Hàng không Việt Nam có nhiều khởi sắc, dự tính mở cửa đón khách du lịch quốc tế

Chiều nay (26-5), Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết đã ghi nhận thêm 1 ca nhiễm mới Covid-19 là hành khách trở về từ Nga, được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.

Bệnh nhân nam, 31 tuổi, có địa chỉ tại Nam Vân, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định. Ngày 13-5, bệnh nhân từ Liên bang Nga về Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN0062, sau khi nhập cảnh được cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình. Như vậy đến nay trên cả nước có tổng cộng 327 ca nhiễm Covid-19, hiện đang còn 55 trường hợp đang được điều trị.

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra đã khiến ngành hàng không trên thế giới chịu thiệt hại nặng nề. Nhiều hãng hàng không phải tạm xoay sang hướng mới để tồn tại, đó là vận chuyển hàng hóa thay vì vận chuyển hành khách. Hàng nghìn chuyến bay phải hủy khiến việc vận chuyển hàng hóa cũng trở nên khó khăn, kéo theo đó giá gửi hàng bằng đường hàng không cũng tăng vọt dẫn đến các hãng buộc phải nghĩ tới chuyển đổi tạm thời các khoang chở khách trống thành khoang chở hàng.

Hàng hóa mà các cá nhân và doanh nghiệp muốn vận chuyển bằng đường hàng không cũng thay đổi tùy theo mùa nhưng phần lớn đó là hàng đắt tiền, dễ hỏng hoặc vừa dễ vỡ và đắt tiền như: điện thoại thông minh, phụ tùng ô tô, hải sản, thuốc men, thư tín và hàng thời trang cao cấp. Thế nhưng phần lớn hàng vận chuyển qua đường hàng không những tháng gần đây chủ yếu là trang thiết bị y tế.

Trong khi đó, số lượng hành khách đi máy bay ở Việt Nam trong tháng này đã tăng cao hơn rất nhiều so với tháng trước đó nhờ công tác kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Trước đó, từ 0 giờ ngày 8-5, Bộ Giao thông - Vận tải đã đưa ra thông báo cho ngành hàng không được khôi phục hoạt động vận tải trong nước.

Để đảm bảo phòng, chống dịch, các chuyến bay trong thời gian này vẫn được thực hiện theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Bộ Y tế và Bộ Giao thông - Vận tải. Hành khách được hướng dẫn kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế trước chuyến bay và đeo khẩu trang trong suốt hành trình bay. Các hãng hàng không tiếp tục khử trùng, khử khuẩn tàu bay theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam.

Song song đó, Bộ Giao thông - Vận tải giao Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu đề xuất thời điểm và nguyên tắc dần nới lỏng xuất nhập cảnh, nối lại một số đường bay phục hồi giao thương, thăm thân, du lịch, thương mại, đầu tư trên cơ sở song phương. Cục Hàng không phải báo cáo Bộ trước ngày 10-6-2020 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Anh Tuấn tại Văn bản số 4868/BGTVT-VT yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ; Sở Giao thông - Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện một số nội dung nhằm triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 182/TB-VPCP ngày 15-5-2020 của Văn phòng Chính phủ.

Theo đó, Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống, quyết tâm nỗ lực khắc phục khó khăn, đổi mới sáng tạo để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả trong điều kiện bình thường mới, bảo đảm sự bình yên cho nhân dân. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, công tác phòng, chống dịch, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, đông dân cư; phải bảo đảm sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, quyết không để dịch bệnh trở lại...

Ngành giao thông sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, xúc tiến, thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu; đẩy mạnh hoạt động du lịch nội địa; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xúc tiến quảng bá du lịch, chuẩn bị các việc cần thiết để mở cửa đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép, trước hết là từ các nước, vùng lãnh thổ đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

Cũng trong ngày hôm nay, Bộ Tài chính đã ban hành 3 Thông tư số 43, 44, 45/TT-BTC thực hiện các giải pháp cấp bách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tất cả các thông tư trên đều có hiệu lực thi hành từ ngày 26-5 đến hết ngày 31-12-2020.

Trên thế giới, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế. Trong khi đó, nhiều quốc gia mới bắt đầu bước vào giai đoạn bùng nổ của dịch Covid-19.

Brazil bắt đầu tuần mới với vị trí vùng dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới, trong khi Tổng thống Bolsonaro của nước này vẫn tiếp tục coi nhẹ đại dịch. Bộ Y tế Brazil hôm qua đã công bố thêm hơn 11.600 ca nhiễm mới Covid-19, nâng tổng ca nhiễm toàn quốc lên hơn 370.000 người, trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.

Trong khi số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 ở Brazil liên tục tăng vọt thì Tổng thống Bolsonaro vẫn gọi đại dịch này là "cúm vặt" và thường xuyên xem nhẹ các rủi ro. Hai Bộ trưởng y tế đã rời bỏ nội các của ông trong vài tuần qua, một người bị sa thải và người còn lại tự từ chức, do những bất đồng về cách xử lý Covid-19.

Trong khi Bolsonaro, người được gọi là "Trump của vùng nhiệt đới", bị cáo buộc coi nhẹ đại dịch, Mỹ đã bắt đầu có biểu hiện lo ngại. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thông báo cấm nhập cảnh từ Brazil sau khi nước này trở thành điểm nóng về Covid-19.

Covid-19 bùng phát ở Brazil là một phần của sự gia tăng mạnh các ca nhiễm mới trên khắp Mỹ Latinh, khiến các chuyên gia y tế lo ngại. Peru, Chile và Mexico tuần qua cũng chứng kiến các ca nhiễm mới Covid-19 tăng đột biến.

Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong do Covid-19 đang ngày một tăng cao tại Nam Phi khiến chính phủ nước này yêu cầu các địa phương trên cả nước phải chuẩn bị sẵn các hố chôn tập thể. Hôm qua, Bộ Y tế nước này thông báo nước này ghi nhận thêm 1.032 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ gần nhất, nâng số người nhiễm Covid-19 lên hơn 23.000 trường hợp.

Covid-19 đến nay đã xuất hiện tại hơn 212 quốc gia, vùng lãnh thổ, hơn 5,6 triệu ca nhiễm, khiến hơn 348.000 người tử vong trên toàn thế giới.

Xem thêm: Chung tay phòng chống Covid-19

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/hang-khong-viet-nam-co-nhieu-khoi-sac-du-tinh-mo-cua-don-khach-du-lich-quoc-te-583018