Hàng loạt dự án sẽ được Sở GTVT TP.HCM triển khai trong thời gian tới

Hôm nay, Sở GTVT TP.HCM kỷ niệm 47 năm ngày thành lập (5/11/1975 - 05/11/2022) - một hành trình với rất nhiều nỗ lực và thành tích đáng tự hào.

Nhìn lại chặng đường 47 năm xây dựng và phát triển, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP cho biết thời gian qua, hạ tầng giao thông đô thị đã được quan tâm cải tạo và đầu tư phát triển.

Tiêu biểu phải kể đến các công trình lớn như mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, đường Cộng Hòa, cải tạo nút giao Hàng Xanh, nút giao vòng xoay Phú Lâm, các nút giao Nguyễn Tri Phương - 3/2 - Lý Thái Tổ, Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, hầm Thủ Thiêm và toàn bộ tuyến đại lộ Đông Tây..

Nhiều dự án đã được mở rộng, hoàn thiện - đơn cử là đường Nguyễn Tất Thành quận 4. Ảnh: ĐT.

Nhiều dự án đã được mở rộng, hoàn thiện - đơn cử là đường Nguyễn Tất Thành quận 4. Ảnh: ĐT.

Bên cạnh đó là hoàn thiện, kết nối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây…

Trong bối cảnh khó khăn trước nhu cầu vốn lớn phục vụ phát triển hạ tầng, ngành giao thông vận tải thành phố đã thể hiện tính năng động, sáng tạo trong việc kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, ODA…

Các tuyến cao tốc kết nối với TP.HCM đã hoàn thiện, tăng cường khả năng kết nối, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Các tuyến cao tốc kết nối với TP.HCM đã hoàn thiện, tăng cường khả năng kết nối, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Điều đó được thể hiện qua hàng loạt các công trình được xây dựng hoàn thành như đường Phạm Văn Đồng, cầu Bình Triệu 2, cầu Phú Mỹ, Nguyễn Văn Linh, nút giao thông Đại học Quốc gia TP.HCM và dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội.

Tiêu biểu cũng phải kể đến cầu Thủ Thiêm 2, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hiện đã hoàn thành trên 90% khối lượng.

Tuyến metro số 1 cũng sẽ hoàn thành vào năm 2023. Ảnh: ĐT.

Tuyến metro số 1 cũng sẽ hoàn thành vào năm 2023. Ảnh: ĐT.

Ngành giao thông đã đầu tư, nạo vét luồng Soài Rạp đến -9,5m đáp ứng tàu tải trọng 50.000 tấn hàng hải an toàn.

Song song đó, cầu đường sắt Bình Lợi đưa vào khai thác đảm bảo cho tàu 2.000 tấn lưu thông từ các cảng Cát Lái, Sài Gòn, Hiệp Phước đến cảng Bến Súc (Tây Ninh). Từ đó đã thúc đẩy phát triển vận tải hàng hóa bằng đường thủy và phát triển hệ thống cảng trên sông Sài Gòn.

Trong vai trò Tổ trưởng Tổ chuyên đề giao thông của Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Sở GTVT TP đã phối hợp Sở GTVT các tỉnh thành trong vùng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách để phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng một cách đồng bộ, hiệu quả. Đầu tiên phải kể đến dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Vành đai 3, Vành đai 4, các tuyến quốc lộ…

Với vai trò Tổ trưởng tổ chuyên đề giao thông của Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Sở GTVT TP đã từng bước khẳng định mình trong hàng loạt các dự án trọng điểm, liên vùng. Ảnh: ĐT.

Với vai trò Tổ trưởng tổ chuyên đề giao thông của Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Sở GTVT TP đã từng bước khẳng định mình trong hàng loạt các dự án trọng điểm, liên vùng. Ảnh: ĐT.

"Thành quả đạt được ngày hôm nay của sở là dấu ấn của sự cống hiến và đột phá. Đó cũng là kết quả của tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, quyết làm, luôn tâm huyết và có trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành giao thông vận tải TP qua các thời kỳ" - Giám đốc Sở GTVT nhấn mạnh.

Với những kết quả đã đạt được, Sở GTVT TP đã và đang tập trung triển khai nhiều công trình kết nối liên vùng, các dự án cửa ngõ, trong đó hoàn thiện 3 tuyến đường vành đai.

Đặc biệt hơn cả là tuyến vành đai 3 - con đường mang nhiều kỳ vọng để tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội của TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo đó, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để hoàn thành dự án này vào năm 2026.

Ngày 5-11-1975, UBND TP đã ra quyết định thành lập Sở GTVT với chức năng vừa là cơ quan quản lý hành chính, vừa chỉ đạo sản xuất kinh doanh các lĩnh vực phát triển và bảo trì hệ thống giao thông thủy, bộ; cải tạo, phát triển phương tiện vận tải phục vụ lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân; cải tạo, phát triển các doanh nghiệp cơ khí ô tô.
Năm 1991, UBND TP có quyết định thành lập Sở Giao thông - Công chánh TP.HCM trên cơ sở hợp nhất hai sở là Sở GTVT và Sở công trình đô thị có chức năng quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các chức năng chính bao gồm: giao thông vận tải đường bộ, đường sông, cấp thoát nước, chiếu sáng công cộng, công viên cây xanh và vệ sinh môi trường. Đến năm 2008, Sở Giao thông Công chánh được đổi tên thành Sở GTVT.

Từ đây, Sở GTVT đã có những quyết sách mang tính chiến lược phát triển toàn ngành. Mô hình tổ chức hoạt động của Sở thay đổi phù hợp với những yêu cầu và nhiệm vụ mới.

Nguồn PLO: https://plo.vn/hang-loat-du-an-se-duoc-so-gtvt-tphcm-trien-khai-trong-thoi-gian-toi-post706527.html