Hàng không kiến nghị từng bước gỡ khó khăn về điều kiện nhập cảnh
Trong bối cảnh thích ứng an toàn, kiểm soát dịch COVID-19, việc khôi phục vận tải hàng không, một trong những 'xương sống' của của vận tải quốc gia là vấn đề cấp bách để phục hồi du lịch, kinh tế. Tuy nhiên, các điều kiện an toàn bắt buộc về y tế, cách ly khi đã từng bước kiểm soát dịch có thể gây khó khăn cho vận tải hàng không.
Phủ sóng tiêm vaccine phòng dịch là ưu tiên hàng đầu
Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế góp ý hướng dẫn về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh qua đường hàng không trong bối cảnh thích ứng an toàn.
Theo VABA, nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới hiện nay dù tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, nhưng do đạt tỷ lệ tiêm phủ vaccine ở mức cao, nên đã từng bước nới lỏng chính sách nhập cảnh để tạo điều kiện cho công dân được về nước, đi lại, thu hút khách quốc tế du lịch, giao thương…
Các nước Thái Lan, Singapore, Campuchia... cũng đã mở cửa, miễn cách ly đối với hành khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Hành khách đến các nước này không bị hạn chế đối tượng, mục đích, các hãng hàng không được lập kế hoạch bay thường lệ. Về kiểm soát y tế, điểm chung trong chính sách của các nước là chỉ cần yêu cầu hành khách đã tiêm đủ liều vaccine, xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước chuyến bay. Sau khi nhập cảnh, hành khách cũng được xét nghiệm ngay tại sân bay hoặc đợi xét nghiệm một ngày tại khách sạn là được đi lại tự do.
Đại diện Công ty du lịch Asian Dreams Touristik (Đức), doanh nghiệp nhận được nhiều yêu cầu của khách du lịch đến Việt Nam cho hay, mục tiêu năm 2022 sẽ đón khoảng 5.000 du khách Đức đến Việt Nam, nhưng không ít du khách vẫn đang e ngại trước quy định cách ly y tế, mặc dù đã có “hộ chiếu vaccine”. Doanh nghiệp mong muốn ngành Du lịch Việt Nam sẽ sớm mở cửa để đón du khách, thay vì các thị trường Đông Nam Á khác…
“Theo khảo sát của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, hơn 70% hành khách trả lời sẽ không du lịch tới các quốc gia có yêu cầu cách ly y tế bắt buộc sau khi nhập cảnh”, VABA thông tin.
Qua tìm hiểu, hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 của Việt Nam đã đạt ở mức cao. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất đến ngày 31/12/2021 phải cơ bản hoàn thành 100% việc tiêm 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ em. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 128/CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; đồng thời, chỉ đạo thí điểm mở bay thương mại quốc tế thường lệ từ ngày 1/1/2022.
Qua thực tế tại các nước, chính sách y tế đối với hành khách sau khi nhập cảnh là điều kiện tiên quyết để phục hồi du lịch, giao thương và tăng cạnh tranh giữa các quốc gia, điểm đến. Theo đề xuất của Bộ Y tế, khách nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh trong 72 giờ, trừ trẻ em dưới 2 tuổi; luôn cài đặt và sử dụng ứng dụng khai báo y tế điện tử theo quy định của Việt Nam.
Không cách ly tập trung nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine
Nêu quan điểm về vấn đề này, lãnh đạo hãng hàng không Bamboo Airways chia sẻ, Bộ Y tế cần sớm nghiên cứ gỡ bỏ quy định cách ly tập trung với du khách quốc tế nhập cảnh. Nếu ngành Hàng không không yêu cầu cách ly tập trung với hành khách nội địa, thì không nhất thiết áp dụng quy định này này với du khách quốc tế nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine và có "hộ chiếu vaccine". Điều này sẽ tạo điều kiện giúp du lịch, dịch vụ, giao thương và nhiều lĩnh vực liên quan có cơ hội phục hồi hiệu quả...
Còn theo các chuyên gia, hiện nay, trước yêu cầu chung phòng chống dịch đối với người nhập cảnh, "trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi", ngành Y tế cần sửa đổi quy định “trừ trường hợp trẻ em dưới 18 tuổi" cho phù hợp với quy định và điều kiện chung quốc tế. Bên cạnh đó, đối với nhập cảnh chỉ cần sử dụng ứng dụng khai báo y tế 14 ngày kể từ khi nhập cảnh. Đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi COVID-19, để nghị quy định trong 3 ngày đầu, người nhập cảnh tự kiểm tra sức khỏe tại nhà, được phép tiếp xúc với người nhà theo nguyên tắc 5K và thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh, nếu có kết quả dương tính mới xét nghiệm RT-PCR.
Trong văn bản VABA gửi Bộ Y tế, VABA đề xuất đối với người nhập cảnh chưa tiêm vaccine, bổ sung quy định nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà, chính quyền địa phương có trách nhiệm bố trí cách ly tập trung 7 ngày; cần phải có hướng dẫn cho các địa phương về việc ra quyết định cách ly hành khách, nếu không có hướng dẫn cụ thể sẽ dẫn tới rất khó khăn khi triển khai trong thực tế.
Với công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân (gồm vợ/chồng, con) cần tiêm đủ liều vaccine COVID-19 trước khi nhập cảnh. Trường hợp chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine Covid-19 sẽ thực hiện tiêm vaccine miễn phí trong thời gian cách ly. Khi nhập cảnh vào Việt Nam, hành khách đã tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh phải tự theo dõi sức khỏe và không được ra khỏi nhà hoặc nơi lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, trụ sở cơ quan, ký túc xá...) trong 3 ngày đầu.
Đồng thời, không được tiếp xúc với người ở cùng nhà, cùng nơi lưu trú; thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 (do y tế địa phương thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm). Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 10 ngày tiếp theo, đến ngày thứ 14 kể từ ngày nhập cảnh. Với người nhập cảnh chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine, cách ly tại nhà, nơi lư trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh; xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày.
Với người nhập cảnh dưới 18 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế) được cách ly cùng cha mẹ hoặc người chăm sóc. Người chăm sóc phải tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và phải ký cam kết tự nguyện cách ly cùng.