Hàng không châu Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi thương chiến Mỹ-Trung

Doanh thu hàng hóa hàng không giảm rõ nhất ở các hãng hàng không đến từ nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Singapore và Thái Lan.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và việc nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đã tác động không nhỏ đến hoạt động của các hãng hàng không châu Á. Điều này khiến nhiều hãng hàng không phải cân nhắc lại chiến lược tăng trưởng.

Không giống hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, hoạt động vận chuyển bằng đường hàng không được sử dụng chủ yếu cho hàng nhỏ và có giá trị cao như đồ điện tử hay thực phẩm tươi sống với đặc tính tốc độ quan trọng hơn khối lượng.

Hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không chiếm từ 10% đến 30% trong tổng doanh thu của các hãng hàng không lớn tại châu Á, bổ sung thêm nguồn doanh thu cho hoạt động vận chuyển hành khách.

 Doanh thu hàng hóa của ANA đã giảm 17% trong quý 2/2019. (Ảnh: Akira Kodaka)

Doanh thu hàng hóa của ANA đã giảm 17% trong quý 2/2019. (Ảnh: Akira Kodaka)

Doanh thu hàng hóa hàng không giảm rõ nhất ở các hãng hàng không đến từ nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Singapore hay Thái Lan. Số liệu xuất khẩu chính thức có tính đến hoạt động vận chuyển hàng hóa liên biên giới.

Singapore Airlines công bố doanh thu từ vận chuyển hàng hóa giảm 8,4% trong quý 2/2019. Nguyên nhân chính là do nhu cầu yếu trong bối cảnh bất ổn thương mại gia tăng. Singapore sản xuất hàng bán dẫn và nhiều loại sản phẩm điện tử cao cấp khác để bán sang nhiều nước đối tác thương mại lớn như Trung Quốc và Mỹ.

Trong tháng 7/2019, doanh thu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tại sân bay Changi giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi doanh thu từ vận chuyển hành khách trong tăng 3,3%.

Hãng hàng không Thai Airways International chứng kiến một tác động lớn hơn trong quý 2/2019, với doanh thu hàng hóa giảm 18,8%. Đây là hậu quả trực tiếp từ việc kinh tế toàn cầu chững lại cũng như chiến tranh thương mại.

Hãng hàng không Nhật ANA Holdings cũng không tránh khỏi tác động. Cuối tháng 8/2019, ANA đã phải điều chỉnh lịch bay trong phần còn lại của năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2020. Hãng hàng không này sẽ giảm số lượng các chuyến bay vận chuyển hàng hóa từ 7 chuyến xuống 6 chuyến/tuần từ cuối tháng 12/2019. Doanh thu vận chuyển hàng hóa của ANA giảm 17% trong quý 2/2019 do nhu cầu từ Trung Quốc yếu đi. Công ty đã buộc phải hạ cả giá vận chuyển.

Nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không thế giới vẫn cao, thế nhưng châu Á chịu tác động nặng nề. Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, nhu cầu vận chuyển hàng không tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương giảm liên tục 9 tháng tính đến hết tháng 7/2019, mức giảm trong tháng 7 là 4,9%, cao hơn nhiều so với mức giảm chung 3,2% của toàn thế giới.

Alexandre de Juniac, Tổng giám đốc và Giám đốc điều hành của IATA cho biết: "Căng thẳng thương mại đang đè nặng lên ngành hàng không. Thuế quan cao hơn phá vỡ không chỉ chuỗi cung ứng xuyên Thái Bình Dương mà hầu hết các tuyến thương mại trên toàn thế giới."

Một số hãng hàng không phải khám phá thị trường mới để tăng nhu cầu. Đối mặt với doanh thu hàng hóa giảm trong năm nay, Korean Air Lines đã mở rộng các lô hàng đến các thị trường mới nổi trong những tháng qua. Hãng này đã ra mắt các chuyến bay mới hoặc tăng tần suất cho các tuyến Đông Nam Á như Hà Nội - Manila. Lý do là bởi các nhà sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang các nước như Việt Nam và Philippines.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/hang-khong-chau-a-bi-anh-huong-nang-ne-boi-thuong-chien-my-trung-d498000.html