Hàng không châu Âu có nguy cơ 'vỡ trận' bởi làn sóng đình công

Hàng trăm chuyến bay từ các sân bay châu Âu khác nhau đã bị hủy hoặc bị hoãn vào thứ Bảy (2/7) trong bối cảnh ngành công nghiệp hàng không phải vật lộn với các cuộc đình công.

Các hoạt động đình công của các tiếp viên tại 2 hãng hàng không giá rẻ EasyJet và Ryanair cũng như của các nhân viên sân bay tại sân bay bận rộn thứ hai châu Âu - Roissy-Charles de Gaulle ở Paris - đang khiến các hãng hàng không đau đầu, dù kỳ nghỉ hè đầu tiên sau 2 năm hạn chế bởi đại dịch COVID mới chỉ bắt đầu.

Tình trạng các chuyến bay bị hủy hoặc hoãn đang diễn ra rất thường xuyên ở các sân bay tại châu Âu. Ảnh: DPA

Các nhân viên của sân bay Paris-Charles de Gaulle tại Pháp tổ chức đình công và biểu tình. Ảnh: Reuters.

Nhiều sân bay tại châu Âu đang rơi vào tình trạng tắc nghẽn bởi việc hủy chuyến và thiếu nhân viên làm việc, cũng như nhu cầu người dân đi du lịch đang rất cao. Ảnh: AP

Đã có tới 1/5 số chuyến bay từ sân bay chính Paris đã bị hủy vào sáng thứ Bảy, trong khi cuộc đình công của EasyJet và Ryanair dẫn đến việc hủy 15 chuyến bay đến và đi từ Tây Ban Nha, cùng với 175 chuyến khác bị hoãn.

Tiếp viên của Ryanair cũng thông báo ngừng việc 12 ngày nữa. Các nhân viên sân bay Paris cho biết họ sẽ tiến hành đình công trở lại vào ngày 8 đến ngày 10 tháng 7. Các tiếp viên của các hàng không này đang yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc và được trả lương ngang hàng với các hãng hàng không châu Âu khác.

Các nhân viên của Ryanair đã đình công kể từ ngày 24 tháng 6, với mục đích yêu cầu công ty đàm phán, trong khi các tiếp viên EasyJet tham gia cuộc đình công hôm thứ Sáu vừa rồi.

"Sau 6 ngày đình công và do công ty không muốn lắng nghe nhân viên của mình và sẵn sàng để hành khách rời khỏi sân bay thay vì ngồi xuống đàm phán một thỏa thuận theo luật pháp Tây Ban Nha, chúng tôi buộc phải kêu gọi một đình công mới", Lidia Arasanz từ tổ chức công đoàn của Ryanair nói với hãng tin AFP.

Arasanz nói rằng cuộc đình công gần đây đã khiến tổng cộng "hơn 200 chuyến bay bị hủy và gần 1.000 chuyến bay bị hoãn", nói thêm rằng cuộc đình công mới có thể gây ra nhiều gián đoạn hơn nữa.

Công nhân sân bay tại Roissy-Charles de Gaulle cũng đang đấu tranh đòi tăng lương để cân bằng chi phí gia tăng do lạm phát. Họ đã được đề nghị tăng lương 4% với điều kiện phải kết thúc cuộc đình công vào thứ Sáu, nhưng điều này đã bị từ chối.

"Đa số người lao động cho rằng lời đề nghị này không đủ tốt. Họ không tin tưởng vào ban quản lý và họ không chấp nhận việc tống tiền đó…”, Daniel Bertone, người đại diện cho công đoàn CGT, được Reuters dẫn lời cho biết.

Ngành công nghiệp này đã cắt giảm hàng nghìn việc làm trong thời kỳ đại dịch khi mọi người không thể hoặc không muốn đi máy bay, nhưng họ lại không thể bổ sung các vị trí mới khi nhu cầu tăng vọt sau khi các hạn chế COVID được dỡ bỏ.

Các sân bay ở Anh và Hà Lan cũng đã phải vật lộn để đối phó với sự gia tăng lưu lượng du khách trong bối cảnh thiếu hụt nhân viên, từ đội ngũ làm việc trên mặt đất cho đến các phi đội bay.

Các phi công của hãng hàng không Scandinavian SAS cũng đã từng lên kế hoạch đình công, nhưng sau đó dừng lại sau khi các cuộc đàm phán với ban quản lý công ty cho thấy một số tiến triển. Nếu 900 phi công tiếp tục cuộc đình công của họ, sẽ có thêm hàng trăm chuyến bay mỗi ngày bị hủy trên khắp châu Âu.

Hoàng Hải (theo AFP, DPA, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hang-khong-chau-au-co-nguy-co-vo-tran-boi-lan-song-dinh-cong-post202286.html