Hàng loạt dự án chăn nuôi hoạt động khi chưa có giấy phép môi trường
Nhiều dự án, trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Gia Lai đi vào hoạt động khi chưa có giấy phép về môi trường. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động các trang trại này do vướng quy định về cách li, khử khuẩn...
Ồ ạt phát triển
Tỉnh Gia Lai nằm ở phía Bắc Tây Nguyên với điều kiện đất đai phong phú, mật độ dân số còn thấp. Do vậy, đây là điểm đến lý tưởng để các dự án chăn nuôi hình thành, phát triển. Từ đó, góp phần tăng thu ngân sách địa phương, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân.
Thống kê của cơ quan chức năng, đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 46 dự án chăn nuôi được phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó có 16 dự án đã đi vào hoạt động. Trong thời gian ngắn, đến tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh đã có 205 dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với tổng diện tích đất sử dụng là hơn 9.300ha, tổng vốn đầu tư là gần 35.000 tỷ đồng. Quy mô các dự án này gồm: 104.989 con bò, 4.137.930 con heo, 40.000 con gà trứng giống bố mẹ, 19.200 con vịt đẻ trứng.
Trong tổng số các dự án đăng ký, 67 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích hơn 2.200ha, tổng vốn đăng ký gần 11.000 tỷ đồng; 25/67 dự án đã đi vào hoạt động với số lượng 49.094 con bò và 201.915 con heo. Các dự án khác đang trong quá trình xây dựng hoặc đang làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư;
Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đánh giá, địa điểm thực hiện các dự án chăn nuôi chủ yếu là xa dân cư, khí hậu thuận lợi, diện tích đất làm dự án cằn cỗi nên rất phù hợp phát triển chăn nuôi. Các dự án đi vào hoạt động sẽ hình thành các khu nông nghiệp hiện đại, sản xuất bền vững, đem lại giá trị kinh tế cao. Theo tính toán, giá trị sản xuất trên 1ha diện tích đất chăn nuôi mang lại khoảng 1,2 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm, trong khi giá trị trồng trọt bình quân rất thấp (khoảng 50 triệu đồng/ha/năm).
Với các điều kiện thuận lợi, tính ưu việt được nêu ra và chính sách thu hút của địa phương đã dẫn đến việc phát triển ồ ạt các dự án chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, việc phát triển quá nóng trong thời gian ngắn đã dẫn đến nguy cơ bội thực tại một số địa phương.
Điển hình, UBND huyện Chư Prông đã có kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai và Sở KH&ĐT nêu rõ: Hiện nay, việc tập trung quá nhiều dự án tại một khu vực, địa phương như xã Ia Lâu (18 dự án), xã Ia Piơr (14 dự án), xã Ia Ga (8 dự án), xã Ia Pia (5 dự án)… dẫn đến các khu vực này có mật độ chăn nuôi cao, tiềm ẩn nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường, nguồn nước.
Do đó, UBND huyện Chư Prông đề nghị UBND tỉnh Gia Lai và Sở KH&ĐT tạm dừng giới thiệu các nhà đầu tư chăn nuôi vào địa bàn một số xã để đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, mật độ chăn nuôi. Đồng thời, có cơ chế, chính sách khuyến khích nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn công nghiệp, giết mổ tập trung và chế biến các sản phẩm chăn nuôi vào địa bàn huyện.
Nhiều vi phạm
Tháng 3/2022, UBND huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai phát hiện trang trại chăn nuôi heo của Công ty Cổ phần gia súc Lơ Pang tại xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa thả nuôi 462 con heo (quy mô dự kiến 2.400 con) khi chưa được cấp phép. Đáng chú ý, đối với trang trại này, vào tháng 12/2021, UBND huyện Đăk Đoa đã có văn bản không thống nhất chủ trương lập hồ sơ đề xuất dự án trang trại chăn nuôi.
Cùng quan điểm, Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai cũng có văn bản đề nghị công ty lựa chọn vị trí khác để đề xuất dự án do vị trí đề xuất chồng lấn với dự án năng lượng, không đảm bảo khoảng cách triển khai dự án và chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Tuy nhiên, công ty vẫn bất chấp quy định để xây dựng, hoạt động khi chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trang trại hoạt động quy mô lớn nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi, phòng cháy chữa cháy…
Tại huyện biên giới Chư Prông, vào tháng 4/2023, hàng nghìn người dân xã Ia Piơr phản ánh, kêu cứu về việc các trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH Chăn nuôi Thuận Duyên, Công ty TNHH MTV Ia Piơr Tân và Công ty TNHH chăn nuôi Nguyên Bảo gây ô nhiễm môi trường, người dân phải dùng lá chanh bịt mũi cả ngày để khử mùi.
