Hàng hóa xuất nhập khẩu: Chưa hết khó khăn
Dù phía Trung Quốc đã chính thức thông quan trở lại từ 20/2 đến nay, song theo nhận định của cơ quan chức năng, lượng hàng hóa được thông quan vẫn rất chậm. Không chỉ đường bộ, tình hình thông quan hàng hóa qua đường thủy, đường sắt cũng rất ỳ ạch do ảnh hưởng của dịch từ chủng mới virus corona gây ra.
Thông tin từ Sở Công thương các tỉnh biên giới phía Bắc cho biết, từ ngày 23/2 đến thời điểm trưa ngày 24/2/2020, tổng lượng hàng hóa các loại xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc là 390 xe, tổng lượng nhập khẩu là 374 xe và 18 toa tầu. Những con số nói trên cho thấy, số xe được thông quan trong những ngày qua vẫn rất chậm. Trong khi đó, tổng lượng hàng hóa còn đang tồn tại khu vực cửa khẩu biên giới lên tới gần 700 xe và 11 toa tầu. Trong đó, tại Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Giang và đặc biệt tại Lạng Sơn, lượng xe chờ làm thủ tục thông quan xuất khẩu ngày càng tăng nhanh.
Chỉ riêng tại Lạng Sơn, đến nay, tổng lượng hàng hóa đang tồn tại các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh là 495 xe và 11 toa tầu, trong đó tại Hữu Nghị là 368 xe, Tân Thanh là 113 xe, Cốc Nam là 11 xe, Ga Đồng Đăng là 11 toa tầu và Chi Ma là 3 xe. Đặc biệt, tiến độ thông quan xuất khẩu hàng hóa nông sản (chủ yếu là thanh long, dưa hấu) qua cửa khẩu Tân Thanh từ khi mở cửa trở lại đến nay vẫn còn rất chậm, chưa cải thiện được nhiều và ngày càng sụt giảm. Ngày 20/2 xuất khẩu được 26 xe, cao điểm ngày 21/2 cũng chỉ xuất được 28 xe và giảm dần, đến ngày 24/2 chỉ xuất khẩu được 10 xe.
Đường bộ gặp trắc trở trong thông quan vì dịch bệnh viêm phổi cấp do virus SARS-Cov2 gây ra, tình hình lưu thông hàng hóa trên các tuyến đường sắt, đường thủy cũng không được khả quan. Theo báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, chỉ trong vòng khoảng 20 ngày, kể từ khi dịch bệnh hoành hành, vận tải hàng hóa bị ảnh hưởng rõ rệt. Trong giai đoạn này, chỉ có những mặt hàng chính ngạch bằng đường sắt mới được xuất – nhập qua cửa khẩu như phân bón, apatit, song cũng chỉ được chạy tàu hạn chế, giảm rất nhiều so với trước khi có dịch. Lượng hàng chờ xếp ở khu vực miền Trung vẫn còn hàng chục ngàn tấn.
Đối với đường thủy, tình hình thông quan hàng hóa cũng đang gặp nhiều khó khăn. Theo chia sẻ của một DN ngành logistics, so với thời điểm trước đây, lượng hàng hóa vận chuyển qua đường biển giảm tương đối nhiều. Nhiều hãng tàu đã chủ động cắt các chuyến tàu có lịch trình vào Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, việc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về cũng giảm mạnh và việc làm thủ tục thông quan cũng rất mất thời gian do phải thực thi các công tác kiểm dịch rồi mới được cập cảng. Do đó, sản lượng hàng hóa thông quan cũng sụt giảm rất mạnh.
Đáng chú ý, theo vị chủ DN logistics này, trước đây, lượng hàng hóa xuất khẩu sang Hàn Quốc rất nhiều, nhưng kể từ khi dịch bùng phát tại quốc gia này, số DN xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này giảm mạnh. Các hãng tàu cũng cân nhắc và điều chỉnh lịch trình sang thị trường này. Ở khía cạnh khác, nhiều DN cũng đang cân nhắc trong việc vận chuyển hàng hóa qua đường biển vì gánh nặng chi phí…
Trước những diễn biến không thuận lợi đối với việc thông quan, vận chuyển hàng hóa ở tất cả các tuyến đường bộ, đường sắt và đường biển, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh mới đây đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải về việc hỗ trợ DN và nông dân tháo gỡ khó khăn, giải tỏa ách tắc trong hoạt động thương mại trước tình hình dịch bệnh.
Theo đó, Thứ trưởng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các công tác đảm bảo chống dịch ở các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển theo hướng tạo thuận lợi cho DN (theo tinh thần của công văn số 808/VPCP-KTTH ngày 05/02 / 2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Bên cạnh đó, phối hợp với các tỉnh biên giới phía Bắc bố trí lực lượng đơn vị chức năng phân luồng, phân tuyến tại đường bộ nhằm tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản lưu thông, điều tiết tiến độ vận chuyển, giao hàng tại khu vực biên giới.
Thứ trưởng Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như: giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay... làm việc với các hãng vận tải, hãng tàu nhằm giảm giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giảm phí dịch vụ tại cảng để giảm chi phí lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ DN sản xuất và DN logistics.