 đồng/kg; sườn bỏ cục 200.000 đồng/kg; thịt gà ta 130.000 đồng/kg. Các loại rau củ quả phong phú, tươi ngon. Trong khi đó, giá trứng đã giảm khá mạnh, chỉ còn 4.000-5.000 đồng/quả trứng gà ta; 3.300-3.500 đồng/quả trứng vịt. Tại các chợ không còn khan hiếm trứng.

Hàng hóa giá cả ổn định, sức mua giảm.

Mặc dù giá cả ổn định, nhưng hiện người mua không đông. Một tiểu thương bán thịt tại chợ Văn Nội - Phú Lương cho biết, người dân có phiếu đi chợ, mua đủ lượng thức ăn, thực phẩm. Hàng lấy về khó khăn, chi phí tăng nhưng không dám tăng giá bán lẻ.

Trong khi đó, tại một số gian hàng không người bán, dù được tuyên truyền mạnh mẽ đến người dân nhưng rất vắng khách. Nguyên nhân là bởi hàng hóa tại đây không phong phú về chủng loại, giá cả lại khá cao. Như hàng được bán đồng giá 10.000 đồng/2 củ cà rốt, 10.000 đồng/2 quả su su đóng khay… đắt hơn nhiều so với giá bán tại các chợ. Do đó, chỉ những tình huống bất khả kháng người dân mới chọn mua đồ tại đây. Ghi nhận tại các siêu thị: Co.op Mart Hà Đông, Vinmart Nguyễn Chí Thanh cho thấy, hàng hóa dồi dào, rau, củ tươi ngon, siêu thị tương đối vắng khách. Nguyên tắc 5K được các siêu thị thực hiện khá tốt.

Các siêu thị đã đặt hàng tăng gấp 2-3 lần

Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung khẳng định, hệ thống siêu thị Co.opmart trên địa bàn Hà Nội đã dự trữ lượng hàng hóa gấp 3 lần so với bình thường. Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc BRG Retail (thuộc Tập đoàn BRG) cho biết, những ngày qua, hệ thống siêu thị BRG Market, Hapro Mart lượng khách đến mua hàng ổn định, không tăng đột biến. Trước thời điểm ngày 6/9, hệ thống siêu thị đã tích trữ tại các điểm bán, siêu thị lên gấp 3 lần và tập kết hàng tiêu dùng thiết yếu ở tổng kho tại Hà Nội tăng 5 lần. Đối với mặt hàng tươi sống như rau, củ, thịt, cá... các siêu thị đã đặt hàng tăng gấp 2 lần.

Tương tự, hệ thống siêu thị BigC tăng 30-50% lượng thực phẩm khô dự trữ so với thông thường, đặc biệt có thể lên 100% với một số mặt hàng có nhu cầu cao, hàng tươi sống. BigC đã làm việc cùng các nhà cung cấp về kế hoạch giao hàng hằng ngày với lượng tăng 200-300% so với thông thường.

Ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc cho hay, nhân viên của hệ thống sẽ hoạt động theo phân vùng 1 - 2 - 3, bao gồm cả làm việc và vận chuyển các đơn hàng online đến người dân. Tại các vùng cách ly y tế, VinMart/VinMart+ đã chuẩn bị các phương án để cán bộ nhân viên thực hiện 3 tại chỗ tại siêu thị/cửa hàng đảm bảo cung cấp hàng hóa xuyên suốt và kịp thời đến người tiêu dùng. Đáng chú ý, về giấy đi đường theo quy định mới, hệ thống đã nhanh chóng gửi danh sách nhân viên cần được cấp giấy đi đường lên Sở Công Thương TP Hà Nội để được cấp giấy theo quy định, nhằm đảm bảo việc bán hàng tại hệ thống cửa hàng và giao hàng online không bị gián đoạn.

Hiện nay, Hà Nội chia ra 3 phân vùng "đỏ, cam, xanh". Sở Công Thương TP Hà Nội đã cho triển khai khá nhanh trên Cổng thông tin của Sở những biểu mẫu, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp vẫn vướng nhất là vấn đề cấp giấy đi đường mới do Công an phụ trách. Ngoài ra, shipper giao hàng cũng cần cấp giấy đi đường mới, điều kiện đi kèm là phải xét nghiệm âm tính vài ngày 1 lần. Các chi phí này làm đội thêm chi phí cho doanh nghiệp, gây khó khăn nhất định. Trong bối cảnh hiện tại, hầu hết các đơn vị bán lẻ đều đề xuất cần linh hoạt áp dụng quy định, linh động vài ngày để các doanh nghiệp đủ thời gian chuyển đổi sang giấy đi đường mới.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương sẽ chỉ đạo điều tiết hàng hóa giữa các hệ thống, giữa các vùng 1, 2, 3 và tăng cường bổ sung hàng hóa về các kho hàng và điểm bán liên tục 24/24 giờ. Các quận, huyện, thị xã, các lực lượng chức năng cho phép xe vận chuyển hàng hóa được lưu thông bình thường qua các chốt kiểm soát và các phân vùng, bảo đảm không đứt gãy nguồn cung. Các sở chuyên ngành rà soát danh sách các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu gửi Công an thành phố cấp mã nhận diện (đối với xe ôtô) và cấp giấy đi đường cho phương tiện xe máy.

Về phía các hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội, từ nay đến hết ngày 21/9, doanh nghiệp bán lẻ sẽ phối hợp với các quận, huyện như: Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông… tổ chức những điểm bán hàng lưu động, bởi những địa phương này có ít hệ thống phân phối, hoặc chợ truyền thống bị đóng cửa do có ca F0.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/hang-hoa-doi-dao-gia-ca-chua-bien-dong-i627215/