Hàng loạt dự án du lịch bỏ hoang ở Bình Thuận – Bài 2: 'Chết lâm sàng' vì tiến thoái lưỡng nan

Việc hàng loạt các dự án du lịch 'đắp chiếu' nhiều năm không chỉ gây lãng phí về đất đai mà còn tồn tại nhiều vấn đề ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vấn đề này khó có thể giải quyết một sớm một chiều.

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn

Từng được kỳ vọng là "Mũi Né thứ 2" ở tỉnh Bình Thuận song khu vực ven biển xã Tiến Thành đến huyện Hàm Thuận Nam đang chứng kiến hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng rơi vào cảnh đắp chiếu, chưa đi vào hoạt động hay hoạt động cầm chừng.

Trong khi, tỉnh Bình Thuận là một trong những tỉnh có đường bờ biển dài, thu hút đông khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?

Trả lời Người Đưa Tin về vấn đề này bằng văn bản, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết, toàn tỉnh Bình Thuận có 85 dự án đang triển khai xây dựng, riêng tại địa bàn xã Tiến Thành (Tp.Phan Thiết) và xã Thuận Quý, xã Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam) có 26 dự án đang triển khai xây dựng dang dở.

Nguyên nhân việc chậm tiến độ dự án do hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện, nước…) tại khu vực phía Nam Tp.Phan Thiết đến Mũi Kê Gà trong thời gian trước đây chưa được hoàn thiện, khó kết nối trực tiếp với các tuyến đường lớn. Sự thay đổi về quy hoạch cảng nước sâu Kê Gà của Chính phủ tại khu vực này khiến nhiều dự án đầu tư phải tạm ngừng hoạt động.

Đồng thời, công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, kéo dài thời gian do chậm xác định tính pháp lý, chính sách giá đền bù thay đổi, chủ dự án và người dân không thỏa thuận được giá đền bù. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các dự án chậm triển khai.

Có một số hộ gia đình, cá nhân nhiều năm khiếu nại việc đền bù, tranh chấp đất đai, gây không ít khó khăn cho nhà đầu tư trong việc triển khai dự án nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm; ngoài ra, có tình trạng tái lấn chiếm của một số hộ dân làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Ông Nguyễn Trung Hoàng, Chủ tịch UBND xã Tiến Thành (Tp.Phan Thiết) cũng cho biết, việc đền bù giải phóng mặt bằng tại đây gặp nhiều khó khăn, kéo dài vì chính sách giá đền bù thay đổi, không thỏa thuận được giá và phải thực hiện thủ tục xét tính pháp lý.

Một điểm du lịch không hoạt động, phía trước cây cối um tùm.

Một điểm du lịch không hoạt động, phía trước cây cối um tùm.

Ông Hoàng cũng cho rằng, một nguyên nhân khác dẫn đến nhiều dự án bị bỏ hoang là do nhà đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã tham gia thị trường mà không tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng trước, dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu tại một số địa điểm. Việc kinh doanh không hiệu quả, khách du lịch thưa vắng đã khiến các dự án rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, hoặc bỏ hoang.

Quy hoạch chồng quy hoạch

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận nhận định, tại vị trí của các dự án chậm triển khai chưa có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu nên dự án không thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng 2014. Trong khi, điều kiện để xem xét, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án là phải có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng được duyệt.

Trước đó, tỉnh Bình Thuận đã có chủ trương xây dựng các dự án bất động sản du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, một số khu vực trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã định hướng thay đổi, có sự điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng. Điều này, dẫn đến các chủ đầu tư không thể hoàn thành các thủ tục đầu tư và triển khai xây dựng dự án.

Một khu du lịch bỏ hoang.

Một khu du lịch bỏ hoang.

Bên cạnh đó, những dự án chậm triển khai còn do vướng mắc về chỉ giới đường bờ biển theo quy định tại Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Theo đó, kể từ ngày 1/7/2016 phải giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền. Do vậy, ảnh hưởng đến việc triển khai dự án của nhà đầu tư.

Ngoài ra, việc xác định giá đất cụ thể thực hiện nghĩa vụ tài chính còn chậm; nghiệp vụ chuyên môn tổ chức thực hiện và thẩm định hồ sơ chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn, chưa linh hoạt trong việc nghiên cứu để tháo gỡ các vướng mắc, vừa làm vừa lo ngại, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư.

Khu du lịch thế giới xanh vắng bóng người.

Khu du lịch thế giới xanh vắng bóng người.

Trong khi đó, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho rằng, chủ trương xây dựng Cảng Kê Gà kéo dài nhiều năm và dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thực hiện của các dự án.

Nhiều dự án ở khu vực xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam) nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận.

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận.

Các dự án này phải tạm ngừng triển khai, không thể tác động do Luật Khoáng sản năm 2010 không có quy định cụ thể về việc triển khai thực hiện hoạt động đầu tư tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Một khu du lịch vắng bóng người ở xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết.

Một khu du lịch vắng bóng người ở xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết.

Chính vì điều này, UBND tỉnh Bình Thuận chưa thể chấp thuận đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thuộc khu vực dự trữ quặng titan và chưa giải quyết được vấn đề chồng lấn giữa các quy hoạch, dự án.

Vấn đề này gây ra nhiều tác động bất lợi cho các ngành kinh tế như du lịch, nông nghiệp, năng lượng,… ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận, đặc biệt là du lịch.

Năng lực của chủ đầu tư có nhiều hạn chế

Bên cạnh đó, năng lực của một số nhà đầu tư cũng là vấn đề đáng nói trong câu chuyện dự án du lịch bỏ hoang của tỉnh Bình Thuận. Về vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho rằng, các chủ đầu tư chưa thực hiện báo cáo nghiêm túc tình hình triển khai dự án, dẫn đến một số dự án có sự thay đổi chủ sở hữu; thay đổi về địa chỉ trụ sở doanh nghiệp,... chưa được thông tin kịp thời đến địa phương đã gây rất nhiều khó khăn trong quản lý cũng như phối hợp cùng nhau tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Một dự án khu du lịch đi vào hoạt động nhưng thời gian sau này đã bỏ hoang.

"Năng lực của chủ đầu tư một số dự án còn hạn chế, nên không triển khai hoặc chỉ triển khai cầm chừng, chủ yếu trông chờ vào việc kêu gọi hợp tác đầu tư, chuyển nhượng. Những chủ dự án thiếu tích cực, chậm liên hệ với các cơ quan chức năng để hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục về đất đai, môi trường xây dựng để triển khai thực hiện dự án. Một số chủ đầu tư không thiện chí đầu tư nên không tích cực liên hệ, phối hợp với các cơ quan chuyên môn liên quan, UBND các phường xã cùng nhau giải quyết những khó khăn vướng mắc về đất đai (thỏa thuận đền bù hoặc nhận chuyển nhượng; vướng các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất,…)", ông Bùi Thế Nhân cho hay.

Nguyễn Đắc Phú

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hang-loat-du-an-du-lich-bo-hoang-o-binh-thuan-bai-2-chet-lam-sang-vi-tien-thoai-luong-nan-204240729175735023.htm