Hàng hóa thị trường phía Nam chỉ khan hiếm cục bộ vào một số thời điểm
Tính đến 11h trưa 9/7, tình hình cung ứng hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại cải thiện so với những ngày trước, nhưng vẫn còn tình trạng khan hiếm cục bộ tại một số thời điểm.
Theo báo cáo nhanh của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) về kiểm tra giá cả và cung ứng hàng hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh và các thị trường phía Nam, tính đến 11h trưa 9/7 tình hình cung ứng hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích cải thiện so với ngày hôm qua (8/7) và những ngày trước, nhưng vẫn còn tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ một số nơi tại một số thời điểm.
Ở những nơi này, hàng hóa được cung ứng tăng nhiều so với những ngày trước, lượng người mua cũng giảm so với chiều ngày 7 và ngày 8/7.
Tại hệ thống siêu thị Bách hóa xanh, mỗi ngày có nhiều đợt hàng thực phẩm như rau, củ, quả, trứng được bổ sung nhưng chỉ sau chưa đầy 1 giờ các loại hàng này đã hết.
Đến chiều tối ngày 8/7, toàn hệ thống còn rất ít một số loại rau, củ, quả, thịt đông lạnh.
Cùng với đó, tại hệ thống siêu thị Coopmart cũng xảy ra tình trạng thiếu hàng như: hệ thống Bách Hóa Xanh nhưng quy mô cung ứng hàng thực phẩm lớn hơn rất nhiều, đến tối vẫn còn bổ sung thêm hàng hóa.
Các siêu thị AEON lượng thực phẩm tươi sống cung ứng tương đối đầy đủ, lượng người mua đông. Tuy nhiên, do tuân thủ quy tắc 5K nên hạn chế lượng người vào siêu thị cùng lúc nên còn đông người phải chờ để vào siêu thị.
Tại các hệ thống siêu thị khác như Lotte, MM Mega Market hàng thực phẩm tươi sống cung ứng còn hạn chế, mặt hàng rau, củ, quả, trứng, thịt, cá nhiều thời gian đứt hàng.
Tổng cục Quản lý thị trường thông tin thêm trong chiều ngày 8/7, nhiều người dân đến siêu thị, cửa hàng tiện ích không có hàng thực phẩm tươi sống nên bỏ về.
Ngoài ra, một số ít chợ truyền thống còn hoạt động nhưng có sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng để tuân thủ nguyên tắc chống dịch 5K, số quầy sạp cung ứng hàng thực phẩm hoạt động ít hơn nhiều so với ngày thường trước đây, nên việc cung ứng cũng hạn chế.
Nhu cầu các mặt hàng thực phẩm chế biến khác như: gạo, mỳ ăn liền, bún, miến nước mắm, nước chấm, nước tương, dầu ăn,… tăng so với trước đây nhưng vẫn đủ nguồn hàng.
Cũng theo Tổng cục Quản lý thị trường, tối 8/7, thông tin thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg tại Đồng Nai khiến nhiều người dân tích trữ gạo, mỳ gói, nước mắm, nước chấm, nước tương, rau, củ, quả, dầu ăn. Điều này khiến một số cở sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu thiếu hụt cục bộ nguồn cung cấp và giá cả nhiều mặt hàng có tăng giá so với ngày thường.
Đến trưa 9/7, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ duy trì đầy đủ hàng thực phẩm tươi sống.
Tại siêu thị BigC và một vài siêu thị khác do lượng người mua mỳ ăn liền tăng cao, tránh đứt nguồn cung ứng các siêu thị bán cho mỗi người/lần không quá 2 thùng mỳ ăn liền, chờ bổ sung nguồn hàng.
Bên cạnh đó, các chợ truyền thống, rau, củ, quả, trứng thịt cung ứng đầy đủ, giá bình quân tăng 10-20% so với ngày thường.
Hơn nữa, các mặt hàng phục vụ cho phòng chống dịch COVID-19 như: khẩu trang y tế, nước rửa tay sức mua có tăng nhẹ so với bình thường, nguồn cung dồi dào, giá cả không thay đổi.
Đặc biệt, nhiều mặt hàng như gạo, đường, muối, bột ngọt, sữa dành cho trẻ em…: nhu cầu có tăng so với ngày thường nhưng nguồn cung dồi dào đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm, giá cả không thay đổi.
Cùng thời điểm tại tỉnh Bình Dương, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ.
Tại các chợ truyền thống, giá cả hàng hóa các mặt hàng rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống có sự tăng giá từ 50-100% từng loại, mặt hàng so với ngày thường.
Một số chợ bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, một số chợ tự phát, các cơ sở bán lẻ đóng cửa tạm thời, nên người dân có tâm lý mua nhiều thực phẩm tích trữ dẫn đến giá cả tăng.
Tổng cục Quản lý thị trường cho biết thêm liên quan đến việc vận chuyển, cung ứng rau, củ, quả từ Lâm Đồng; lợn hơi, gia cầm từ Đông Nai, Tiền Giang về Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai còn khó khăn, người vận chuyển phải có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 mới được vào tỉnh Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, trong khi việc xét nghiệp và chờ kết quả xét nghiệm mất nhiều chi phí và thời gian.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, do 3 chợ đầu mối ngừng hoạt động, các thương nhân tìm địa điểm để giao dịch, giao nhận hàng hóa khó khăn, chuỗi cung ứng nông sản cho thành phố bị xáo trộn.
Mặt khác, sau khi các chợ tự phát và nhiều chợ truyền thống bị dừng hoạt động, người dân tập trung mua hàng thực phẩm tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích quá đông nên không đáp ứng được nhu cầu.
Để kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn từ việc tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 9/7, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Công thương yêu cầu các hệ thống phân phối (SaiGon Co.op, Satra, MM.Mega Market, Bách hóa xanh, VinMart, Family Mart…) tăng lượng cung ứng thực phẩm chế biến sẵn, đầy đủ số lượng, đa đạng chủng loại, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; đồng thời phối hợp với hệ thống giao hàng online cùng các hình thức phân phối trực tiếp đến tay người dân khi có yêu cầu.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng giao Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo Ủy ban Nhân dân phường, xã, thị trấn chủ động nắm bắt khó khăn của người dân trên địa bàn, nhất là các hộ gia đình không thể tự nấu ăn trong thời gian giãn cách xã hội để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Người dân có thể mua nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm thiết yếu bằng các hình thức phù hợp như nhờ sự hỗ trợ từ lực lượng tình nguyện viên của Hội Phụ nữ và Đoàn thanh niên; trực tiếp đặt hàng qua điện thoại để nhờ các tình nguyện viên giúp đỡ.
Người già, người neo đơn, người bệnh... được cung cấp thức ăn miễn phí./.