Hàng hóa xuất khẩu sẽ được đối xử bình đẳng trong các vụ kiện phòng vệ thương mại
Việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp hàng hóa trong nước được đối xử bình đẳng trong các vụ kiện phòng vệ thương mại do Hoa Kỳ điều tra.
Ngày 8/5/2024, theo giờ địa phương, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã nghe tranh luận trực tuyến tại Washington D.C về việc có nên công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường hay không. Phiên điều trần nằm trong khuôn khổ quá trình đánh giá, với quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào tháng 7/2024.
Theo nhận định của các chuyên gia, nếu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ làm giảm thuế nhập khẩu áp lên nhiều sản phẩm của nước ta vào thị trường này. Cùng với đó, Việt Nam sẽ có lợi thế trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, trợ cấp.
Chia sẻ riêng với Báo Công Thương về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ là thành viên WTO kiện phòng vệ thương mại lớn nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tính từ đầu năm 2023 đến tháng 5/2024 Hoa Kỳ đã điều tra 64 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm khoảng gần 25% tổng số vụ việc nước ngoài điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trưởng cơ quan Thương vụ tại nước này cho biết, đa số các vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Hoa Kỳ là điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, tức là giá xuất khẩu sang thị trường Mỹ thấp hơn giá bán tại Việt Nam.
“Thông thường, đối với các nước Hoa Kỳ công nhận là kinh tế thị trường, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ sử dụng các giá trị về chi phí của nước đó để tính giá bán tại thị trường nước xuất khẩu rồi so sánh với giá xuất khẩu của sản phẩm bị cáo buộc bán phá giá” - ông Đỗ Ngọc Hưng thông tin và phân tích, với các nền kinh tế Mỹ coi là phi thị trường, các giá trị này sẽ được DOC tham chiếu từ nước thứ 3 mà Hoa Kỳ coi là kinh tế thị trường với điều kiện mức độ phát triển kinh tế tương đồng. Điều này, thường sẽ dẫn đến mức chênh lệnh lớn giữa sử dụng giá trị trực tiếp tại nước xuất khẩu và giá trị tham chiếu từ nước thứ ba khiến thuế bán phá giá bị đẩy lên rất cao gây bất lợi cho hàng hóa của nước bị điều tra.
Từ năm 2002, khi Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá cá tra của Việt Nam, DOC đã kết luận nền kinh tế của Việt Nam là kinh tế phi thị thường. Tuy nhiên, sau khi ra nhập WTO, Việt Nam đã tiến hành cải cách chính sách, mở cửa thị trường, tôn trọng các quy luật thị trường trong nền kinh tế. Đến nay đã gần 20 năm kể từ khi Hoa Kỳ ban hành kết luận về kinh tế thị trường của Việt Nam, nền kinh tế của Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, được cộng đồng quốc tế công nhận, trong đó đã có hơn 70 nước/vùng lãnh thổ công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam.
Từ thực tế trên, ông Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, việc Việt Nam, với nền kinh tế phát triển hơn hẳn một số đối tác mà Hoa Kỳ coi là kinh tế thị trường, nếu duy trì tình trạng hiện nay là sự thiếu công bằng, gây mất lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu khi vướng vào các vụ kiện cũng như chưa phù hợp với mức độ quan hệ giữa hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam hiện nay.
Theo quy định pháp luật của Hoa Kỳ, việc rà soát, thay đổi cách xác định về kinh tế thị trường chỉ có thể do DOC thực hiện thông qua một vụ việc phòng vệ thương mại nhất định. Trên cơ sở đó, tháng 9/2023, Bộ Công Thương đã thay mặt Chính phủ, gửi đề nghị chính thức tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ để rà soát vấn đề này.
Trong quá trình tiến hành rà soát, vấn đề kinh tế thị trường luôn thu hút được nhiều sự quan tâm của các bên liên quan trong và ngoài Hoa Kỳ. Trong đó, số lượng ý kiến ủng hộ của doanh nghiệp/hiệp hội Hoa Kỳ là đại đa số so với quan điểm phản đối.
Điều đáng chú ý, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam - đối tượng liên quan trực tiếp đang hoạt động tại Việt Nam và là nhân chứng phù hợp nhất để nói lên tiếng nói về môi trường đầu tư, kinh doanh, chính sách quản lý tại Việt Nam đã có ý kiến ủng hộ và cho rằng Việt Nam phù hợp là nền kinh tế thị trường theo quy định của Hoa Kỳ.
Ông Đỗ Ngọc Hưng - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ nhấn mạnh, việc công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ có lợi cho cả hai bên. Như đã phân tích ở trên, hàng hóa của Việt Nam sẽ được đối xử bình đẳng trong các vụ kiện phòng vệ thương mại do Hoa Kỳ khởi xướng điều tra.
Ngược lại, về phía Hoa Kỳ, các doanh nghiệp FDI của nước này tại Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi khi được đối xử công bằng khi xuất khẩu về Hoa Kỳ. Thêm vào đó, việc được đối xử bình đẳng sẽ làm tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, từ đó người dân Hoa Kỳ có thêm nhiều lựa chọn tốt hơn, phù hợp hơn, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta như điện thoại di động, máy tính và sản phẩm điện tử, may mặc, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ... thì thị trường này có tiềm năng xuất khẩu số một.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm, Hoa Kỳ tiếp tục giữ vị trí này, với kim ngạch trên 34 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Về nhập khẩu, Hoa Kỳ cũng nằm trong nhóm thị trường hàng đầu, với 4,5 tỷ USD tính tới hết tháng 4/2024.