Hàng loạt khu du lịch sinh thái 'mọc chui' trên đất rừng sản xuất

Mặc dù chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được cơ quan chức năng cấp phép nhưng nhiều điểm du lịch sinh thái tự phát vẫn thi nhau mọc lên trên đất rừng sản xuất. Điều này dấy lên mối lo ngại về tình trạng cháy rừng, tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn đuối nước và làm thay đổi hệ sinh thái rừng tự nhiên.

Trong khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, tại khu vực rừng núi phía Tây Nam của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), thuộc địa phận các xã Nam Điền, Thạch Xuân và Lưu Vĩnh Sơn, nổi lên tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân tự ý xây dựng các khu du lịch sinh thái để kinh doanh, can thiệp đến diện tích rừng tự nhiên và uy hiếp đến sự an toàn của rừng, đặc biệt là nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng như hiện nay.

Được đầu tư với quy mô lớn nhất trong các khu du lịch tự phát ở khu vực này, có thể kể đến là khu sinh thái Đá Bạc Eco, được tiến hành xây dựng từ năm 2016 và hoàn thiện, đón khách tham quan từ đầu năm 2022 đến nay. Quần thể này được đầu tư xây dựng bên cạnh quốc lộ 8C, thuộc địa phận thôn Tân Hòa, xã Nam Điền, cách trung tâm TP Hà Tĩnh khoảng 15km nên hằng ngày thu hút lượng lớn khách đến tham quan, check in và thưởng thức ẩm thực. Đá Bạc Eco được đầu tư xây dựng bởi Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Minh Phương và Công ty Lữ hành Thành Sen (trụ sở đều đóng tại TP Hà Tĩnh), trên diện tích khoảng 5ha. Đây cũng là địa điểm được đầu tư 2 bể bơi (cho trẻ em và người lớn), hàng ngày có thu vé bơi lội kết hợp kinh doanh ẩm thực.

Ông Nguyễn Sỹ Quý, Chủ tịch UBND xã Nam Điền xác nhận, mặc dù đầu tư lên đến hàng tỷ đồng, với nhiều hạng mục vui chơi giải trí nhưng dự án này đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Theo ông Quý, dự án đã có trong quy hoạch và hiện chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ. Thời gian vừa qua, đại diện Sở Tài nguyên môi trường, Sở Xây dựng và Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đến làm việc về các vấn đề pháp lý liên quan. Được biết, toàn bộ diện tích tại khu sinh thái Đá Bạc Eco hiện vẫn là đất rừng sản xuất, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Khu du lịch sinh thái Đá Bạc Eco có diện tích trên 5ha xây dựng “chui” trên đất rừng sản xuất.

Khu du lịch sinh thái Đá Bạc Eco có diện tích trên 5ha xây dựng “chui” trên đất rừng sản xuất.

Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn xã Nam Điền cũng có một số khu sinh thái tự phát khác là điểm sinh thái Hồ Trên Núi tại thôn Thống Nhất, do ông Trương Quang Đức làm chủ; cách vị trí này không xa là trang trại Sáu Khỏe của ông Ba Sáu cũng hoạt động từ nhiều năm nay. Đặc biệt, phía hạ nguồn hai khu sinh thái nói trên, hiện nay Công ty CP Vạn Xuân (trụ sở tại TP Hà Tĩnh) cũng đang đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái “chui”, với nhiều hạng mục can thiệp sâu vào tự nhiên, làm thay đổi dòng chảy của con suối duy nhất đưa nước từ thượng nguồn về đây để phục vụ sản xuất.

Theo chính quyền địa phương, dự án này Công ty CP Vạn Xuân mới nhận chuyển nhượng lại từ một người dân. Hiện, dự án chưa có bất cứ hồ sơ, thủ tục nào nhưng chủ đầu tư vẫn tiến hành đắp đất, trồng cây, ghép đá và tạo cảnh quan, làm thay đổi dòng chảy của suối.

