Hàng loạt cây xanh ở Hà Nội nghi bị đầu độc: Mức xử lý vi phạm đến đâu?
Do cây xanh là tài sản công nên việc đầu độc cây xanh là hành vi phá hoại tài sản công, tùy thuộc vào giá trị tài sản bị hư hỏng, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự bởi các khung hình phạt khác nhau.
Thông tin về loạt cây chết nghi do đầu độc mà Báo Tiền Phong phản ánh, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, những cây chết bất thường sẽ được Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh xử lý cắt hạ độ cao để đảm bảo an toàn. Sau đó đơn vị này sẽ phối hợp với chính quyền địa phương điều tra nguyên nhân rồi mới chặt hạ đánh gốc đi.
Được biết, cây xanh chết bất thường không phải chuyện hiếm nhưng để điều tra truy được người phá hoại không dễ, đặc biệt nếu phá hoại bộ rễ. Vì phải mất thời gian vài tháng khi cây gục xuống mới biết bộ rễ bị mục, việc truy thủ phạm còn khó khăn hơn.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật cho biết, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội là đơn vị dịch vụ công ích được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ trồng cây, quản lý và chăm sóc cây xanh. Như vậy, có thể thấy cây xanh là tài sản công.
Mọi hành vi cố ý hủy hoại cây xanh phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ điểm a khoản 2, điểm a khoản 3, điểm c khoản 4 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác như hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Tùy thuộc vào giá trị tài sản bị hư hỏng, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự bởi các khung hình phạt khác nhau được quy định tại điều luật nêu trên. Trường hợp vô ý hủy hoại cây xanh như vô tình chế các hóa chất nguy hại mà không biết tác hại đối với cây xanh trong trường hợp giá trị tài sản đó là từ 100.000.000 đồng trở lên thì xử lý căn cứ Điều 180 Bộ luật Hình sự 2015, được bổ sung bởi điểm g khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản.