Hàng loạt doanh nghiệp chậm trả gốc và lãi trái phiếu
Chỉ trong nửa tháng qua, một công ty bất động sản đã thông báo về việc chậm trả gốc và lãi 4 lô trái phiếu có trị giá gần 100 tỷ đồng.
Chỉ trong tháng 5, một doanh nghiệp bất động sản hàng đầu ở phía nam đã có 4 thông báo về việc thanh toán chậm và chưa trả gốc, lãi trái phiếu liên quan tới 4 lô trái phiếu với tổng trị giá gần 90 tỷ đồng.
Liên tục thông báo chậm trả
Cụ thể, vào ngày 19/5, công ty này thông báo chậm thanh toán gốc và lãi của lô trái phiếu H79CH2123021 trong kỳ thanh toán vào ngày 18/5. Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, ngày phát hành vào 18/8/2021. Khối lượng đang lưu hành là 405 triệu trái phiếu với tổng số tiền phải thanh toán là 11,56 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công ty mới chỉ thanh toán được 2,3 tỷ đồng, còn nợ 9,26 tỷ đồng. Lý do được đưa ra là tín dụng bị siết chặt, thị trường vốn khác như chứng khoán, trái phiếu bị nhiều tác động không tích cực dẫn đến nguồn tiền thanh toán ảnh hưởng so với kế hoạch.
Công ty này cũng đưa ra kế hoạch thanh toán dự kiến vào 3 đợt. Đợt 1 vào ngày 15/6 sẽ thanh toán 2,3 tỷ đồng; đợt 2 và đợt 3 sẽ thanh toán 3,4 tỷ đồng lần lượt vào ngày 10/7 và 28/7. Như vậy, nếu công ty thực hiện đúng kế hoạch, nhà đầu tư tới cuối tháng 7 sẽ nhận được đủ tiền gốc và lãi từ lô trái phiếu này.
Đến ngày 23/5, công ty này tiếp tục thông báo tới Sở Giao dịch và Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc chậm thanh toán lô trái phiếu BOND.HTL-BMC.2020. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, phát hành từ 22/5/2020 với khối lượng đang lưu hành là 60 triệu trái phiếu. Tổng số tiền thanh toán gốc và lãi là 61,39 tỷ đồng.
Tương tự, công ty cho biết chậm thanh toán do các yếu tố thị trường nên chưa thu xếp kịp nguồn tiền. Công ty đưa phương án sẽ chia làm 3 đợt thanh toán trả cổ đông cho lô trái phiếu này.
Đợt 1 trả vào ngày 22/6 sẽ thanh toán tổng tiền lãi trái phiếu đến hạn và lãi phạt chậm; đợt 2 vào ngày 22/11 trả 50% tiền gốc trái phiếu đến hạn và lãi phạt chậm trả; đợt 3 trả vào ngày 22/5 sẽ thanh toán đủ 50% còn lại tiền gốc trái phiếu đến hạn và lãi phạt chậm trả.
Công ty bất động sản này còn chậm trả gốc và lãi của lô trái phiếu HTL-H2023-005 với số lượng 300 triệu trái phiếu, được phát hành ngày 28/8/2020 kỳ hạn 3 năm. Lý do là chưa thu xếp đầy đủ nguồn thanh toán.
Tổng số tiền phải trả cho lô trái phiếu này là 8,7 tỷ đồng vào ngày 29/5. Hiện công ty mới chỉ đưa ra kế hoạch dự kiến thanh toán đầy đủ toàn bộ số tiền lãi và tiền lãi chậm trả phát sinh vào ngày 30/5.
Tương tự với lô trái phiếu HTL-H2023-010 trị giá gần 6 tỷ đồng phải thanh toán vào 31/5, phương án thanh toán cho nhà đầu tư được đưa ra theo lộ trình: 30% lãi trái phiếu sẽ được trả chậm nhất vào ngày 28/6; 30% lãi trái phiếu được trả tiếp chậm nhất vào ngày 29/7 và 40% lãi trái phiếu, lãi phạt chậm trả nốt chậm nhất vào 22/8.
