Hàng loạt doanh nghiệp tín nhiệm mức AAA vỡ nợ, thị trường trái phiếu Trung Quốc khủng hoảng nặng
Liên tiếp các doanh nghiệp nhà nước được xếp hạng tín nhiệm mức cao nhất AAA của Trung Quốc bỗng vỡ nợ khiến thị trường trái phiếu quy mô 14.000 tỷ USD của Trung Quốc có nhiều biến động.
Trong những tuần gần đây, ba doanh nghiệp nhà nước lớn của Trung Quốc gồm: Tập đoàn Điện lực và than Yongcheng, Tập đoàn ô tô Huachen, hãng công nghệ Tsinghua Unigroup bị vỡ nợ đều liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Ảnh minh họa: Getty Images
Hôm 23/10, Tập đoàn ô tô Huachen vỡ nợ lô trái phiếu có trị giá 1 tỷ Nhân dân tệ (tương đương hơn 150 triệu USD). Huachen gặp khó khăn về nợ nần và thua lỗ vì tình hình kinh doanh yếu kém từ những thương hiệu xe của hãng này.
Đến ngày 10/11, Tập đoàn Điện lực và than Yongcheng ở tỉnh Hà Nam cũng vỡ nợ với một khoản trái phiếu 1 tỷ Nhân dân tệ. Điều đáng nói, Yongcheng là một công ty thuộc sở hữu nhà nước, vẫn được hãng xếp hạng tín dụng China Chengxin (Trung Quốc) xếp hạng trái phiếu ở mức tín nhiệm cao nhất AAA chỉ mới hồi tháng trước.
Đến hôm 16/11, hãng công nghệ Tsinghua Unigroup, nhà phát triển và sản xuất chip đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực xây dựng ngành bán dẫn nội địa của Trung Quốc, rơi vào số phận tương tự.
Hãng xếp hạng tín dụng China Chengxin cho biết Tsinghua Unigroup vỡ nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ ở trong nước với trị giá 1,3 tỷ Nhân dân tệ sau khi không đạt được thỏa thuận gia hạn trả nợ với các chủ nợ. China Chengxin đã hạ bậc tín nhiệm nợ của hãng công nghệ này từ mức AAA về BBB.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay đã có 10 công ty quốc doanh tại Trung Quốc vỡ nợ. Làn sóng vỡ nợ của các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đã có những tác động nhất thời đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã buộc phải hủy các đợt phát hành trái phiếu mới. Theo đó, kể từ khi Huachen vỡ nợ vào ngày 23/10 cho đến ngày 19/11, có ít nhất 59 công ty đã hủy kế hoạch phát trái phiếu với trị giá tổng cộng 44,2 tỷ nhân dân tệ (6,72 tỷ đô la Mỹ) ở thị trường trong nước.
Tuy nhiên, chính sách này của Chính phủ Trung Quốc lại được giới đầu tư ủng hộ. Thực tế, từ năm 2015, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu cho phép các doanh nghiệp quá yếu kém phá sản nhằm siết lại kỷ luật trên thị trường tài chính trái phiếu doanh nghiệp và bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước phải làm ăn hiệu quả hơn.
Mặc dù trong ba năm gần đây, số lượng các vụ vỡ nợ các doanh nghiệp nhà nước tăng dần nhưng nhưng số vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc lại tăng mạnh.