Hàng loạt nhà xe bỏ chuyến tại Điện Biên vì… thuế cao
Hàng loạt xe khách chạy tuyến đường dài tại Điện Biên đình công, bỏ chuyến...
Nguyên nhân xuất phát từ một quyết định về việc áp dụng mức thuế mới đối với hoạt động kinh doanh vận tải khách do Cục Thuế tỉnh Điện Biên ban hành.
Cuộc đối thoại… chưa hồi kết
Ngày 1/1/2023, Cục Thuế tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định 738/QĐ-CTDB1, về việc ấn định hệ số sử dụng ghế ngồi, giường nằm và doanh thu đối với hoạt động kinh doanh, vận tải hành khách bằng xe ô tô khi áp dụng phương pháp trực tiếp trên địa bàn.
Trong đó, quy định cụ thể mức áp dụng 50% cho xe cao cấp, giường nằm chạy các tuyến liên tỉnh; 45% với xe khách thông thường các tuyến liên tỉnh; xe khách thông thường ghế ngồi tuyến sang Lào áp dụng 40%; xe khách nội tỉnh đi các huyện và ngược lại áp dụng mức 30%.
Cho rằng mức thuế này không phù hợp với thực tế, trưa ngày 25/2, hàng chục xe khách giường nằm thuộc nhiều đơn vị vận tải lớn trên địa bàn, như: Xuân Long; Long Giang; HTX vận chuyển khách, hàng hóa và dịch vụ TP Điện Biên Phủ… đồng loạt đình công, bỏ chuyến.
Trước sự việc chưa có tiền lệ, Cục Thuế tỉnh Điện Biên đã tổ chức buổi gặp mặt, đối thoại với các đơn vị vận tải, lái xe khách trên địa bàn. Tại đây, đại diện cơ quan thuế khẳng định việc xây dựng, ban hành Quyết định 738 là đúng quy định về thẩm quyền cũng như các căn cứ pháp lý.
Lý giải cho việc quyết định các hệ số như trên, ông Nguyễn Quang Việt, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Điện Biên cho hay: Từ thực tiễn thấy rõ rằng các dịp Tết, lễ hoặc mùa du lịch thì hoạt động vận tải khách có doanh thu tốt; các thời gian khác ít khách hơn. Theo phương thức tính bình quân thì cơ quan thuế lấy mức hệ số sử dụng ghế, giường nằm trung bình là 50%.
Các phương tiện khác cũng theo cơ sở này, nhưng giảm dần vì có tính toán thực tiễn. “Ngoài vận chuyển khách, thực tế thì các nhà xe vẫn vận chuyển hàng hóa, có thêm nguồn thu nhưng cơ quan thuế không tính làm căn cứ thuế”, ông Việt nói.
Ngoài ra, ông Việt cũng cho rằng trước khi ban hành quyết định, cơ quan thuế đã mời các doanh nghiệp, đơn vị vận tải đến thảo luận, tổng hợp ý kiến. Mức hệ số sử dụng 0,5 cũng dựa trên khảo sát được áp dụng tại tỉnh Sơn La từ năm 2015.
Đa số các nhà xe đều cho rằng, việc cơ quan thuế đưa ra mức thuế khoán bằng cách so sánh giữa tỉnh Điện Biên và Sơn La là chưa hợp lý. Bởi hiện nay nhiều nhà xe ở Điện Biên chạy tuyến Hà Nội có giá vé bằng với xe khách Sơn La chạy cùng tuyến. Trong khi, trên thực tế các xe luôn chạy trong tình trạng không đủ khách, điều kiện kinh tế 2 địa phương còn nhiều chênh lệch…
Theo ông Lê Đình Dũng, đại diện nhà xe Lê Dũng thì ngay từ cuối tháng 12/2022, khi nhận được quyết định này, các đơn vị nhà xe đã không đồng tình và có kiến nghị lên Hiệp hội Vận tải ô tô Điện Biên. Tuy nhiên, do đúng thời gian cao điểm thực hiện kế hoạch Tết, nên hiệp hội động viên các nhà xe lùi lại.
