Hàng loạt nền kinh tế lớn sẽ rơi vào suy thoái?
Giới chuyên gia cảnh báo một cuộc 'suy thoái đồng loạt' trong vòng 12 tháng tới. Theo đó, các nền kinh tế hàng đầu gồm Mỹ, châu Âu, Australia và Nhật Bản đều rơi vào suy thoái.
Bloomberg đưa tin theo Nomura Holdings Inc., các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới. Nguyên nhân là việc giới chức siết chặt chính sách tài khóa và tiền tệ, lạm phát tăng cao và tăng trưởng giảm tốc.
Tập đoàn tài chính Nhật Bản dự báo khu vực đồng EUR, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada và Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.
"Ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới đang đi vào giai đoạn giảm tốc tăng trưởng đồng bộ. Điều này có nghĩa là các quốc gia không còn có thể dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng", nhóm chuyên gia của Nomura nhận định.
Suy thoái đồng bộ
Điều này cũng khiến đội ngũ chuyên gia của Nomura cho rằng suy thoái sẽ xảy ra ở nhiều quốc gia.
"Lạm phát cũng sẽ tiếp tục đi lên do áp lực giá đã lan rộng từ lĩnh vực hàng hóa sang dịch vụ, tiền thuê nhà và tiền lương", nghiên cứu của Nomura viết.
Ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới đang đi vào giai đoạn giảm tốc tăng trưởng đồng bộ. Điều này có nghĩa là các quốc gia không còn có thể dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng
Nhóm chuyên gia của Nomura
Tuy nhiên, mức độ suy thoái tại các quốc gia sẽ không giống nhau. Nomura dự báo Mỹ có thể trải qua một cuộc suy thoái nhẹ nhưng kéo dài 5 quý, bắt đầu từ quý cuối năm nay.
Các nhà kinh tế cho biết tại châu Âu, cuộc suy thoái có thể sâu rộng hơn nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt tới khối này.
Nomura dự báo cả Mỹ và các nền kinh tế khu vực đồng EUR đều suy yếu 1% trong năm 2023. Tuy nhiên, những quốc gia như Australia, Hàn Quốc và Canada có thể ghi nhận đà giảm tốc lớn hơn dự báo nếu lãi suất tăng cao khiến thị trường nhà ở sụp đổ.
Hàn Quốc được dự báo là nền kinh tế chịu tác động nặng nề nhất trong năm nay, với mức giảm 2,2% trong quý III.
Trong khi đó, Trung Quốc - nền kinh tế thứ 2 thế giới - được dự báo không trải qua suy thoái trong năm nay. Tuy nhiên, nước này vẫn sẽ chịu ảnh hưởng nếu Bắc Kinh tiếp tục đưa ra các lệnh phong tỏa để theo đuổi chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0).
Triển vọng u ám
Các tổ chức kinh tế khác cũng đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng của những nền kinh tế hàng đầu thế giới trong năm nay. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các hoạt động kinh tế của Mỹ đã mất đà tăng trong 6 tháng đầu năm 2022 dưới tác động của làn sóng Covid-19, điều kiện tài chính thắt chặt và xung đột Nga - Ukraine.
WB dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ giảm xuống 2,5% năm 2022, giảm 1,2 điểm phần trăm so với mức dự báo trong tháng 1/2022.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ giảm mạnh từ mức 5,7% năm 2021 xuống còn 2,5% năm 2022. Mới đây, Văn phòng Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) cho biết trong quý I, nền kinh tế Mỹ đã suy yếu với tốc độ nhanh hơn ước tính trước đó. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, GDP thực tế lao dốc 1,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Đây là lần sửa đổi thứ 3 của BEA. Theo ước tính được công bố vào tháng 4, GDP của Mỹ sụt giảm 1,4%. Tháng trước, con số đó được điều chỉnh thành 1,5%.
Đối với khu vực đồng EUR, WB dự báo trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế của khu vực này sẽ giảm xuống mức 2,5%, điều chỉnh giảm 1,7 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 1/2022.
Trong khi đó, OECD dự báo tăng trưởng GDP khu vực đồng EUR sẽ giảm từ mức 5,3% năm 2021 xuống 2,6% năm 2022. Lạm phát cơ bản được dự báo ở mức 7% năm 2022, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu.
WB dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 4,3% trong năm 2022, điều chỉnh giảm 0,8 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, phản ánh thiệt hại lớn hơn dự kiến từ đại dịch Covid-19 và chính sách phong tỏa nhằm khống chế đại dịch.
OECD dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 4,4% năm 2022, điều chỉnh giảm 0,7 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 3/2022.
Nền kinh tế Trung Quốc có thể gặp phải áp lực từ việc tăng giá năng lượng và thực phẩm, nhưng dự trữ lớn có thể giúp hạn chế những áp lực này. Lạm phát của Trung Quốc được dự báo ở mức 2% năm 2022.
WB cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế Nhật Bản xuống mức 1,7% vào năm 2022, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra hồi tháng 1/2022.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-loat-nen-kinh-te-lon-se-roi-vao-suy-thoai-post1332533.html