Hàng loạt nước tức tốc đề xuất giúp Triều Tiên chống dịch

Các nước láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc, cùng với Nga và các tổ chức quốc tế, đã tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên vượt qua đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên.

Trước khi xác nhận trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên, trong vòng hơn 2 năm, Triều Tiên liên tục từ chối những đề nghị viện trợ vaccine từ cộng đồng quốc tế. Họ kiên định tuyên bố hệ thống chính trị đang bảo vệ 26 triệu dân khỏi “loại virus độc hại đã giết chết hàng triệu người trên khắp thế giới”, theo AP.

Việc Triều Tiên bất ngờ thừa nhận đợt bùng dịch Covid-19 trong tuần này đã khiến nhiều chuyên gia tự hỏi tình hình dịch tại nước này đang tồi tệ đến mức nào.

Triều Tiên đã đóng cửa biên giới từ đầu năm 2020. Không có phóng viên, nhân viên viện trợ hoặc nhà ngoại giao nào có thể thường xuyên ra vào quốc gia này, do đó các chuyên gia chỉ có thể phỏng đoán về tình hình thực tế tại Triều Tiên.

Một số thông tin hiếm hoi - như chưa có báo cáo về tỷ lệ vaccine, năng lực xét nghiệm hạn chế, cơ sở hạ tầng y tế công mỏng manh và tình trạng kinh tế đang gặp khó - làm dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo trên diện rộng tại quốc gia gần 26 triệu dân.

Do đó, nhiều chuyên gia hy vọng Triều Tiên sẽ chấp nhận những yêu cầu viện trợ từ cộng đồng quốc tế để vượt qua cơn khủng hoảng Covid-19.

Triều Tiên vẫn chưa xin viện trợ

Hôm 13/5, Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết Hàn Quốc sẵn sàng cung cấp viện trợ y tế, bao gồm cả vaccine Covid-19, để giúp Triều Tiên ngăn chặn đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên. Người phát ngôn của tổng thống nói Seoul có kế hoạch tham vấn với Bình Nhưỡng về các biện pháp viện trợ đại dịch cụ thể, dù cho đến giờ Triều Tiên vẫn chưa yêu cầu.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói với NK News rằng đường dây nóng liên Triều vẫn hoạt động bình thường lúc 17h chiều 13/5 (giờ địa phương), nhưng không bên nào thảo luận về chủ đề viện trợ ứng phó đại dịch.

Trước đó, một quan chức chính phủ Hàn Quốc giấu tên nói với các phóng viên hôm 12/5 rằng các vấn đề an ninh và quốc phòng nên là "vấn đề riêng biệt" với hỗ trợ nhân đạo.

“Nếu Triều Tiên yêu cầu điều gì đó họ muốn, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng và thảo luận nghiêm túc về vấn đề này”, quan chức này nói.

Phát biểu tại phiên điều trần trước quốc hội Hàn Quốc, Kwon Young Se - Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc, chịu trách nhiệm về quan hệ liên Triều - cho biết nước này sẵn sàng giúp Triều Tiên chống lại Covid-19. Hỗ trợ nhân đạo như vaccine, thuốc men và vật tư y tế không liên quan đến các lệnh trừng phạt, theo ông Kwon.

 Nhân viên khử trùng tại cửa hàng tổng hợp thực phẩm Kyonghung ở Bình Nhưỡng ngày 10/11/2021. Ảnh: AP.

Nhân viên khử trùng tại cửa hàng tổng hợp thực phẩm Kyonghung ở Bình Nhưỡng ngày 10/11/2021. Ảnh: AP.

Cùng ngày 13/5, Điện Kremlin cho biết sẽ nhanh chóng xử lý đề nghị hỗ trợ vaccine Covid-19 nếu Bình Nhưỡng yêu cầu, trong bối dịch Covid-19 "bùng nổ" ở Triều Tiên.

"Các đồng chí Triều Tiên nhận thức rõ về những loại vaccine khác nhau của Nga. Họ hiểu chúng tôi có nhiều kinh nghiệm với Covid-19. Nếu Bình Nhưỡng đề nghị, chúng tôi sẽ nhanh chóng xử lý", ông Peskov nói. Tuy nhiên, ông Peskov nói Điện Kremlin vẫn chưa nhận được yêu cầu nào.

Trong khi đó, ngay vào ngày Triều Tiên thông báo về những ca mắc đầu tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ “nước láng giềng và người bạn” Triều Tiên chống lại đại dịch Covid-19.

“Chúng tôi thông cảm với tình hình bùng phát dịch hiện tại ở Triều Tiên”, ông Triệu tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, theo AFP.

“Là láng giềng và người bạn, Trung Quốc sẵn sàng cung cấp sự giúp đỡ và hỗ trợ toàn diện cho Triều Tiên trong cuộc chiến chống lại đại dịch”, ông Triệu tuyên bố. Dù vậy, ông Triệu không đề cập tới các biện pháp hỗ trợ cụ thể mà Bắc Kinh sẽ thực hiện.

Mỹ cho biết nước này ủng hộ cung cấp viện trợ cho Triều Tiên, nhưng Washington hiện chưa có kế hoạch chia sẻ vaccine.

"Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tiêm chủng nhanh chóng cho người dân", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Reuters.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đã liên lạc với cơ quan chức năng ở Triều Tiên nhưng vẫn chưa nhận được báo cáo chính thức từ Bộ Y tế nước này, theo UN News.

Edwin Salvador, đại diện WHO tại Triều Tiên, cho biết cơ quan Liên Hợp Quốc đã hỗ trợ nước này xây dựng kế hoạch ứng phó và chuẩn bị cấp quốc gia với dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, cùng với các đối tác - bao gồm Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Liên minh vaccine GAVI, WHO đã hỗ trợ Triều Tiên xây dựng kế hoạch triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19.

WHO vẫn cam kết làm việc với các cơ quan của Triều Tiên bằng cách cung cấp thông tin cần thiết về vaccine thông qua COVAX.

Người phát ngôn của GAVI cho biết nếu Triều Tiên chấp nhận, cơ chế COVAX sẵn sàng cung cấp đủ liều lượng để nước này bắt kịp mục tiêu tiêm chủng quốc tế.

Liệu Triều Tiên có thay đổi lập trường?

Việc bất ngờ thừa nhận dịch bệnh “bùng nổ” trên toàn quốc khiến một số chuyên gia hy vọng Bình Nhưỡng sẽ sớm chấp nhận viện trợ vaccine.

“Việc tiết lộ dịch bệnh bùng phát thông qua KCNA - kênh chính để liên lạc với bên ngoài - cho thấy rằng Triều Tiên có thể tìm kiếm sự hỗ trợ về vaccine”, Yang Moo-jin - giáo sư tại Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên ở Seoul - nhận định. “Cô lập và kiểm soát là không đủ để vượt qua cơn khủng hoảng mà không cần vaccine”.

Những chuyên gia khác vẫn chưa rõ liệu Triều Tiên có xoa dịu lập trường vì có nhiều rào cản liên quan đến chính trị. Một số nhà phân tích cho rằng "ngoại giao vaccine" với Triều Tiên có thể xoa dịu căng thẳng trong các lĩnh vực khác như vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo.

“Nếu hợp tác liên Triều diễn ra, nó sẽ giúp xoa dịu căng thẳng quân sự và mở lại các cuộc đàm phán, và có khả năng dẫn đến trao đổi nhân đạo như đoàn tụ gia đình ly tán”, - Cheong Seong-chang - Giám đốc trung tâm nghiên cứu Bắc Triều Tiên của Viện Sejong, Hàn Quốc - cho biết.

 Người dân đeo khẩu trang trước ga Bình Nhưỡng tại Triều Tiên hôm 27/4/2020. Ảnh: Reuters.

Người dân đeo khẩu trang trước ga Bình Nhưỡng tại Triều Tiên hôm 27/4/2020. Ảnh: Reuters.

Nhưng chính việc chính trị hóa viện trợ cũng là lý do chính khiến Triều Tiên chần chừ chấp nhận hỗ trợ.

Ông Cheong nói Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ tiếp cận với đồng minh ở Bắc Kinh, mặc dù Bình Nhưỡng đã từ chối lời đề nghị trước đó về 3 triệu liều vaccine Sinovac.

Tuy nhiên, “nếu tình hình ngày càng khó kiểm soát, sẽ rất khó để (Triều Tiên) từ chối sự hỗ trợ của phương Tây”, ông nhận định.

Giáo sư Kim Sin-gon tại Đại học Y khoa Seoul cho rằng Triều Tiên sẽ không trực tiếp yêu cầu giúp đỡ mà thay vào đó sẽ xem Seoul và Washington phản ứng như thế nào.

Các quan chức Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên không muốn nhận vaccine Sinovac hoặc Astrazeneca, mà muốn Moderna và Pfizer. Một nghiên cứu do CSIS xuất bản hồi tháng 3 cũng đưa ra thông tin tương tự. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận với COVAX đã bị đình trệ do Triều Tiên từ chối các điều khoản liên quan đến tác dụng phụ của vaccine.

Jung Jae-hun - giáo sư y tế dự phòng tại Đại học Gachon của Hàn Quốc - cho rằng có khả năng Triều Tiên sẽ chỉ chấp nhận nguồn cung vaccine đủ để tiêm cho người già và đối tượng có bệnh nền, bởi đã quá muộn để tiêm chủng cho toàn bộ dân số, theo AP.

Tuy nhiên, các yếu tố hậu cần cũng quan trọng không kém. Thae Young-ho - nhà lập pháp Hàn Quốc - đã kêu gọi Tổng thống Yoon tìm kiếm biện pháp miễn trừ trừng phạt tạm thời trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới với Tổng thống Mỹ Joe Biden để cho phép vận chuyển nhiên liệu và máy phát điện vào miền Bắc.

“Mọi người đều nói về việc hỗ trợ vaccine, nhưng Triều Tiên không có cơ sở hạ tầng để giữ vaccine trong kho lạnh hoặc đủ năng lượng để duy trì hệ thống”, ông nói.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-loat-nuoc-tuc-toc-de-xuat-giup-trieu-tien-chong-dich-post1317092.html