Hàng không giá rẻ Hàn Quốc đối mặt nguy cơ giảm uy tín sau tai nạn của Jeju Air

Lo ngại gia tăng trong ngành hàng không giá rẻ rằng hình ảnh của các hãng hàng không kiểu này ở Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng sau vụ tai nạn của hãng Jeju Air.

Lo ngại của ngành hàng không giá rẻ

Hiện trường vụ tai nạn máy bay tại Muan, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc, ngày 29/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Hiện trường vụ tai nạn máy bay tại Muan, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc, ngày 29/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng thông tấn Yonhap ngày 31/12, các bên trong ngành này e ngại rằng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không có thể giảm.

Một quan chức ngành hàng không giá rẻ cho biết: “Không khí u ám bao trùm toàn bộ ngành, dù đây chỉ là sự cố của một hãng hàng không”.

Quan chức này nói thêm: “Có lo ngại rằng nhu cầu đi lại có thể bị ảnh hưởng. Chúng tôi đang thận trọng theo dõi tình hình”.

Một quan chức khác trong ngành nói rằng công ty ông đã họp khẩn cấp vào ngày xảy ra tai nạn để thảo luận về những tác động tiềm tàng. Ông nói: “Có vẻ như không thể tránh khỏi việc sự cố này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của chúng tôi”.

Một yếu tố chính làm gia tăng tâm lý lo lắng là mẫu máy bay Boeing B737-800, chiếc máy bay gặp nạn trong vụ việc của Jeju Air, được các hãng hàng không giá rẻ Hàn Quốc sử dụng rộng rãi.

Jeju Air đang vận hành 39 chiếc, trong khi T'way Air, Jin Air và Easter Jet lần lượt có 27, 19 và 10 chiếc.

Theo một người trong ngành, khó nói rằng sự cố của Jeju Air hoàn toàn do mẫu máy bay Boeing B737-800, nhưng có lo ngại rằng định kiến đối với các hãng giá rẻ và mẫu máy bay này có thể gia tăng.

Một số chuyên gia nhận định sự cố này có thể là cơ hội để nâng cao các biện pháp an toàn và cải thiện hoạt động vận hành.

Dữ liệu từ dịch vụ theo dõi chuyến bay Flightradar24 cho thấy máy bay của Jeju Air liên quan đến vụ tai nạn đã hoàn thành 38 chuyến bay trong tuần qua.

Vào ngày trước khi vụ tai nạn xảy ra, chiếc máy bay này đã thực hiện sáu tuyến bay, dừng tại Kota Kinabalu, Nagasaki, Đài Bắc, Bangkok và Muan mà không có khoảng thời gian nghỉ đáng kể.

Lịch trình bay dày đặc này đã làm dấy lên lo ngại rằng hãng hàng không này có thể đã ưu tiên hoạt động hơn là đảm bảo thời gian bảo trì đầy đủ, gây nguy cơ đối với an toàn.

Giáo sư Lee Yoon-chul, chuyên ngành quản lý kinh doanh tại Đại học Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc, nhận định: “Trong thời kỳ đại dịch, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm xuống còn 5 đến 10% so với mức trước COVID-19 và mới phục hồi gần đây. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, các hãng hàng không lẽ ra cần tiến hành rà soát toàn diện các hoạt động để đáp ứng quá trình phục hồi nhu cầu đi lại. Những lo ngại rằng liệu mức độ an toàn có duy trì được như trước hay không là điều hoàn toàn dễ hiểu”.

Hủy vé hàng loạt

Lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ tai nạn máy bay ở Muan, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc, ngày 29/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ tai nạn máy bay ở Muan, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc, ngày 29/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trong thực tế, sau vụ tai nạn của Jeju Air ngày 29/12 khiến 179 trong 181 người chết, nhiều hành khách của hãng này đã hủy vé hàng loạt.

Theo Jeju Air, tính đến 13 giờ ngày 30/12, đã có 68.000 lượt đặt chỗ bay bị hủy. Hầu hết các lượt hủy được thực hiện sau khi chuyến bay 7C2216 gặp tai nạn vào ngày 29/12. Cụ thể, khoảng 33.000 lượt hủy là các chuyến bay nội địa, trong khi 34.000 lượt là các chuyến bay quốc tế.

Tổng giám đốc điều hành của Jeju Air, ông Kim E-bae, đã công khai xin lỗi: “Trước hết, chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc và xin lỗi chân thành tới gia đình các hành khách đã mất trong vụ tai nạn này. Hiện tại, nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn khó xác định và chúng tôi phải chờ kết quả điều tra chính thức từ các cơ quan chính phủ liên quan. Dù nguyên nhân là gì, với tư cách là tổng giám đốc, tôi cảm thấy trách nhiệm sâu sắc về sự cố này”.

Vào ngày 30/12, phần lớn trang chủ của trang web hãng hàng không Jeju Air đã được để trống. Một biểu ngữ màu đen trên phiên bản tiếng Anh của trang web có nội dung: “Chúng tôi xin lỗi chân thành tới tất cả những người bị ảnh hưởng bởi sự cố. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để giải quyết tình hình. Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc vì đã gây ra sự cố đau lòng”.

Tình trạng hủy vé hàng loạt không phải là điều mới sau các tai nạn nghiêm trọng. Trước đây, hãng hàng không Malaysia Airlines cũng đã gặp tình huống tương tự sau hai vụ tai nạn chết người vào năm 2014.

Hiện các cuộc điều tra về vụ tai nạn ở Hàn Quốc đang diễn ra và chưa xác nhận nguyên nhân nào.

Video đội cứu hộ làm việc tại hiện trường vụ tai nạn (Nguồn: Reuters):

Một khả năng đang được xem xét là va chạm với chim, khi một quan chức trong Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc cho biết tháp điều khiển sân bay đã đưa ra cảnh báo va chạm chim trước khi tai nạn xảy ra.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây có thể không phải là nguyên nhân duy nhất, vì các máy bay được thiết kế có nhiều biện pháp an toàn để đối phó với tình huống này.

Đoạn video ghi lại cảnh máy bay hạ cánh mà không có bánh đáp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này hiện vẫn chưa được làm rõ.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/hang-khong-gia-re-han-quoc-doi-mat-nguy-co-giam-uy-tin-sau-tai-nan-cua-jeju-air-20241231092548629.htm