Hàng hóa sạch, giá bình ổn
Những ngày qua, thông tin về việc ngành công thương phối hợp với một số quận, huyện, khu chế xuất, khu công nghiệp… triển khai bán hàng lưu động bình ổn thị trường quy mô lớn - lần đầu tiên tại TPHCM - đến các khu công nghiệp, khu chế xuất đã làm ấm lòng người lao động trong bối cảnh giá cả 'té nước' theo lương tăng.
Theo đó, hàng hóa được các đơn vị như MM Mega Market, Saigon Co.op, P&G, Bình Tây, Saigon Food, Cholimex… đưa đến tận tay người tiêu dùng thông qua 15 đợt bán hàng trải rộng khắp TPHCM, mỗi đợt kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ ngày 6-8 đến 15-9. Đặc biệt, giá bán lưu động khá mềm, có những mặt hàng giảm sâu 80%-90%. Đi theo những phiên bán hàng này, chúng tôi nhận thấy số lượng khách mua hàng, nhất là công nhân lao động tập trung tại các khu công nghiệp, khu chế xuất khá đông.
Hàng hóa liên tục được “châm” thêm, tránh xảy ra tình trạng “đứt hàng”… Việc thu hút được người lao động mua hàng như vậy là do giá cả phù hợp với thu nhập, hàng hóa thiết yếu, đảm bảo chất lượng.
22 năm trước, TPHCM là địa phương đầu tiên triển khai chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, góp phần ổn định thị trường, và ngay sau đó lan tỏa khắp các tỉnh thành trên cả nước. Nhờ chủ động chuẩn bị hàng hóa nên thị trường với hơn 10 triệu người tiêu dùng TPHCM không có sự biến động lớn về giá cả, nhất là vào cao điểm lễ, tết… Giá bán ưu đãi, luôn thấp hơn ít nhất là 5% so với hàng hóa cùng quy cách, chủng loại, chất lượng có mặt trên thị trường. Số liệu từ Sở Công thương TPHCM cho thấy, chương trình bình ổn thị trường đã cung ứng lượng trứng gia cầm đến 79% thị phần, thịt gia cầm chiếm 33,8%, dầu ăn chiếm 28,2%, đường chiếm 21,3%, thịt gia súc chiếm 18,6%... Tổng doanh thu của chương trình sau dịch Covid-19 ước đạt hơn 22.000 tỷ đồng mỗi năm. Điều này đã nói lên sự đóng góp to lớn, trực tiếp của các doanh nghiệp vào công tác bình ổn giá, chăm lo bữa ăn, đời sống của người lao động…
Song song với thực hiện bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu, TPHCM còn có những giải pháp cụ thể nhằm phát triển chuỗi cung ứng bền vững, từ khâu nguyên liệu, sản xuất đến vận chuyển, phân phối… Đến thời điểm này, địa bàn TPHCM có gần 11.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường. Điều đáng mừng là lượng hàng bình ổn giá chiếm 21%-32% thị phần trong những tháng bình thường, chiếm 24%-41% nhu cầu thị trường trong tháng cao điểm tết và đủ sức chi phối, điều tiết thị trường.
Nhiều ý kiến đề xuất cần kéo dài thời gian bán hàng lưu động - bình ổn giá từ 2 ngày lên 3-4 ngày; đồng thời tổ chức bán quanh năm tập trung tại 17 khu công nghiệp, 2 khu chế xuất để đảm bảo người lao động được mua hàng giá rẻ bất cứ lúc nào. Điều này sẽ củng cố tâm lý an tâm lao động, ổn định cuộc sống và gắn bó lâu dài với TPHCM. Mặt khác, về phía các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường cũng mong muốn TPHCM đẩy mạnh thêm những chương trình “hà hơi tiếp sức”, ưu đãi lãi suất thấp, ổn định xuyên suốt để họ yên tâm sản xuất, đồng hành với thành phố ổn định giá hàng hóa, góp phần chăm lo cuộc sống người lao động.
Thực tế cho thấy bình ổn giá hàng hóa là hướng đi bền vững để khách hàng, nhất là đối tượng yếu thế được tiếp cận sản phẩm giá tốt. Trong đó, không thể thiếu các chương trình liên kết chuỗi, phát triển mạng lưới “sạch” từ khâu sản xuất đến phân phối…, hướng đến mục tiêu mọi người đều được tiêu thụ hàng hóa “sạch”, giá bình ổn.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hang-hoa-sach-gia-binh-on-post754980.html