Trong khi đó, cũng tại khu vực này, nằm trên ranh giới địa phận của xã Thạch Xuân, cũng có 2 khu sinh thái tồn tại, hoạt động từ nhiều năm nay là Phan Gia Trang và trang trại nhà Mộc. Trong đó, trang trại nhà Mộc do ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên Phó giám đốc Sở NN&PTNN Hà Tĩnh làm chủ nhưng cũng chưa có bất cứ hồ sơ, thủ tục nào liên quan được cấp phép. Ông Dương Xuân Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân xác nhận, các khu sinh thái này đều được xây dựng trên đất rừng sản xuất, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Trong đó, cơ sở Phan Gia Trang trên địa bàn Thạch Xuân và các cơ sở Sáu Khỏe, Hồ Trên Núi thuộc địa phận xã Nam Điền đều nằm trong phạm vi tiếp giáp với khu vực rừng, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất lớn khi các cơ sở này đều kinh doanh các món ẩm thực liên quan đến đồ nướng. Chính quyền đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, lập biên bản xử lý và bắt chủ cơ sở ký cam kết đảm bảo an toàn về phòng, chống cháy rừng, lực lượng Công an cũng lập biên bản bắt ký cam kết về đảm bảo ANTT, đảm bảo về phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Đồng thời, đã có văn bản đề nghị lên cấp huyện sớm có phương án xử lý nhưng đến nay vẫn chưa có sự can thiệp.

Trong khi đó, tại địa bàn xã Lưu Vĩnh Sơn cách địa điểm này không xa, cạnh quốc lộ 8C cũng mọc lên một khu sinh thái có tên là Tùng Lâm sơn trại. Địa điểm này mặc dù mới đưa vào hoạt động chưa lâu nhưng thu hút được hàng nghìn lượt người đến tham quan, thưởng thức ẩm thực và bơi lội, thậm chí là có cả “homstay” để ngủ, nghỉ. Cũng như các khu sinh thái khác trên địa bàn, Tùng Lâm sơn trại là địa điểm du lịch tự phát, mọc chui trên đất rừng sản xuất nhưng không hiểu sao vẫn mặc nhiên tồn tại.

Được biết, tất cả các khu sinh thái trên địa bàn các xã Thạch Xuân, Nam Điền và Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà) đến nay đều chưa được cấp phép và đều “mọc chui” trên đất rừng sản xuất. Mô hình của các cơ sở này đều giống nhau, bao gồm xây dựng các vị trí “check in”, kinh doanh ẩm thực là các món đặc sản của vùng miền như gà đồi, lợn rừng, cá lóc, tôm suối…

Các điểm du lịch này đều xây dựng từ 1 đến 2 bể bơi, diện tích từ 50 - 100m2, có độ sâu từ 80cm - 160cm để phục vụ du khách. Ngoại trừ khu sinh thái Đá Bạc Eco là có thu tiền, còn lại các điểm khác không thu tiền vé bể bơi. Việc tổ chức xây dựng các bể bơi tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ về đuối nước, khi không có cơ sở nào cắt cử người có chuyên môn và kĩ năng về bơi lội để quản lý mà phần lớn đều phó mặc cho du khách tự quản con, em mình.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Liên, Chánh văn phòng UBND huyện Thạch Hà cho biết, đối với các khu du lịch sinh thái tự phát này, huyện cũng đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu các chủ cơ sở thực hiện việc chấp hành nghiêm túc về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy rừng cũng như đảm bảo về ANTT và các vấn đề liên quan. Về hồ sơ thủ tục, do UBND huyện không thuộc thẩm quyền cấp phép nên chỉ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định.

Thông tin từ huyện Thạch Hà cho biết, mặc dù các khu sinh thái nói trên đều xây dựng trên đất rừng sản xuất, chưa chuyển đổi mục đích song một số cơ sở đã được giao đất. Theo đó, vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, vùng đất này được quy hoạch là khu kinh tế mới, 12 hộ dân được UBND huyện Thạch Hà ra quyết định giao đất, giao rừng nhưng chưa được cấp bìa. Tuy nhiên, trong quyết định này của huyện có cả đất rừng sản xuất lẫn đất ở nhưng lại không đo vẽ cụ thể nên hiện đang lẫn lộn giữa hai loại đất này.

Thiên Thảo

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/hang-loat-khu-du-lich-sinh-thai-moc-chui-tren-dat-rung-san-xuat-i703764/