Hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường lớn phải chuẩn hóa với quy định mới
Tại Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023 diễn ra ngày 31/1 do Bộ Công Thương tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thông tin một số chính sách thương mại mới, những thay đổi quan trọng trong các quy định về xuất nhập khẩu sang các thị trường lớn...
Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada thông tin: Ngày 16/1/2023, Tòa thương mại quốc tế Canada (CITT) đã khởi sự đánh giá hết hạn về kết luận điều tra vụ việc chống phá giá và trợ cấp đối với sản phẩm khớp nối bằng đồng của Việt Nam xuất khẩu sang Canada.
Ngay sau khi CITT đánh giá hết hạn, ngày 17/1/2023, Cơ quan dịch vụ biên giới Canada (CBSA) đã quyết định tiến hành điều tra lại để xác định có tiếp tục áp thuế chống phá giá/trợ cấp lên sản phẩm khớp nối bằng đồng của Việt Nam.
Dự kiến CBSA sẽ có kết luận điều tra chậm nhất vào ngày 30/6/2023 và chuyển hồ sơ lên tòa án để có phán quyết cuối cùng vào ngày 22/11/2023. Doanh nghiệp trong nước có liên quan cần theo dõi sát sao để có động thái phù hợp.
Về thị trường Bỉ và EU, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại tại Bỉ và EU cho hay: Ngày 27/1/2023, Ủy ban châu Âu đã đăng công báo Quy định số (EU) 2023/174, ban hành ngày 26/1/2023, sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.
Một số mặt hàng rau gia vị của Việt Nam trước bị kiểm soát ở mức 50%. Nhưng đến nay theo thông báo như: Mùi, húng quế, bạc hà, mùi tây đã được đưa ra khỏi danh mục kiểm soát. Hiện tại chỉ còn ớt nằm trong danh mục kiếm soát tại cửa khẩu của EU với tần suất kiểm chất lượng là 50%.
Riêng sản phẩm đậu bắp đã bị chuyển từ phụ lục I sang phụ lục II với yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc trừ sâu của Việt Nam và tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu EU là 50%.
Thanh long và mỳ tôm vẫn nằm trong phụ lục II với yêu cầu chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam và tần suất kiểm tra tại cửa khẩu EU là 20%. Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ ngày đăng công báo.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh đến việc thực hiện phương châm sản xuất hàng hóa xuất khẩu năm 2023, phải nắm bắt tín hiệu thị trường. Tất cả những sản phẩm làm ra đều phải có địa chỉ, phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, tiêu chí và điều kiện của một thị trường nào đó, không phải sản xuất ra theo tập quán, thói quen và hô hào cả hệ thống vào cuộc để giải cứu. Kinh tế thị trường là ngay từ khi bắt tay vào sản xuất đã phải trả lời được câu hỏi bán cho ai, thậm chí với giá bao nhiêu một cách rõ ràng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Năm 2022 là năm đặc biệt khó khăn đối với kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam bởi tính dị biệt của thị trường và khó lường của chính trị. Sang năm 2023 sẽ còn thách thức gấp bội, bởi lẽ cạnh tranh chiến lược, xung đột chính trị và xung đột vũ trang ngày càng gay gắt, thị trường tiếp tục có những dị biệt…