“Ra Tết, chúng tôi tiếp tục kiến nghị nhưng chờ mãi không thấy hồi âm. Sợ đến thời hạn thu thuế thì không thay đổi được gì nên các nhà xe quyết định không thể chờ thêm. Việc đình công là bất đắc dĩ để mong các cơ quan chức năng xem xét lại”, ông Dũng cho hay.
Đâu mới là căn cứ?
Sau cuộc đối thoại, nhiều đơn vị vận tải khách cho rằng chưa thỏa đáng. Một số nhà xe khẳng định chưa từng được cơ quan thuế lấy ý kiến liên quan, họ không biết cơ quan thuế lấy căn cứ ở đâu.
“Nếu dựa trên doanh số vé bán ra của các bến xe thì không thể áp dụng mức đó được. Bởi đơn cử như dịp cao điểm nhất là 1 tháng Tết Nguyên đán vừa qua, trong tổng số gần 2.500 chuyến xe liên tỉnh xuất bến, chỉ có trên 19.000 khách. Như vậy, bình quân mỗi xe chưa đầy 10 người. Chưa kể các năm trước dịch bệnh căng thẳng, rồi ngày thường… còn ảm đạm hơn”, ông Lê Đình Dũng, đại diện nhà xe Lê Dũng phân tích.
Tương tự, nhiều nhà xe cho rằng, cơ quan thuế cần dựa trên căn cứ về doanh số bán vé mới phù hợp. “Còn việc xe khách bắt thêm khách ngoài thì đã có các cơ quan chức năng xử lý. Chứ không thể cứ ước lượng hết vào rồi tính thuế được”, ông Dũng nói thêm.
Ngoài ra, các nhà xe cũng cho rằng câu trả lời của cơ quan thuế không những không rõ ràng mà còn bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, theo trả lời thì khi xây dựng mức thuế trên, cơ quan thuế dựa vào căn cứ mức thu đã được áp dụng tại tỉnh Sơn La từ năm 2015. Cho đến khi có ý kiến phản đối thì lại trả lời “phải chờ xin ý kiến tư vấn của Sở GTVT, Sở Tài chính và Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Điện Biên”.
Ngay trong sáng 27/2, Hiệp hội Vận tải ô tô Điện Biên đã tổ chức hội nghị mở rộng, với sự tham gia của đại diện các đơn vị kinh doanh vận tải khách và nhiều nhà xe, lái xe hoạt động trên địa bàn. Tại đây, hội nghị thống nhất phương án đề xuất cơ quan thuế áp dụng mức hệ số 10% trong giai đoạn trước mắt.
Ông Lê Văn Chiến, lái xe thuộc Công ty Long Giang cho biết, sau đại dịch, các đơn vị vận tải ở Điện Biên đều rơi vào tình trạng khó khăn chung. Lượng khách không ổn định, cộng thêm các khoản nợ ngân hàng khiến một số đơn vị đứng bên bờ vực phá sản. Phần đa còn lại đang phải “gồng mình” để duy trì hoạt động.
“Giờ lại đưa ra mức thuế khoán cho chúng tôi là 50% của số giường trên xe nhân với giá vé của Nhà nước niêm yết. Theo tuyến Quảng Ninh như hiện nay đang chi trả 19 triệu đồng mức thuế của một đầu xe thì chúng tôi không đáp ứng được nổi”, ông Chiến giãi bày.
Trước nhiều áp lực cộng dồn, nhiều nhà xe bày tỏ quan điểm, nếu cơ quan thuế vẫn áp dụng mức hiện tại thì họ sẽ tiếp tục đình công. Với lý lẽ: “Dù dựa trên căn cứ nào thì áp dụng mức thuế này các nhà xe không thể sống được! Không duy trì hoạt động thì lấy gì đóng thuế?”.