Lô HTL-H2023-010 có 200 triệu trái phiếu đang lưu hành, kỳ hạn 3 năm, ngày phát hành là 31/8/2020.
Thêm hàng loạt doanh nghiệp chậm thanh toán
Khảo sát trên cổng thông tin của HNX cho thấy có rất nhiều doanh nghiệp đã đưa ra thông báo chậm trả gốc trái phiếu.
Ngày 27/5, Công ty CP Thái Sơn - Long An cũng đã thông báo về việc chưa thanh toán hai lô trái phiếu TSLCH2129001 và TSLCH2129002 với trị giá 668,7 tỷ đồng. Ngày dự kiến thanh toán là 9/6 nhưng hiện công ty vẫn chưa thu xếp được nguồn vốn để trả nhà đầu tư.
Trước đó, ngày 25/5, Công ty CP BCG Energy cũng đã thông báo về việc chưa thanh toán lô trái phiếu EBCCH2124003. Đây là lô trái phiếu có giá trị 1.500 tỷ đồng được phát hành vào ngày 24/5/2021 với kỳ hạn 3 năm.
Dư nợ đến ngày thông báo là 1.500 tỷ đồng; lãi chậm thanh toán là 104 tỷ đồng. Hiện công ty vẫn đang lên phương án để đàm phán với nhà đầu tư về thời hạn thanh toán mới.
Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Fuji Nutri Food cũng đưa ra thông báo vào ngày 13/5 về việc chậm trả lãi cho lô trái phiếu mã FNFCH2223001 phát hành vào tháng 8/2022. Hai kỳ trả lãi của lô trái phiếu này theo kế hoạch là vào 12/2 và 12/5, tổng giá trị khoảng 49,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công ty đã không thể trả được các khoản tiền này với lý do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán. Ngày thanh toán dự kiến theo văn bản thông báo là 15/6 tới.
Hay Công ty CP Đầu tư Hải Phát và Công ty CP Đầu tư An Khải Hưng cũng đã thông báo về kế hoạch gia hạn thời gian thanh toán gốc và lãi cho các lô trái phiếu lần lượt là HPXH2123008 và AKHCH2123001.
Đáng lưu ý, để gia hạn thời gian thanh toán, Công ty CP Đầu tư An Khải Hưng đã đồng ý chi trả mức lãi suất 112% của lãi suất trái phiếu cho nhà đầu tư. Trong khi đó, mức lãi suất mà Công ty CP Đầu tư Hải Phát đưa ra là 11%/năm do đây là đã là lãi kỳ 6 của lô trái phiếu này.
Ngoài các doanh nghiệp trên, theo thống kê của HNX, trong tháng 5 đã có gần 30 doanh nghiệp công bố thông tin với nội dung chậm trả gốc, lãi trái phiếu với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Theo các chuyên gia phân tích tại VNDirect, đây là giai đoạn cao điểm khi áp lực thanh toán đang bắt đầu dồn dập trở lại cho đến tháng 9 với con số đến hạn vượt 1 tỷ USD. Tổng số dư trái phiếu đáo hạn dự kiến trong năm nay vào khoảng 285.178 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, cũng liên quan hoạt động phát hành trái phiếu, Bộ Tài chính cho biết kể từ khi Nghị định 08 được ban hành đã có 15 doanh nghiệp phát hành khối lượng 26,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường. Trong khi giai đoạn cuối năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, hầu như không có doanh nghiệp nào phát hành được.
Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy tác động chính sách đang giúp các doanh nghiệp và các nhà đầu tư có niềm tin và bắt đầu quay trở lại thị trường. Nhiều doanh nghiệp cũng đã đàm phán thành công với các nhà đầu tư trong xử lý vướng mắc về quá trình thanh khoản, dòng tiền khi trái phiếu đến hạn. Kỳ vọng trong thời gian tới, thị trường này sẽ có những điều chỉnh và bắt đầu đi lên một cách bền vững.