Đối với nội dung này, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và xác định: Hoạt động của các trang trại đã gây bốc mùi hôi thối trực tiếp ra môi trường và làm ảnh hưởng đến các hộ dân, đặc biệt là khoảng thời gian từ 17-23h hằng ngày. Ngoài ra, các trang trại này đã đi vào hoạt động với quy mô 2.500 heo nái, 19.000 heo thịt và 50 heo nọc khi chưa có giấy phép bảo vệ môi trường…
Tại huyện Mang Yang, lực lượng chức năng phát hiện 1 trang trại đi vào hoạt động nhưng để xảy ra tình trạng nước rửa chuồng (có kèm phân) chảy tràn ra môi trường, đường dân sinh cạnh trang trại chăn nuôi. Tại huyện Ia Grai, ngành chức năng phát hiện 3 trang trại ở xã Ia Pếch chưa được cấp phép môi trường nhưng đã hoạt động nhiều năm nay, 2/3 trang trại không có hệ thống xử lý chất thải và nguồn xả thải của 3 trang trại này gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cũng xác định Công ty TNHH MTV đầu tư chăn nuôi Bách Mộc Hợp (nuôi gần 2.100 con heo tại huyện Chư Pưh), Công ty Cổ phần Gia Lai Farms (nuôi hơn 7.000 con heo tại huyện Kông Chro) nhưng chưa có giấy phép bảo vệ môi trường.
Đề nghị Cơ quan công an vào cuộc
Liên quan đến các sai phạm đã được chỉ ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp đã quyết định xử phạt vi phạm hành đối với: Công ty TNHH chăn nuôi Thuận Duyên, Công ty TNHH MTV Ia Piơr Tân, Công ty TNHH chăn nuôi Nguyên Bảo, Công ty TNHH MTV đầu tư chăn nuôi Bách Mộc Hợp và Công ty Cổ phần Gia Lai Farms mỗi công ty số tiền 320 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường trong thời hạn 4,5 tháng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm hiện tại, các công ty đã nộp xong số tiền phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, việc các trang trại có chấp hành hình thức xử phạt bổ sung ra sao thì cơ quan chức năng rất khó kiểm tra, giám sát.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Phụng - Bí thư Đảng ủy xã Ia Piơr (nơi có 3 trang trại chăn nuôi bị xử phạt) cho hay: Sau phản ánh của Báo CAND và quyết định xử phạt của tỉnh thì người dân phản ánh tình trạng hôi thối, ô nhiễm đã giảm rất nhiều.
Tuy nhiên, địa phương rất khó kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về môi trường của các trang trại. Lực lượng chức năng hầu như chỉ đi vòng ngoài, không vào được bên trong vì trang trại yêu cầu khử khuẩn, cách li… rất phức tạp. Do đó, địa phương không thể kiểm tra được hiện trạng, quy mô chăn nuôi thực tế mà chủ yếu nắm tình hình theo báo cáo và tinh thần tự giác của các trang trại.
Đồng quan điểm, ông Võ Nguyên Nam - Chủ tịch UBND huyện Krông Chro (nơi có 1 trang trại bị xử phạt) thông tin: Sau quyết định xử phạt của tỉnh, huyện đã giao Phòng TN&MT và UBND xã thường xuyên kiểm tra hoạt động của trang trại.
Tuy nhiên, thực tế thì lực lượng chức năng chỉ kiểm tra vòng ngoài xem các trang trại có xả thải ra ngoài môi trường hay không chứ không thể vào bên trong. Do đó, không thể biết được các trang trại chấp hành quy định về xử lý môi trường khi chăn nuôi là như thế nào.
Được biết, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý các dự án chăn nuôi, UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu Sở TN&MT tăng cường kiểm tra, đánh giá việc triển khai thi công các hạng mục xử lý nước thải, chất thải và các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường; giấy phép tài nguyên nước, giấy phép môi trường… Báo cáo định kỳ vào ngày 25 hằng tháng về UBND tỉnh để theo dõi.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về chăn nuôi, bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.
Trong các chỉ đạo mới đây, UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục yêu cầu Công an tỉnh vào cuộc, tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tập trung xử lý dứt điểm những cơ sở chăn nuôi quy mô lớn gây ô nhiễm môi trường, nhất là tại các xã tập trung nhiều dự án chăn nuôi, không để hình thành điểm nóng, phức tạp về ANTT tại địa phương.