Hàng loạt hãng công nghệ đã sẵn sàng cho cuộc chiến xe điện
Sau Xiaomi và Apple, Oppo và Huawei là hai hãng công nghệ tham gia vào ngành công nghiệp xe điện.
Với việc Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành quốc gia tiêu thụ xe điện lớn nhất thế giới, các thương hiệu xe điện, điển hình như Tesla đang cố gắng trong việc mở các nhà máy sản xuất tại đây. Nhưng đối mặt với nhu cầu quá lớn, trong khi các thương hiệu xe điện hiện tại không thể sản xuất kịp để đáp ứng đủ nguồn cung, đây lại là cơ hội cho các hãng xe điện non trẻ.
Oppo dự kiến ra mắt xe điện của hãng vào năm 2024
Mới đây, hãng công nghệ đến từ Trung Quốc Oppo vừa tiết lộ kế hoạch phát triển một mẫu xe điện của riêng mình, dự kiến ra mắt lần đầu trước công chúng tại Ấn Độ vào năm 2024.
Hiện tại, mẫu xe này vẫn đang trong giai đoạn đầu, hướng đi và cách tiếp cận thị trường của thương hiệu Trung Quốc vẫn là một ẩn số.
Về lý thuyết, Oppo có thể hợp tác với một nhà sản xuất ôtô truyền thống cho dự án này, nhưng điều này sẽ không được ngành công nghiệp ôtô đón nhận. Nhiều khả năng hãng sẽ đi theo con đường của Apple và tự sản xuất mọi thứ.
Tuy nhiên, BBK Electronics, công ty mẹ của Oppo cho biết hãng sẽ cố gắng thúc đẩy việc hoàn thiện mẫu xe điện của riêng mình và ra mắt trước Apple Car.
Huawei chính thức tham gia vào ngành công nghiệp xe điện
Nhận thấy nhu cầu lớn về mặt xe điện, Huawei chính thức trở thành cái tên mới tham gia vào ngành công nghiệp này. Trước đó vào tháng 2, nhiều nguồn tin tiết lộ hãng công nghệ Trung Quốc đang ấp ủ kế hoạch phát triển mẫu xe điện của riêng mình.
Mãi đến tháng 4, hãng chính thức ra mắt mẫu xe SF5, đồng phát triển với Cyrus. Mới đây, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã chính thức công bố một mẫu xe điện mới với hệ điều hành HarmonyOS, đó chính là Aito M5.
Mục tiêu của Aito M5 là cạnh tranh với Tesla Model Y, vốn là mẫu xe khá ăn khách tại thị trường Trung Quốc. Phát biểu tại sự kiện ra mắt sản phẩm của Huawei, Richard Yu, Giám đốc Điều hành thương hiệu lẫn nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei cho biết mẫu xe M5 sẽ được vận hành bằng điện và xăng. Công suất và phạm vi hoạt động hứa hẹn sẽ đánh bại mẫu xe Model Y.
Đồng thời, Richard Yu còn hào hứng chia sẻ về khả năng cách âm của mẫu xe này: "Khách hàng sẽ được trải nghiệm hệ thống cách âm cao cấp, như việc bạn đang ở trong một thư viện vậy".
Điểm nhấn của Huawei trên mẫu xe M5 nằm ở hệ điều hành thông tin giải trí HarmonyOS, liên kết với các sản phẩm khác trong hệ sinh thái của Huawei. Khách hàng thậm chí có thể sử dụng đồng hồ thông minh của hãng để làm chìa khóa khởi động xe.
Aito trực thuộc thương hiệu Seres, có trụ sở tại Thung lũng Silicon, bang California, Mỹ. Đây vốn là công ty con của nhà sản xuất ôtô Sokon có trụ sở tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Mục tiêu của hãng nằm ở việc biến ôtô trở thành một thiết bị thông minh tương tự điện thoại trong tương lai. Sở dĩ hãng phải sử dụng hệ điều hành HarmonyOS vì Google đã cấm công ty sử dụng hệ điều hành Android.
Ông nói: “Những đợt trừng phạt trong 3 năm qua đã đẩy chúng tôi vào tình thế khó khăn. Tuy nhiên, bất chấp những điều đó, chúng tôi vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người tiêu dùng và các đối tác trên toàn cầu", Richard Yu cho biết.
M5 là mẫu xe đầu tiên từ thương hiệu Aito, viết tắt của cụm từ "bổ sung trí thông minh cho ôtô" (adding intelligence to auto). Những chiếc M5 đầu tiên dự kiến được bàn giao đến tay khách hàng vào cuối tháng 2/2022, tức là sau Tết Nguyên đán. Xe có giá bán khởi điểm 39.000 USD, thấp hơn mẫu xe Tesla Model Y gần 5.000 USD.
Hướng đi của Apple và Xiaomi trong việc phát triển xe điện
Thời điểm ra mắt Apple Car sớm nhất theo dự định là vào năm 2025, nhưng do dự án vẫn đang dang dở nên thời điểm này có thể sẽ thay đổi đôi chút.
Trước đó, nhà sản xuất iPhone có trụ sở tại Cupertino, bang California, Mỹ đã thử nhiều hướng đi khác nhau trong việc phát triển Apple Car, bao gồm cả việc hợp tác với một nhà sản xuất ôtô truyền thống nhưng kết quả không khả quan.
Hiện nay, liên doanh giữa LG và Magna lại là nhân tố chủ chốt trong việc phát triển Apple Car, đặc biệt là khi công ty công nghệ Hàn Quốc đang hợp tác với Apple để sản xuất iPhone. Theo nhiều nguồn tin, hãng công nghệ Mỹ sẽ chính thức vén màn về dự án Apple Car vào năm 2022 hoặc 2023.
Về phần Xiaomi, hãng đã xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Bắc Kinh với công suất dự kiến lên đến 300.000 chiếc mỗi năm. Hãng công nghệ Trung Quốc cũng sẽ thành lập trụ sở chính cho thương hiệu ôtô của riêng mình, cũng như văn phòng kinh doanh và nghiên cứu tại Khu Phát triển Kinh tế và Công nghệ Bắc Kinh.
Vào tháng 9, thương hiệu công nghệ Trung Quốc đã thông báo về việc thành lập Công ty TNHH Xe điện Xiaomi. Công ty này có số vốn đăng ký 1,5 tỷ USD và được thành lập sau khi Xiaomi dành 5 tháng để tiến hành nghiên cứu xu hướng của người dùng và tiềm năng của ngành công nghiệp xe điện. Tính đến cuối tháng 9, bộ phận xe điện từ Xiaomi có 300 nhân viên.
Mặc dù không tiết lộ kế hoạch chi tiết trong việc chạy đua với các thương hiệu sừng sỏ khác trong cuộc chiến xe điện, việc xây dựng nhà máy của Xiaomi phần nào khẳng định hãng sẽ tự sản xuất mẫu xe điện của riêng mình trong tương lai, thay vì liên doanh với các thương hiệu xe điện khác. Xiaomi cho biết họ sẵn sàng chi 10 tỷ USD cho việc phát triển xe điện trong 10 năm tới.